Công nghệ SEO dược - mỹ phẩm: Bài 2: ‘Lối ra’ có trải hoa hồng?

Nhóm PV 06/11/2021 14:05

Chưa bao giờ thị trường gia công dược, mỹ phẩm lại trở nên sôi động như hiện nay. Chỉ cần bỏ ra một số vốn nhất định, người ta có thể dễ dàng có được những sản phẩm “độc quyền”.

Loay hoaytìm đầu ra

Gia công mỹ phẩm là hoạt động thương mại mà bên nhận gia công sử dụng một phần hay toàn bộ những nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao.

Sở hữu cho mình một sản phẩm “độc quyền” là không khó, tuy nhiên việc đi tìm đầu ra cho sản phẩm cũng khiến không ít những “CEO” đau đầu. Nếu những người đặt hàng gia công không sở hữu spa, thẩm mĩ viện, cơ sở làm đẹp… thì rất khó khăn trong việc tìm đầu ra.

Chị Phạm Song N., chủ của một chuỗi spa tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, ngoài những sản phẩm chính hãng, được các cơ quan chức năng cho phép, nhiều cơ sở thẩm mĩ, spa đều cho đặt hàng mỹ phẩm gia công để quảng cáo sở hữu sản phẩm điều trị độc quyền, khách hàng không thể tìm thấy trên thị trường để khách khi đã sử dụng thì phụ thuộc hoàn toàn vào sản phẩm, nhất định phải quay trở lại cơ sở thẩm mĩ.

Các “ông chủ”, “bà chủ” sở hữu thương hiệu mỹ phẩm gia công độc quyền nhưng không có sẵn tệp khách hàng thì phải đổ rất nhiều tiền cho quảng cáo YouTube, Facebook, TikTok… Tiền đổ ra ôm sản phẩm là thật, tiền quảng cáo là thật nhưng khách vẫn là khách ảo vì sản phẩm gia công không đáp ứng được yêu cầu của thị trường hoặc chất lượng không đảm bảo.

Một trong những đơn vị quảng cáo gia công mỹ phẩm trọn gói được quảng cáo tràn lan trên mạng Internet.

“Trong hợp đồng gia công sản phẩm của tôi có chi phí 1 tỷ đồng để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm kem trị mụn mang tên tôi. Tôi được bên gia công đặt bài đăng ở một số trang web, sản xuất video quảng cáo, thuê người nổi tiếng review sản phẩm" - chị Lê Cẩm Anh, giám đốc công ty đầu tư thương mại C.A. cho biết. Tuy nội dung quảng cáo, review đã cố thổi phồng công dụng của sản phẩm nhưng chị Cẩm Anh vẫn không thể gỡ được vốn vì sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu.

"Nói chung chỉ cơ sở gia công là có lãi. Hiếm người thành công từ những sản phẩm gia công trong nước bằng chất lượng sản phẩm”, nữ doanh nhân này cay đắng kể.

Chất lượng ở đâu giữa tràn lan những đơn vị nhận gia công dược mỹ phẩm xuất hiện hàng loạt trên mạng? Trong khi không phải đơn vị nào cũng đạt tiêu chuẩn GMP (tiêu chuẩn bắt buộc cho các nhà máy sản xuất dược, mỹ phẩm, thực phẩm…).

Cũng theo tìm hiểu của PV, hàng gia công về dược, mỹ phẩm cũng được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử với số lượng lớn, nhập hàng theo lô. Đơn vị cung cấp cũng sẵn sàng để giá sỉ với mức chiết khấu cao nếu nhập hàng số lượng lớn.

Dù vậy, phần lớn các đơn vị đang rao bán đều có một dấu hiệu nhận biết chung là không có thông tin rõ ràng về xưởng sản xuất hoặc cùng chung 1 địa chỉ sản xuất, không có website chi tiết minh bạch về công ty, luôn có những hình ảnh quảng cáo tốc độ tác dụng của sản phẩm rất nhanh, mạnh, nguồn gốc nguyên liệu mập mờ, giấy tờ pháp lý không rõ ràng….

Hiện tại Hà Nội có rất nhiều cơ sở nhận gia công mỹ phẩm, làm dịch vụ pháp lý, dịch vụ truyền thông, quảng cáo như Việt Hương, Viên Ngọc, SHC, KCB, Chara, Vimac… để lựa chọn đúng cơ sở gia công hợp pháp, đảm bảo chất lượng thì các nhà đầu tư cần có hiểu biết về sản phẩm, kiến thức về pháp lý.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế Dương Xuân An vừa ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 công ty dược phẩm, mỹ phẩm, với tổng số tiền phạt là 213 triệu đồng.

Tại Quyết định số 32/QĐ-XPVPHC, Công ty TNHH Dược phẩm Sài Gòn (Sagopha) bị xử phạt 45 triệu đồng do đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính: Hành vi vi phạm thứ nhất: Hành nghề dược mà không có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật (tại thời điểm thanh tra ngày 15/4/2021, dược sĩ phụ trách chuyên môn của nhà máy tại Chi nhánh Bình Dương là bà Tôn Nữ Thu Vân đã nghỉ việc theo Quyết định số 39/SGP-QĐ ngày 25/3/2021); Sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc có thay đổi nhỏ so với hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nội dung thay đổi theo quy định của pháp luật đối với 2 trường hợp phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (thuốc Rumafar, SĐK: VD-33258-19, số lô 0010620, NSX: 230620, HSD: 230623).

Tại Quyết định số 33/QĐ-XPVPHC, Công ty TNHH Mỹ phẩm Trường Phúc có địa chỉ tại thửa đất 1497, tờ bản đồ 132, khu phố 1B, phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương bị xử phạt 4 triệu đồng do kinh doanh 5 kg nguyên liệu Torm Ford Fragrane, số lô 2019095172, NSX: 10/9/2019, HSD: 10/9/2022 không rõ nguồn gốc xuất xứ, có giá trị 4,2 triệu đồng.

Tại Quyết định số 34/QĐ-XPVPHC, Công ty Cổ phần Dược phẩm ME DI SUN có địa chỉ tại số 521 khu phố An Lợi, phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương bị xử phạt 80 triệu đồng do báo cáo không chính xác các yếu tố hình thành giá thuốc theo quy định của pháp luật đối với thuốc: ATOZ 100, UNDTAS 500, 3B-MEDI, ALPHA-MEDI, DEGODAS, GLUBET, INFLAFEN 75, MEDI-LEVOSULPIRID 50, PARTEROL 12, SOLSO, KUZBIN, HUMARED, TELZID 40/12.5.

Tại Quyết định số 35/QĐ-XPVPHC, Công ty TNHH Dược phẩm Allomed có địa chỉ tại lô A1H-KCN Mỹ Phước 3, Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã bị Thanh tra Bộ Y tế xử phạt 84 triệu đồng do đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính, cụ thể: Hành vi vi phạm thứ nhất: Báo cáo không chính xác các yếu tố hình thành giá thuốc theo quy định của pháp luật đối với thuốc: Sun-Isoditrat 25mg/50ml, SĐK: VD-32435-19; Relipro 400, SĐK: VD-32447-19; Sunfloxacin 250mg/50ml, SĐK: VD-32458-19; Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất hoặc báo cáo theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về dược theo quy định của pháp luật đối với thuốc Sunfloxacin 250 mg/50ml, SĐK: VD-32458-19 (chứa nguyên liệu Levofloxacin) là thuốc, dược chất thuộc danh mục chất bị cấm sử dụng trong một số ngành, lĩnh vực.

Trước đó, Cục QLTT Hải Dương, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Hồng Đạt (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) với số tiền 120 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 4,5 tháng và tịch thu hơn 1.000 sản phẩm mỹ phẩm giả mạo

Đồng thời tịch thu nhiều nhãn hàng hóa và công cụ, phương tiện được sử dụng để sản xuất hàng giả gồm 72 chai dầu gội đầu BED HEAD TIGI loại 5000 ml; 1.176 chai HYDROGEN PEROXIDE (Oxy trợ nhuộm) 12% loại 1000 ml HISSON PROFESSIONAL; 100 vỏ chai chưa dán nhãn loại 1000 ml và 0,5 kg nhãn HISSON (nhãn giả).

Muốn bùng nổ doanh số phải "nổ" to công dụng

Dù tiềm ẩn nguy cơ khôn lường nhưng đáng chú ý là các loại hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn đang được bán công khai trên mạng xã hội. Trong tình trạng loạn quảng cáo, thổi phồng công dụng của mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không ít người tiêu dùng tiền mất tật mang.

Sản phẩm nước súc miệng “Hoàng Hường Care Medic” được sản xuất bởi Công ty TNHH dược phẩm Nasaki Việt Nam - “thương hiệu” đang nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Sản phẩm này được phân phối bởi Công ty CP Dược phẩm Hoàng Hường.

Tại các video quảng cáo trên Facebook mới đây, bà Hoàng Thị Hường, Tổng Giám đốc công ty liên tục "nổ" công dụng của sản phẩm như một loại thuốc chữa bệnh, thậm chí “chữa được hôi miệng lâu năm, hôi từ kiếp trước sang kiếp này, hôi miệng cỡ nào cũng hết”.

Bà Hoàng Thị Hường liên tục "nổ" công dụng của sản phẩm như một loại thuốc chữa bệnh. Ảnh: Ngườn Facebook nhân vật.

Theo tìm hiểu, sản phẩm này được ra mắt thị trường hồi tháng 8/2021. Bản kết quả phân loại trang thiết bị y tế tự công bố do bà Nguyễn Diệp Hải, Giám đốc trang thiết bị y tế, Công ty Cổ phần Dược phẩm Quốc tế Abipha ký tên, đóng dấu có phân loại: Sản phẩm này là trang thiết bị y tế loại A, có tác dụng hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa viêm nhiễm khuẩn ở họng/miệng, chứ không phải là thuốc chữa bệnh như bà Hoàng Hường quảng cáo.

Trong thời điểm dịch Covid-19 liên tục bùng phát trở lại, sản phẩm từ xuyên tâm liên cũng trở thành từ khóa hot nhất cộng đồng mạng.

Trên chợ mạng, nhiều sản phẩm từ xuyên tâm liên được nổ công dụng: kháng virus, phòng, chống dịch Covid-19. Đáng chú ý, trong số này có những sản phẩm chưa được đăng ký công bố tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Nghiêm trọng hơn, trong số các loại hàng nhái, hàng giả đang được bán tràn lên trên mạng xã hội, có không ít sản phẩm được quảng cáo từ các nghệ sĩ có tiếng trong giới showbiz.

Nhà sản xuất đôi khi không lừa khách hàng về công dụng mà thường là các đơn vị phân phối (đặt gia công) cố tình nổ công dụng của sản phẩm. Nhiều nhà sản xuất mất uy tín vì các nhà phân phối tham lợi nhuận.

Tin vào lời quảng cáo trên trời, thổi phồng công dụng của các sản phẩm, không ít người tiêu dùng đã lâm vào cảnh “bắc thang lên hỏi ông trời” để đòi tiền.

“Tôi lên mạng tìm kiếm thuốc trị đau dạ dày, sau đó tôi nhận được rất nhiều video quảng cáo các loại thuốc, hầu hết đều cam kết chữa khỏi dứt điểm, không khỏi hoàn lại tiền. Do tin tưởng tôi đã mua đủ liệu trình như họ tư vấn, xong không khỏi mà bệnh còn nặng thêm. Liên hệ người tư vấn cho tôi qua Zalo đòi lại tiền như họ cam kết trên video quảng cáo thì họ nói không ký cam kết nào với tôi, sau đó họ chặn số tôi. Tôi điện đến số điện thoại của cơ sở sản xuất ghi trên hộp thì họ nói họ chỉ gia công, vấn đề thương mại do công ty khác thực hiện. Kết quả tôi không biết tìm ai để đòi tiền” - ông Lê Thái Anh (Bắc Giang) cho biết.

Hiện nay Luật Quảng cáo chưa quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Nghị định 158/2013/NĐ-CP chỉ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quảng cáo cũng chưa quy định về việc xử phạt đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Trách nhiệm đang được quy về chủ sở hữu hàng hóa và bên phát hành sản phẩm quảng cáo. Đây là lý do vì sao nhiều nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng nhưng lại chưa có căn cứ để xử lý.

Mới đây, ông Trần Như Tùng, đại diện Công ty CP dược phẩm Elepharma (đơn vị phân phối sản phẩm Scurma Fizzy New) phải gửi lời xin lỗi nghệ sĩ Quyền Linh và người tiêu dùng.

"Do trong truyền thông, doanh nghiệp chưa giải thích rõ ràng, tỉ mỉ ngôn ngữ nghiên cứu khoa học nên nghệ sĩ quảng cáo đã gây hiểu lầm cho khách hàng. Bên cạnh đó, công ty cũng đã buông lỏng trong khâu quản lý thông tin và quảng cáo", ông Trần Như Tùng cho biết.

Trước đó, nghệ sĩ Quyền Linh cũng gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng, khán giả sau khi giới thiệu sản phẩm Scurma Fizzy New.

"Tôi đã thiếu tiết chế khi giới thiệu sản phẩm điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường. Vụ việc quảng cáo vừa qua là bài học sâu sắc với tôi sau hơn 20 năm làm nghệ thuật. Tôi xin lỗi khán giả về sự thiếu tiết chế của mình", nam MC Quyền Linh nói.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần xem xét, có chế tài thật mạnh để xử lý những người lợi dụng ảnh hưởng của mình, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để thổi phồng công dụng sản phẩm, quảng cáo sai sự thật để trục lợi.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã đình chỉ lưu hành, thu hồi hàng loạt mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Theo Cục An toàn thực phẩm, hiện nay, qua quá trình hậu kiểm Cục phát hiện một số sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang quảng cáo không đúng bản chất sản phẩm, quảng cáo như thuốc chữa bệnh, quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Thậm chí, nhiều tổ chức, cá nhân lấy danh nghĩa tặng quà tặng từ thiện nhưng thực chất là bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mạo danh danh nghĩa cơ quan y tế, cơ quan quân đội, công an và quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dinh dưỡng có thể chữa tiểu đường, huyết áp, xương khớp,…

Trong khi, Thanh tra Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông và facebook để làm rõ các tồn tại nêu trên, Bộ Y tế liên tục đưa ra những lời cảnh báo tới người tiêu dùng.

Theo đó, Bộ Y tế khẳng định không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào chữa được bệnh, thay thế được thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời; không mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc bán trôi nổi. Khi mua các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, trong đó có thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế phải yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn bán hàng để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, người tiêu dùng cần báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nghệ SEO dược - mỹ phẩm: Bài 2: ‘Lối ra’ có trải hoa hồng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO