Nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ: Quan trọng là chất lượng

H.Vũ 22/08/2018 09:01

Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Dự thảo Quyết định quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, trong đó quy định điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng căn cứ vào “tuổi thiết bị”. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng quy định này thiếu khả thi.

Nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ: Quan trọng là chất lượng

Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng cần phải được kiểm soát chặt chẽ.

Giám sát nhập khẩu thiết bị, máy móc đã qua sử dụng

Theo rà soát của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan, từ 1/1/2017 đến 12/3/2018, cả nước có 928 doanh nghiệp (DN) nhập khẩu phế liệu, với hơn 49.200 tờ khai. Trong đó, có 140 DN có số lượng trên 50 tờ khai để các DN này nhập phế liệu giấy, sắt thép, nhựa về Việt Nam, nhưng thực tế không ít DN đã nhập rất nhiều tấn phế liệu về Việt Nam nhưng không có giấy phép. Còn dữ liệu của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho thấy, 6 tháng đầu năm lượng rác, phế thải về TPHCM qua cảng này tăng mạnh với khoảng 8.000 container tồn đọng tại cảng. Song 1/3 số đó đã nhập về trên 90 ngày nhưng vẫn chưa DN nào đến làm thủ tục thông quan.

Còn theo Tổng cục Thống kê, phần lớn DN, đặc biệt là DN dân doanh đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang. Chính vì vậy, việc kiểm soát máy móc, thiết bị đã qua sử dụng vào thời điểm này là cần thiết nhằm tránh nhập khẩu những máy móc, thiết bị quá cũ. Bởi nếu không kiểm soát chặt, sau một thời gian sử dụng chính những máy móc, thiết bị cũ này lại trở thành “phế liệu” khi không còn sử dụng được nữa. Cho nên bên cạnh việc siết chặt nhập khẩu phế liệu, thì cũng cần siết chặt nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ đã qua sử dụng. Thời gian qua, nhiều trang thiết bị y tế cũ được nhập khẩu vào nước ta đến nay không sử dụng được, phải “đắp chiếu” là những bài học nhãn tiền.

Sao lại căn cứ vào “tuổi thiết bị”?

Từ thực tiễn nói trên đặt ra việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng cần phải được kiểm soát chặt chẽ theo hướng bảo đảm hiệu quả các lợi ích công cộng và sử dụng ngân sách nhà nước. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Dự thảo Quyết định quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Tuy nhiên tiêu chí đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được xác định dựa trên “tuổi thiết bị” đang gặp phải nhiều lo ngại.

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tiêu chí về tuổi thiết bị dù là áp dụng chung cho tất cả các loại máy móc, thiết bị trong tất cả các lĩnh vực sản xuất chuyên ngành hay tuổi riêng cho máy móc thiết bị từng ngành là khiên cưỡng và bất hợp lý. Bởi tuổi máy móc, thiết bị không phản ánh nguy cơ ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng quan trọng của máy móc thiết bị, vòng đời sử dụng, thời gian và mức độ khấu hao của các máy móc, thiết bị là không giống nhau, ảnh hưởng của chúng đối với môi trường, sức khỏe, an toàn của người sử dụng cũng khác nhau. Đặc biệt, việc phân ngành tất cả các loại máy móc thiết bị để áp dụng tiêu chí “tuổi thiết bị” theo ngành là không khả thi, bởi một ngành có thể có phạm vi rộng hẹp khác nhau, có các loại thiết bị có thể được sử dụng bởi nhiều hơn một ngành.

Nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ: Quan trọng là chất lượng - 1

Kiểm tra chất lượng thiết bị, máy móc nhập khẩu.

“Tuổi thiết bị với cách hiểu là khoảng thời gian từ năm sản xuất cho tới năm nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng hoàn toàn không phản ánh thời gian sử dụng thực, tương ứng với đó là mức độ khấu hao, và mức độ ảnh hưởng tới lợi ích công cộng của máy móc, thiết bị. Bởi đa phần các máy móc, thiết bị được mua bán qua hệ thống phân phối không phải dạng đặt hàng đặc thù sẽ không được sử dụng ngay vào năm sản xuất. Thậm chí, một vài năm sau đó mới được khách hàng mua và sử dụng.

Thêm vào đó, máy móc thiết bị không phải được sử dụng liên tục từ khi bắt đầu đưa vào hoạt động tới khi được xuất khẩu sang Việt Nam thường là máy móc, thiết bị được dừng sử dụng trong một khoảng thời gian trước khi bán lại cho khách hàng Việt Nam”- VCCI đưa ra phân tích. Đồng thời cho rằng, tiêu chí duy nhất phù hợp trong trường hợp này phải là tiêu chí về chất lượng còn lại của máy móc thiết bị, thông qua quy định về tỷ lệ % tối thiểu chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Do vậy, nên theo hướng bỏ quy định hiện tại về tuổi thiết bị, thay thế bằng quy định về tỷ lệ % tối thiểu chất lượng còn lại của thiết bị đã qua sử dụng.

Nhìn nhận “chỉ mỗi luật thôi là chưa đủ”, ông Lê Đình Ân- nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NCIF) cho rằng, việc nhập khẩu phế liệu cũng như máy móc, công nghệ về nước ta còn phụ thuộc vào chiến lược phát triển các ngành công nghiệp. Trong đó, có những ngành buộc phải nhập khẩu đầu vào ở nước ngoài để tạo nguyên liệu sản xuất trong nước. Do vậy, để Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) thực sự phát huy hiệu quả, tránh đẩy Việt Nam trở thành “bãi rác phế liệu” hay “bãi rác công nghệ”, trước tiên công tác quản lý xuất nhập khẩu cần được siết chặt hơn, không còn tình trạng “nhập gì không biết, ai nhập không hay” như hiện nay. Cho nên theo ông Ân, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo đảm tuân thủ đúng các quy định hiện hành, đặc biệt trong chuyển giao máy móc, công nghệ theo danh mục được phép chuyển giao, cấm chuyển giao hoặc hạn chế chuyển giao.

Về lâu dài, theo ông Ân phải đổi mới chiến lược phát triển công nghiệp, trong đó tập trung vào phát triển sản phẩm tiên tiến, công nghệ hiện đại theo đúng tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW về Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị.

Trường hợp đặc biệt

Liên quan đến hồ sơ, trình tự, thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đối với “trường hợp đặc biệt”, theo VCCI, cả Dự thảo và Thông tư 23 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đều không có quy định về tiêu chí để xem xét, cấp phép cho trường hợp ngoại lệ này. Điều này sẽ tạo ra sự tùy nghi rất lớn cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc xem xét cấp phép hay từ chối đối với từng vụ việc của DN, từ đó cũng có thể tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các DN trong cùng điều kiện. Vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch cần quy định rõ các tiêu chí để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét chấp thuận hay không việc nhập khẩu trong trường hợp ngoại lệ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ: Quan trọng là chất lượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO