Công nghiệp ô tô mới tham gia phân khúc thấp

T.Hằng 23/07/2021 07:00

“Doanh nghiệp trong ngành ô tô Việt Nam vẫn chưa làm chủ được công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động. Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được các tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự; chưa tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các DN trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng, linh kiện”. Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Chính phủ về hiện trạng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, tổng kết trong 4 năm từ năm 2016 đến 2020, xe nhập khẩu vào Việt Nam ước đạt 557.000 chiếc. Trong khi đó, xe lắp ráp trong nước ước đạt 1,34 triệu chiếc. Về quy mô, hiện Việt Nam có hơn 173 DN sản xuất, lắp ráp ô tô. Trong đó, 56 DN sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 DN sản xuất xe từ cơ sở.

Theo Bộ Tài chính, tổng công suất lắp ráp xe thiết kế đến nay khoảng 755.000 chiếc mỗi năm, trong đó khu vực đầu tư nước ngoài là 35%, trong nước là 65%.

Tổng kết thực hiện Chương trình ưu đãi thuế 0% đối với linh kiện mà DN trong nước chưa sản xuất được, buộc phải nhập khẩu khi đủ điều kiện (từ tháng 11 năm 2017 đến hết tháng 12/2022), Bộ Tài chính cho biết hiện cả nước có 9 DN đáp ứng được các tiêu chí về quy mô, năng lực để tham gia chương trình.

Kể từ khi thực hiện Chương trình, số lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2018 đạt gần 287.600 chiếc, năm 2019 là hơn 339.150 chiếc và năm 2020 là gần 323.900 chiếc, tăng không đáng kể.

Bộ Tài chính khẳng định, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện chỉ mới tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, còn phụ thuộc lớn vào sự phân công của các tập đoàn ô tô toàn cầu.

Theo Bộ Tài chính, hiện tại ngành ô tô chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn; giá xe bán ra trong nước vẫn ở mức cao hơn so với các nước trong khu vực.

Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực, các sản phẩm được nội địa hóa có hàm lượng giá trị gia tăng và công nghệ ở mức thấp.

Đặc biệt, các DN ô tô trong nước đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ xe nhập khẩu, trong đó có Thái Lan, Indonesia. Từ 7-10 năm tới là xe từ các nước trong CPTPP và EVFTA, đây là thách thực lớn cho ngành ô tô tại Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, năm 2020, đại dịch Covid -19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều địa phương ban hành chính sách hạn chế đi lại để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Nhiều nhà máy phải dừng sản xuất để phòng chống dịch. Bước sang đầu năm 2021, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, sức mua của người dân giảm đã làm thu hẹp đáng kể quy mô thị trường xe trong nước.

Báo cáo gửi Chính phủ của Bộ Tài chính cũng đánh giá, Chương trình ưu đãi thuế quan đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, hỗ trợ cho thị trường ổn định và duy trì được sản xuất trước sức cạnh tranh về giá của xe nhập khẩu, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, những năm qua, khi thực hiện, Chương trình đã bộc lộ một số vấn đề cần được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nghiệp ô tô mới tham gia phân khúc thấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO