Thành quả từ đam mê

Lam Nhi 04/02/2019 17:00

Năm 2018 gọi tên hàng loạt những công trình nghiên cứu khoa học thành công của người Việt trong nhiều lĩnh vực. Niềm đam mê và tinh thần dấn thân vì khoa học là chìa khóa tạo nên những dấu ấn ấy.

Thành quả từ đam mê

TS Nguyễn Thị Hiệp nhận Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới.

Phát hiện gây chấn động thế giới

Một phát hiện quan trọng của các nhà khoa học Việt Nam trong năm 2018 là việc tìm ra các di tích cư trú của người tiền sử trong các hang động núi lửa, bổ sung thêm cho một loại hình cư trú mới, một kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ Tây Nguyên. Đây cũng là bước ngoặt cho việc nghiên cứu nhân chủng học/cổ nhân học ở Việt Nam.

Trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp nhà nước: “Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông”, các nhà khoa học đã tiến hành khai quật và ghi nhận trong hang động núi lửa Krông Nô còn bảo lưu dấu tích văn hóa, mộ táng và hoạt động sống của các bộ lạc thời tiền sử. Sau hàng trăm năm với rất nhiều các cuộc khai quật, lần đầu tiên Việt Nam tìm được di cốt người trong hang động núi lửa tại Đăk Nông, Tây Nguyên. Các nhà khảo cổ đang tiến hành giám định thành phần chủng tộc người, phân tích niên đại tuyệt đối, bào tử phấn hoa... để phác dựng cuộc sống của cư dân tiền sử.

Theo PGS.TS Nguyễn Trung Minh- Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, đối với giới khoa học, đây là phát hiện gây chấn động, bởi hệ thống hang động núi lửa Krông Nô là một trong những hang động núi lửa lớn nhất và duy nhất phát hiện dấu tích sự sống con người thời tiền sử ở Đông Nam Á và rất hiếm gặp trong hang động núi lửa trên thế giới. Đây cũng là chứng cứ khoa học đầy thuyết phục, rất có giá trị để bổ sung một cách đầy đủ, chi tiết hơn vào hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận danh hiệu toàn cầu đối với công viên địa chất Đắk Nông.

Thành quả từ đam mê - 1

Tìm thấy di cốt người tiền sử 7.000 năm tuổi tại Đắk Nông.

Giấc mơ lá nhân tạo

Làm nghiên cứu khoa học là chuẩn bị cho mình tinh thần của người không thành công. Đó là chia sẻ của TS Trần Đình Phong - ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), tác giả của nghiên cứu “lá nhân tạo” được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật năm 2018.

Hướng nghiên cứu của TS Phong và các cộng sự đó là chế tạo được một chiếc lá nhân tạo nhằm tạo ra nhiên liệu sạch Hydro chỉ với năng lượng mặt trời và nước biển. Nghiên cứu đã chứng minh thành công cấu trúc và cơ chế hoạt động của molybden sulfide vô định hình, một loại vật liệu dễ chế tạo với giá thành thấp có khả năng thay thế bạch kim cho phản ứng điều chế nhiên liệu sạch Hydro từ nước. Đây là một bước tiến quan trọng trong “cuộc chạy đua” tìm ra giải pháp về năng lượng và cắt giảm khí thải CO2 ra môi trường.

Lựa chọn một hướng đi không mới (thế giới đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề này từ những năm 2000), TS Phong và những cộng sự đã chọn cho mình hướng nghiên cứu phù hợp với điều kiện còn hạn chế ở Việt Nam. TS Phong cũng thừa nhận có khá nhiều tiến bộ đã được thực hiện trong vài năm qua, nhưng con đường đi tới công nghệ dùng nhiên liệu Hydro thay thế xăng dầu còn rất xa.

Chính vì vậy, TS Phong gọi đó là “một giấc mơ đẹp” và “nó xứng đáng để chúng tôi cố gắng hết mình”. Dù có thể, trong tương lai khi chiếc lá nhân tạo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sản xuất công nghiệp được chế tạo thành công thì một công nghệ khác ưu việt hơn được phát triển và ứng dụng.

Thành quả từ đam mê - 2

Máy sản xuất đá tuyết từ nước biển “made in Vietnam” 100%.

Máy sản xuất đá tuyết từ nước biển 100% Việt Nam

Đây là một nghiên cứu được đặt hàng từ thực tế khi công nghệ bảo quản hải sản khi khai thác xa bờ ở nước ta còn có nhiều điểm yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và các thách thức đặt ra. ThS Lê Văn Luân (Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và các cộng sự đã nghiên cứu máy làm đá tuyết từ nước biển nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng hải sản được bảo quản.

Được thực hiện trong thời gian là 18 tháng từ năm 2016 đến năm 2017, máy sản xuất đá tuyết là sản phẩm đầu tiên được sản xuất trong nước từ khâu nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm thực tế trên tàu cá Việt Nam. Ưu điểm của sản phẩm này là được tích hợp bộ điều khiển trung tâm với các chức năng bảo vệ và giám sát hoạt động của hệ thống nhằm tăng tính ổn và kéo dài tuổi thọ của thiết bị. Cụ thể, máy được lắp đặt có quy trình vận hành đơn giản, tự động hóa trong việc điều chỉnh thời gian, nhiệt độ bảo quản phù hợp với quy trình bảo quản hải sản. Người sử dụng có thể dễ dàng lựa chọn và điều chỉnh độ đậm đặc của sản phẩm đá tuyết trong dải từ 25% đến 95% hoặc theo nhiệt độ xác định. Đặc biệt máy còn hiển thị, thông báo thời gian máy chạy, sản lượng đá, lượng tiêu thụ nhiên liệu trong mỗi chuyến đi biển, giúp chủ tàu có thể kiểm tra và theo dõi một cách dễ dàng.

Nhờ chủ động về mặt công nghệ, quy trình sản xuất, sản phẩm có giá thành cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại trên thị trường. Mục tiêu của nhóm nghiên cứu sắp tới là tiếp tục thực hiện một nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước để nghiên cứu và sản xuất máy làm đá tuyết với công suất lên đến 10 tấn/24h cùng với việc phân tích và xây dựng một quy trình sơ chế và bảo quản cá ngừ đại dương chất lượng cao bằng đá tuyết nhằm nâng cao chất lượng cá ngừ, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe vào các thị trường Nhật Bản, châu Âu...

Thành quả từ đam mê - 3

Sơ đồ cấu tạo Lá nhân tạo do Việt Nam sản xuất.

Dấn thân vì khoa học

Một nhà khoa học nữ được vinh danh năm 2018 là TS Nguyễn Thị Hiệp- giảng viên Bộ môn Kỹ thuật y sinh, ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM). TS Hiệp được vinh danh “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” (International Rising Talent) do Quỹ L’Oréal - UNESCO trao tặng ngày 21/3 tại Pháp bởi những đóng góp cho ngành y học tái tạo.

Nhóm nghiên cứu của TS Hiệp hiện đang thí nghiệm kiểm tra keo để tối đa hóa sự an toàn và hiệu quả của vật liệu. Mục tiêu cuối cùng là thu được một sản phẩm có thể dán ngay lập tức lên tất cả các loại vết thương, giúp loại bỏ vi khuẩn và thúc đẩy sự tái tạo mô nhanh. Khi dán lên, keo sẽ tạo thành một lớp màng để ngăn ngừa chảy máu, hấp thụ chất lỏng từ vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng từ vi sinh vật.

Giải thưởng vật lý Dirac 2018 do Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP) trao tặng gọi tên một người con đất Việt, GS Đàm Thanh Sơn (ĐH Chicago). Ông cùng với hai nhà khoa học được vinh danh là những người đi tiên phong trong việc nghiên cứu ảnh hưởng của cơ học lượng tử lên các nhóm hạt lớn, còn được gọi là hệ nhiều vật (many-body system). Họ đã tìm ra các định luật cơ học lượng tử ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của các nhóm hạt rất nhỏ.

Hàng loạt những công trình nghiên cứu được công bố, phát hiện không phải là sản phẩm của một vài ngày hay của duy nhất một cá nhân nào. Nói như TS Trần Đình Phong, có lẽ cần phải chuẩn bị đủ lâu và đủ rộng để có những khám phá bất ngờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành quả từ đam mê

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO