Công tác giám sát phản biện ở Bạc Liêu: Gắn với nhiệm vụ trọng tâm của địa phương

Quốc Trung (thực hiện) 21/08/2017 09:10

Triển khai thực hiện Quyết định (QĐ) 217, 218 của Bộ Chính trị, thời gian qua MTTQ tỉnh Bạc Liêu đã đạt được một số kết quả bước đầu, góp phần quan trọng trong việc mở rộng dân chủ, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. PV Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với ông Quảng Trọng Ninh- Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bạc Liêu về vấn đề này.

Ông Quảng Trọng Ninh.

PV:Ông đánh giá về công tác thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện của MTTQ tỉnh Bạc Liêu theo Quyết định 217, 218 như thế nào thưa ông?

Ông Quản Trọng Ninh: Về công tác giám sát, Ban Thường trực UBMTTQ các cấp tỉnh Bạc Liêu xác định một trong những điểm mới về công tác giám sát theo QĐ 217 là việc MTTQ được quyền thành lập các đoàn giám sát trực tiếp. Đây là việc khó, chưa có tiền lệ, nhưng MTTQ các cấp trong tỉnh đã linh hoạt sáng tạo trong công tác tham mưu chỉ đạo xây dựng chương trình phối hợp với các ban ngành liên quan để triển khai thực hiện nội dung giám sát.

Từ đó hơn 3 năm qua Ban Thường trực UBMTTQ các cấp đã xây dựng kế hoạch giám sát với nhiều nội dung phong phú đa dạng gắn với nhiệm vụ trọng tâm của địa phương liên quan đến quyền lợi và lợi ích chính đáng của nhân dân và được nhân dân quan tâm.

Việc giám sát được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, quy định từ việc xây dựng chương trình kế hoạch giám sát, báo cáo với cấp ủy thống nhất với chính quyền các cơ quan thuộc quyền các cấp có liên quan.

Trước khi giám sát Ban Thường trực UBMTTQ các cấp mời các cơ quan đơn vị là đối tượng giám sát đến bàn, triển khai kế hoạch giám sát gồm nội dung thời gian địa điểm đề cương xây dựng báo cáo giám sát và trao đổi một số vấn đề giám sát trên cơ sở các tài liệu báo cáo của đối tượng.

Trên cơ sở đó, đoàn giám sát còn tổ chức khảo sát thực tế gặp gỡ đối thoại và lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân để làm cơ sở cho việc trao đổi làm việc với các đối tượng giám sát một cách cụ thể chặt chẽ đưa ra những kiến nghị phù hợp góp phần cho công tác giám sát có chất lượng

Kết thúc các đợt giám sát, đoàn giám sát tiến hành xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giám sát và có những đề xuất kiến nghị cấp ủy chính quyền các ngành các cấp có liên quan xem xét điều chỉnh các quy định cũng như việc triển khai thực hiện đúng chủ trương chính sách phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý điều hành của các cấp chính quyền.

Đối với công tác phản biện, nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, Ban Thường trực UBMTTQ các cấp trong tỉnh, chỉ đạo thành lập củng cố kiện toàn bộ máy hội đồng tư vấn, ban tư vấn của Mặt trận có chất lượng, từng bước tư vấn giúp UBMTTQ nhiều vấn đề quan trọng trong đó có việc giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng chính quyền.

Thời gian qua MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức được 11 hội nghị, hội thảo trao đổi, phản biện và góp ý phản biện bằng văn bản cho hơn 350 văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, địa phương. Để thực hiện tốt công tác phản biện, ngoài việc Ban Thường trực MTTQ các cấp trong tỉnh đã tranh thủ sự tư vấn của thành viên các hội đồng tư vấn và các chuyên gia trên các lĩch vực.

Đồng thời, tập trung đào tạo bồi dưỡng nâng cao kiến thức kinh tế - xã hội kỹ năng phản biện cho đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp nhằm góp phần thực hiện công tác phản biện xã hội có hiệu quả thiết thực và đảm bảo tính nhân văn.

Còn về công tác tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ các cấp tỉnh, thưa ông?

- Thời gian qua việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. MTTQ các cấp trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, vận động cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với nhiều hình thức, trực tiếp và gián tiếp đối với cán bộ đảng viên, góp ý thông qua các hình thức, cuộc họp chi bộ, họp hội nghị khu dân cư thông qua việc lựa chọn giới thiệu nhân sự tham gia đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, các lần bầu cử trưởng ấp, khóm các cuộc tiếp xúc cử tri.

Đối với việc góp ý vào dự thảo các văn bản của cấp ủy, chính quyền các cấp được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú như, tổ chức hội nghị tọa đàm góp ý trực tiếp bằng văn bản và nhiều hình thức khác.

Cùng đó MTTQ các cấp còn tích cực chủ động tham gia đóng góp cho tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Học tập và làm theo tư tưởng phong cách đạo đức Hồ Chí Minh”.

Trong quá trình thực hiện công tác giám sát, phản biện theo tinh thần của QĐ 217, 218 có những khó khăn vướng mắc nào, thưa ông?

- Việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ có lúc có nơi còn chậm. Sự phối hợp giữa MTTQ với các đoàn thể chính trị - xã hội từng lúc chưa thực sự đồng bộ. Việc thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội quy định về góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn lúng túng, nội dung phương pháp cách làm chưa thật sự bài bản. Đội ngũ cán bộ Mặt trận còn thiếu, yếu về trình độ kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ và chưa có kinh nghiệm nhiều trong công tác giám sát phản biện xã hội.

Theo tôi, những khó khăn hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội vừa lớn, mới và khó, trong khi đó lại chưa được hướng dẫn cụ thể và kịp thời nên trong quá trình triển khai thực hiện còn bị động lúng túng.

Nhận thức của một số cấp ủy chính quyền về vị trí vai trò của công tác giám sát và phản biện xã hội, về quyền trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa thật sự đầy đủ toàn diện.

Công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đòi hỏi trình độ chính trị, chuyên môn, kiến thức kinh tế - xã hội, kinh nghiệm thực tiễn cao. Nhưng hiện tại số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa tương xứng, thiếu kinh nghiệm giám sát phản biện xã hội.

Lực lượng Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng rất quan trọng. Nhưng lực lượng này lại hoạt động bán chuyên trách, trình độ năng lực hạn chế, kinh phí không nhiều từ đó ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Trân trọng cảm ơn ông!

Những kết quả bước đầu trong việc thực hiện QĐ 217, 218 của Bộ chính trị về hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Bạc Liêu đã khẳng định tính đúng đắn trong việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật về phát huy vai trò đại diện bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân thông qua MTTQ và các tổ chức thành viên, góp phần tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp ngày càng trong sạch vững mạnh, hạn chế những tồn tại thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, tạo sự đồng thuận và động viên tối đa vai trò của người dân tham gia trong tiến trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công tác giám sát phản biện ở Bạc Liêu: Gắn với nhiệm vụ trọng tâm của địa phương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO