Công tác giám sát bầu cử Quốc hội khóa XIV: Bình đẳng và công khai

Dạ Yến (ghi) 04/05/2016 09:05

Hội đồng bầu cử Quốc gia và Uỷ ban bầu cử các cấp đã lập danh sách chính thức người ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 sau 3 bước hiệp thương dân chủ của Mặt trận. Chia sẻ với báo chí về công việc quan trọng này, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia khẳng định, 3 bước hiệp thương rất quan trọng nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì chưa đủ điều kiện khẳng định chất lượng ứng cử viên mà tới đây

Công tác giám sát bầu cử Quốc hội khóa XIV: Bình đẳng và công khai

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân giám sát việc niêm yết danh sách cử tri
tại ấp Lê Lợi 1, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất,
tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Long).

PV: Thưa Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, vấn đề chất lượng của các ứng cử viên luôn là điều được cử tri quan tâm hàng đầu. Trong cuộc bầu cử Quốc hội tới đây, chúng ta nhấn mạnh vai trò đảm bảo cơ cấu nhưng phải làm sao gia tăng được số lượng đại biểu chuyên trách. Theo Chủ tịch, với cơ cấu hiện nay, liệu chúng ta có đảm bảo được mục tiêu này?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Theo dự kiến, sẽ có 113 đại biểu chuyên trách ở cấp TƯ trong tổng số 500 đại biểu (chiếm tỉ lệ hơn 22%) và sẽ theo hướng tăng dần. Qua thảo luận hiệp thương lần thứ nhất đến lần thứ 3, số lượng đại biểu chuyên trách là hợp lý cùng với đại biểu chuyên trách của từng địa phương, mỗi địa phương sẽ có ít nhất 1 đại biểu chuyên trách.

Đến hiệp thương vòng 3, trình độ học vấn của những người được giới thiệu đã có những thống kê cụ thể: Ví dụ hiện nay, trong 197 người ở cơ quan TƯ tất cả trình độ Đại học trở lên. Có 83 người là Tiến sỹ chiếm 42%. Thông thường chúng ta thường nghĩ rằng trình độ Đại học là nhiều nhất, sau đó đến Thạc sỹ, Tiến sỹ nhưng riêng chuyên trách TƯ tỷ lệ Tiến sỹ cao nhất 42%. Thạc sỹ 62 người chiếm 31%, Đại học 52 người chiếm 26%, cơ cấu chuyên trách TƯ trình độ chuyên môn rất cao và các đồng chí chuyên trách đều giữ chức vụ từ Vụ trưởng trở lên.

Ở địa phương, qua tổng hợp hiệp thương vòng 3 đến nay có 682 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH. Trong đó, số người có trình độ Tiến sỹ 65 người chiếm 9,5%; Thạc sỹ 231 người chiếm 34%, Đại học 359 người chiếm 53%. Như vậy ở địa phương, người có trình độ Đại học trở lên chiếm 96% những người đã hiệp thương xong, còn trình độ Cao đẳng đến Phổ thông cộng lại chỉ chiếm 4%. Điều đó chứng tỏ đào tạo cơ bản của người được giới thiệu và tự ứng cử cao. Riêng người tự ứng cử có 5 người là Tiến sỹ, Thạc sỹ có 4 người và đại học có 2 người. Như vậy, trình độ Tiến sỹ và Thạc sỹ chiếm 82% trong số người tự ứng cử.

Tổng hợp hiện nay danh sách trung ương và địa phương là 879 người để bầu 500 người. Trong đó, trình độ từ Đại học trở lên chiếm 97%, Cao đẳng trở xuống chỉ có 3%.

Như vậy, qua quá trình Hiệp thương những người được giới thiệu sang Hội đồng bầu cử Quốc gia (ngày 27/4 sẽ công bố) đảm bảo trình độ văn hóa chuyên môn cao, điều này cũng phản ánh việc đi lên của đất nước.

PV: Sau các vòng hiệp thương vừa qua do MTTQ các cấp tổ chức có một vấn đề được khá nhiều cử tri đặt câu hỏi là liệu các đại biểu tham dự các hội nghị hiệp thương có đầy đủ thông tin cũng như dựa trên tiêu chí nào để đánh giá, từ đó đưa ra lựa chọn ứng cử viên đủ tiêu chuẩn tham gia cuộc bầu cử sắp tới. Ý kiến của Chủ tịch như thế nào về vấn đề này?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Để hội nghị hiệp thương các cấp thảo luận và đi đến bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu người được ứng cử hoặc tự ứng cử vào danh sách thì cần căn cứ vào những tiêu chí và điều kiện khách quan, đồng thời phải thảo luận, và thông qua biểu quyết từng người cho ý kiến. Theo luật pháp, có hai cơ sở rất quan trọng, đó là ý kiến của cử tri nơi người đó công tác nếu không được tín nhiệm quá bán thì khi lên hiệp thương vòng trên của cấp đó rất khó được nhận. Cơ sở thứ hai là tại nơi cư trú. Ở đây nếu cũng không đạt quá bán thì Hội đồng hiệp thương ở cấp tỉnh, cấp TƯ xem xét. Cuối cùng tại mỗi hội nghị hiệp thương của mỗi cấp, ngoài 2 cơ sở này còn dựa vào thông tin những người đó có thực sự chấp hành tốt luật pháp hay không.

MTTQ đã có hướng dẫn trước khi vào hiệp thương vòng 3 và MTTQ các tỉnh cần đề nghị Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, trong đó UBND cần cung cấp thông tin về việc chấp hành pháp luật của người ứng cử cho địa phương biết. Thời gian qua, có một số nơi có những đại biểu tự ứng cử sau đó xin thôi hoặc không được hiệp thương vì thông tin của cơ quan người ứng cử đó cho biết họ có vi phạm ở các mức khác nhau liên quan đến thuế, xây dựng cơ bản... Đây là thông tin rất quan trọng và có văn bản chính thức.

Đặc biệt, khi nêu danh sách rồi thì phải thảo luận, chẳng hạn như hiệp thương vòng 3 ở một số nơi có đại biểu rất được ủng hộ, có người thấy rất băn khoăn. Bởi vậy nơi nào còn ý kiến băn khoăn trái ngược nhau, Mặt trận thực hiện biểu quyết riêng người đấy chứ không biểu quyết chung.

Đây là khâu chọn khách quan, đảm bảo, nghiêm túc không để tâm lý đám đông ảnh hưởng nhưng cũng không để ý kiến một số người làm ảnh hưởng đến người khác mà khuyến khích chính kiến của mỗi người làm sao đi đến một quyết định thống nhất.

Đến thời điểm này chúng tôi không thấy có ý kiến thắc mắc của những người tham gia. Ngoài ra, Hội đồng bầu cử Quốc gia có một tiểu ban nhân sự giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiểu ban này có trách nhiệm tiếp thu và xử lý đơn thư tố cáo đúng quy định của luật pháp. Đến bây giờ, công việc này đã kết thúc. Hội đồng bầu cử Quốc gia đã lập được danh sách của 879 người ứng cử đại biểu Quốc hội trên cả nước để bầu ra 500 người.

PV: Chủ tịch có thể cho biết bài học kinh nghiệm sau 3 vòng hiệp thương vừa qua, đặc biệt trong vấn đề phát huy dân chủ, tạo sự công bằng cho những người ứng cử?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Chúng ta biết luật pháp cho phép công dân Việt Nam từ 21 tuổi trở lên không vi phạm pháp luật, đáp ứng 5 tiêu chuẩn Quốc hội thì có quyền tự ứng cử. Về phía các cơ quan nhà nước có quyền giới thiệu người ứng cử. Không có bất cứ phân biệt nào với các ứng cử viên trong quá trình thảo luận tiêu chuẩn, lấy ý kiến nơi công tác, nơi cư trú, nhận xét của chính quyền địa phương nếu có và những thông tin liên quan khác cũng như quá trình bỏ phiếu. Từng người trong hiệp thương là lấy ý kiến độc lập như vậy đảm bảo dân chủ. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng không chỉ có hiệp thương. Hiệp thương là để thống nhất danh sách nhưng đến lúc ứng cử viên có được cử tri bầu hay không lại là chuyện khác. Chúng ta có 879 ứng cử viên mà chỉ bầu 500 người như vậy số dư gần 400 người, do đó khâu lựa chọn rất quan trọng.

Bởi vậy, công việc quan trọng lúc này là tổ chức tiếp xúc cử tri để thực hiện vận động tranh cử và trên cơ sở đó cử tri sẽ tiến hành bầu cử. Nhân dân mỗi xã, phường nơi ứng cử viên ứng cử phải có thông tin đầy đủ để họ có thể lựa chọn. Đây là nguyên tắc nhưng làm không dễ vì không ứng cử viên nào có thể gặp được tất cả cử tri phường, xã nơi người đó ứng cử. Do đó, ở cấp huyện phải đảm bảo có đầy đủ đại biểu cử tri ở tất cả các xã tham dự. Người nào mong muốn họ có quyền đến dự ít nhất là lực lượng nòng cốt trong hệ thống chính trị như thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, Mặt trận... Sau khi dự hội nghị tiếp xúc, lực lượng nòng cốt này có trách nhiệm về trao đổi lại với nhân dân ở xã mình về thông tin mình tiếp nhận được từ người ứng cử.

Việc đảm bảo bình đẳng cho ứng cử viên trong tiếp xúc cử tri cũng quan trọng như việc ứng cử viên được trình bày chương trình hành động của mình trên các phương tiện truyền thông cũng như trên trang web của Hội đồng bầu cử Quốc gia. Như vậy 3 bước hiệp thương là rất quan trọng nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì chưa đủ điều kiện để khẳng định chất lượng ứng cử viên mà ứng cử viên còn phải gặp cử tri, lắng nghe và nói cho họ hiểu mới giúp cử tri có thêm thông tin để đặt niềm tin vào lá phiếu của mình.

PV: Là người theo rất sát quá trình chỉ đạo chuẩn bị cho cuộc bầu cử, theo Chủ tịch nếu có điều gì cần phải làm tốt hơn nữa cho công tác này thì đó là điều gì?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, tôi có suy nghĩ về việc muốn hiểu đầy đủ về một ứng cử viên thì chỉ riêng căn cứ ý kiến nơi công tác và nơi cư trú thì vẫn có trường hợp bị thiếu thông tin. Bởi vì họ có thể vi phạm pháp luật ở nơi khác ngoài địa phương, ngoài cơ quan mà chúng ta không biết. Cho nên sắp tới phải có cách nào tốt hơn nữa để khẳng định những người ứng cử không vi phạm luật pháp. Và khi có thông báo rộng rãi, nhân dân có thể phát hiện thêm thông tin nếu có. Đồng thời nếu làm tốt việc này những người vi phạm pháp luật họ sẽ tự thấy mình không đủ tiêu chuẩn để đăng ký nữa.

Cao điểm trong thời gian tới là quá trình tiếp xúc cử tri và đó cũng là thời điểm để chúng ta tiếp tục theo dõi xem có vấn đề gì cần rút kinh nghiệm. Theo tôi đây là vấn đề quan trọng vừa đảm bảo tiếp xúc khách quan nhưng không gây ra cảm nhận lệch lạc cho nhân dân rằng thiên vị người ứng cử này bằng lợi ích chứ không phải là cuộc trao đổi bằng năng lực từ tâm huyết của chính người ứng cử. Cho nên, mục tiêu sắp tới là phải tổ chức tiếp xúc cử tri cho các ứng cử viên công bằng và công khai.

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công tác giám sát bầu cử Quốc hội khóa XIV: Bình đẳng và công khai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO