Công tác cán bộ tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Những biến động bất thường

T.Hằng 26/10/2018 09:00

Bài 1: Vì đâu 25 ủy viên Ban Chấp hành phải cùng kêu cứu?

Lãnh đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VRA) đang có nhiều biểu hiện không rõ ràng, thiếu minh bạch khi vội vàng đưa ra các quyết định điều chuyển cán bộ tại một số công ty thành viên…- Báo Đại Đoàn Kết nhận được phản ánh của nhiều cá nhân, cán bộ đang làm việc tại Tổng công ty Đường sắt VN, thắc mắc về những biến động bất thường trong công tác cán bộ.

Kiến nghị khẩn

Gần 200 đảng viên, trong tổng số 600 người lao động tại Công ty cổ phần đường sắt Hà Thái trong tháng 10 này đã hết sức hoang mang với sự việc lạ. Cụ thể, vào ngày 1/10 vừa qua, toàn bộ Ban Chấp hành Đảng ủy cùng các thành viên chủ chốt của Công ty gồm 25 người cùng ký báo cáo kiến nghị khẩn gửi Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trung ương, Đảng ủy và Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), khẩn thiết đề nghị các cơ quan này chỉ đạo thực hiện công khai minh bạch thông tin, khi Tổng công ty ĐSVN điều động bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo ở các doanh nghiệp thành viên.

Theo Quyết định số 1634/ QĐ-ĐS, do Chủ tịch Hội đồng thành viên Vũ Anh Minh ký, từ ngày 5/10 quyết định miễn nhiệm ông Nguyễn Bá Thực – người đại diện 50% vốn góp của Tổng công ty ĐSVN tại Công ty cổ phần Đường sắt Hà Thái, điều động giữ chức Phó trưởng ban, Ban Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt.

Cùng với đó, ông Phạm Văn Tú - người đại diện 50% phần vốn của Tổng công ty tại Công ty cổ phần Đường sắt Hà Thái, giữ chức Phó trưởng Phân ban, Phân ban Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt khu vực 1.

Tại Quyết định số 1637/QĐ-ĐS cử ông Nguyễn Thanh Tâm - Phó giám đốc Công ty cổ phần đường sắt Thanh Hóa, làm người đại diện 50% vốn góp của Tổng công ty ĐSVN tại Công ty cổ phần đường sắt Hà Thái, kể từ ngày 5/10.

Đối với các quyết định này, 25 thành viên của Ban Chấp hành Đảng ủy cùng các thành viên chủ chốt của Công ty Hà Thái đều không tán thành. Bởi Công ty Hà Thái trong gần 10 năm qua được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá vững mạnh, cá nhân người đứng đầu đã nhận 18 bằng khen, có nhiều thành tích trong công tác, đặc biệt là việc thu hồi được đất hành lang an toàn cho ngành tại nhiều địa bàn phức tạp nhất của Hà Nội vốn bị lấn chiếm từ nhiều năm trước đó. “Chưa kể các quyết định đều đưa ra trong tình trạng thiếu căn cứ điều động. Điều này gây ra nhiều suy diễn, gây mất niềm tin trong tập thể cán bộ” - kiến nghị của 25 thành viên Ban Chấp hành viết.

Theo nguồn tin của Đại Đoàn Kết, hiện nay, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương đã cử các ban chức năng vào cuộc, đôn đốc Tổng công ty ĐSVN báo cáo chi tiết toàn bộ sự việc, trước khi có những biện pháp giải quyết phù hợp theo thẩm quyền.

Dấu hỏi lớn

Trở lại trường hợp Công ty CPĐS Hà Thái, như tên gọi công ty này có nhiệm vụ quản lý và duy tu, bảo dưỡng tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, hiện là một công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ 51% vốn góp.

Đáng ngạc nhiên, Tổng công ty ĐSVN đột ngột ra quyết định điều chuyển cả Chủ tịch HĐQT và Giám đốc Công ty Hà Thái giữa nhiệm kỳ mà không hề có trao đổi hay thăm dò gì tâm tư nguyện vọng của nhóm cổ đông nắm giữ 49% vốn công ty cũng như ý kiến của ban lãnh đạo và tập thể người lao động.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, giới luật sư nhận định: Căn cứ vào Luật Doanh nghiệp và pháp luật hiện hành về chức năng, nhiệm vụ của Tổng công ty ĐSVN, về chức năng nhiệm vụ của người đại diện pháp luật, Tổng công ty ĐSVN (tổng giám đốc), khối cổ đông tư nhân chiếm 49% cổ phần có quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình bằng rất nhiều biện pháp khác nhau. Khối cổ đông tư nhân có thể đặt câu hỏi liệu việc điều chuyển thay đổi cán bộ điều hành có thực sự vì mục tiêu tối đa hóa lợi ích của cổ đông trong đó cổ đông nhà nước giữ cổ phần chi phối hay không. Do vậy, phải làm rõ lý do cán bộ bị chuyển đi, phải công khai hóa thông tin về năng lực, nhân thân, thành tích quá khứ cũng như tính phù hợp của cán bộ chuyển đến, tạo đồng thuận và đoàn kết chung trong toàn công ty và trong ngành chứ không thể làm vội vã thiếu minh bạch, có thể gây ra những hậu quả tiêu cực rất khó khắc phục.

Song hành việc điều động cán bộ theo hướng giáng chức, việc miễn nhiệm người đại diện phần vốn nhà nước của Tổng công ty ĐSVN tại doanh nghiệp thành viên cũng tỏ ra vội vàng và có dấu hiệu trái luật. Thật vậy, Nghị định 106/2015/NĐ-CP về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại Điều 22 quy định:

1. Việc miễn nhiệm người đại diện được thực hiện một trong các trường hợp sau đây: a) Có đơn xin thôi làm đại diện trước thời hạn và được chủ sở hữu đồng ý; b) Chuyển công tác khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; c) Đến tuổi được nghỉ hưu; d) Chủ sở hữu hết vốn tại tập đoàn, tổng công ty, công ty; đ) Trong 02 năm liên tiếp của nhiệm kỳ làm đại diện bị đánh giá, phân loại ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; e) Vi phạm phẩm chất đạo đức hoặc vi phạm quy định những việc đảng viên không được làm đối với người đại diện là đảng viên; g) Các trường hợp quy định tại các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Đối chiếu những quy định này thì việc miễn nhiệm người đại diện vốn nhà nước ở các công ty cổ phần nêu trên thực sự là một dấu hỏi lớn. Đơn cử trường hợp Công ty CPĐS Hà Thái, doanh nghiệp làm ăn tốt, cá nhân Chủ tịch và Giám đốc không vi phạm khuyết điểm gì thì Tổng công ty căn cứ vào quy định nào để miễn nhiệm tư cách người đại diện phần vốn nhà nước của Chủ tịch và Giám đốc công ty cổ phần này khi họ đang giữa nhiệm kỳ?

Qua thông tin đơn thư, phóng viên Đại Đoàn Kết đang đi sâu tìm hiểu một số trường hợp điều động bổ nhiệm rất bất thường: có trường hợp thiếu tiêu chuẩn về lý luận chính trị; có trường hợp từ nhân viên của xí nghiệp trực thuộc công ty thành viên lên ngay làm phó trưởng một ban quan trọng của toàn ngành; rồi trường hợp nhiều quy hoạch cán bộ tại chỗ ở những công ty thành viên đã bị hủy bỏ để đưa người nơi khác về mà không có lý do rõ ràng gây mất niềm tin của người lao động và các cổ đông; rồi trường hợp đã có nghị quyết của Đảng ủy và HĐTV của Tổng công ty ĐSVN về điều động cán bộ nhưng đương sự không chấp hành mà sau nhiều tháng, Tổng công ty cũng không có biện pháp gì, cũng không ra nghị quyết mới để sửa đổi nghị quyết cũ. Công tác soạn thảo văn bản, xây dựng những quyết định, nghị quyết hệ trọng ở Tổng công ty này cũng còn tồn tại nhiều bất cập, v.v.

Đường sắt Việt Nam là một ngành có truyền thống trăm năm, hoạt động của các đơn vị trong ngành và của ban lãnh đạo mà đứng đầu là ông Bí thư kiêm Chủ tịch ngành luôn thu hút sự quan tâm của công luận và dư luận. Đại Đoàn Kết sẽ cập nhật đưa tin với những diễn biến mới.

(Bài 2: Những nghị quyết kỳ dị của Hội đồng thành viên).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công tác cán bộ tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Những biến động bất thường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO