Công nhận GS, PGS năm 2020: Trân trọng phản biện xã hội

Thu Hương 07/12/2020 08:00

Danh sách 339 ứng viên giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) được xét công nhận trong năm 2020 vừa được công bố chiều 6/12. Những thông tin phản biện từ xã hội, cộng đồng các nhà khoa học… đã góp phần giúp các hội đồng GS các cấp lựa chọn được những người đủ điều kiện và xứng đáng từ danh sách hơn 500 hồ sơ ứng viên.

Lễ công nhận GS, PGS năm 2020.

Đạt tỷ lệ 62,55%

Theo báo cáo của Văn phòng Hội đồng GS Nhà nước, năm 2020, có 87 Hội đồng GS cơ sở có ứng viên đăng ký và nộp hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, Phó giáo sư (PGS) với 542 hồ sơ ứng viên. Có 457 ứng viên (67 ứng viên GS, 390 ứng viên PGS) được 87 Hội đồng GS cơ sở xét đạt và, chuyển lên xét tại các Hội đồng GS ngành/liên ngành. Tuy nhiên, sau đó có 7 ứng viên xin rút.

28 Hội đồng GS ngành, liên ngành đã thẩm định các hồ sơ ứng viên và đề nghị Hội đồng GS Nhà nước xét công nhận cho 357 ứng viên. Sau khi tiếp nhận hồ sơ ứng viên từ các Hội đồng GS ngành, liên ngành, Văn phòng Hội đồng GS Nhà nước đã phối hợp với Bộ GDĐT, Thường trực các Hội đồng GS ngành, liên ngành kiểm tra, rà soát thêm minh chứng toàn bộ hồ sơ ứng viên trước khi trình Hội đồng GS Nhà nước xét và công nhận.

Trong quá trình rà soát, 14 ứng viên xin rút hồ sơ không đề nghị xét tiếp (1 ứng viên GS và 13 ứng viên PGS). Như vậy, số ứng viên chính thức được xét tại Hội đồng GS Nhà nước là 343 ứng viên, trong đó có 39 ứng viên GS và 304 ứng viên PGS.

Kết quả, số ứng viên đạt đủ số phiếu tín nhiệm theo quy định là 339 ứng viên, trong đó 39 ứng viên GS, 300 ứng viên PGS. Tỷ lệ đạt so với tổng số ứng viên đăng ký nộp hồ sơ tại các Hội đồng GS cơ sở cho đến thời điểm này là 62,55%.

Năm nay, với danh sách vừa được công bố, một số ứng cử viên trước đó bị tố không đủ điều kiện về bài báo khoa học nhưng sau khi Hội đồng GS ngành Y, Dược năm 2020 rà soát thông qua vì vẫn đủ tiêu chuẩn nay đã không thấy xuất hiện. Chỉ riêng việc nhìn vào tỷ lệ 62,55% có thể thấy những ứng cử viên đã lọt qua vòng thẩm định hồ sơ rất gắt gao, nghiêm túc.

Thông tin hữu ích từ xã hội

Tại phiên họp lần thứ 4, Hội đồng GS Nhà nước đã thảo luận công khai hồ sơ từng ứng viên, bầu ban kiểm phiếu và tiến hành bỏ phiếu đối với kết quả xét của hội đồng GS ngành, liên ngành và danh sách ứng viên đủ điều kiện được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Đối với những trường hợp có đơn thư, Hội đồng xem xét rất kỹ lưỡng và biểu quyết đưa vào bỏ phiếu cho từng trường hợp. Kết quả, có 339 ứng viên đạt đủ số phiếu tín nhiệm như đã nói ở trên.

Theo Bộ GDĐT, về cơ bản, chất lượng ứng viên GS, PGS năm 2020 khá tốt, hầu hết các ứng viên có công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus. Việc công khai thông tin ứng viên đạt tiêu chuẩn trên trang thông tin điện tử của các cơ sở giáo dục đại học và trang thông tin điện tử của Hội đồng GS nhà nước đã phản ánh tính công khai, minh bạch của quá trình xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS.

Những thông tin phản biện từ xã hội, cộng đồng các nhà khoa học,… là nguồn thông tin hữu ích giúp các Hội đồng GS các cấp lựa chọn được những ứng viên đủ điều kiện và xứng đáng đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2020.

Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, GS. TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng việc ghi nhận các thông tin phản biện xã hội của Hội đồng năm nay cho thấy sự cầu thị, lắng nghe ý kiến từ dư luận xã hội.

Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy sự chắp vá trong quản lý kiểu ở đâu có vấn đề thì vá ở đấy, không tự phát hiện ra vấn đề… “Nếu như ngay từ khâu xét duyệt hồ sơ ở cấp Hội đồng GS cơ sở làm chặt chẽ, nghiêm túc hơn thì sẽ tránh được những lùm xùm không đáng có khi đưa lên cấp cao hơn. Đặc biệt là những bài báo khoa học có thuộc danh mục quy định hay không, điều này hoàn toàn có thể kiểm tra được chỉ với các thao tác online…

Không nên để đến khi công nhận rồi vẫn có những lùm xùm, thắc mắc không đồng tình sẽ khiến cho chức danh GS, PGS khó thuyết phục và tạo niềm tin đối với xã hội”- GS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, một việc cần được quy định rõ từ những năm tiếp theo đó là những ứng viên đăng nhiều bài báo trên cùng một số của tạp chí hoặc nhiều bài báo trong một thời gian ngắn thì sẽ được xét duyệt ra sao? Bởi nhiều trường hợp năm nay bị loại ngay từ vòng Hội đồng GS liên ngành vì… nhiều bài báo khoa học đăng trong một thời gian ngắn khiến nhiều ý kiến không phục.

GS Nguyễn Văn Tuấn- nghiên cứu viên chính tại Viện Garvan, ĐH New South Wales, Australia cho rằng nếu căn cứ theo bài báo khoa học ngoài danh mục các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus thì một tiêu chí để đánh giá bài báo khoa học là sau 5 năm đăng tải, nếu có 0 trích dẫn thì không đạt. Tất nhiên, đối với những bài báo có thời gian xuất bản chưa đến 5 năm thì tiêu chí này chưa thể áp dụng.

Thứ 2, vai trò của các tác giả trong bài báo cũng rất quan trọng. Bởi nếu chỉ áp dụng đúng tiêu chuẩn như hiện nay đa số ứng viên đều dễ dàng đáp ứng khi mỗi tiến sĩ tốt nghiệp đã có 2-5 bài báo khoa học. Tuy nhiên, GS mà lý lịch chỉ số 2-5 bài báo thì rất khó coi với đồng nghiệp quốc tế. Chưa kể nghiên cứu khoa học và giảng dạy là hai lĩnh vực rất khác nhau, không thể quy đổi điểm được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nhận GS, PGS năm 2020: Trân trọng phản biện xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO