Công ty ma lừa người lao động?

Hạnh Nguyên 22/11/2017 08:05

Lợi dụng sự cả tin và giấc mơ “đổi đời” của người lao động, một công ty tư nhân ở Hà Tĩnh đã tìm cách “móc” tiền của nhiều người bằng cách “dụ” họ làm thẻ doanh nhân (APEC, còn gọi là thẻ ABTC).

Công ty TNHH TMDV OYO Việt Nam đóng cửa không hoạt động.

Sau khi “ẵm” tiền cọc cả năm trời, đã hết hạn hợp đồng, doanh nghiệp không làm được thẻ, nhưng không chịu trả lại tiền cho người dân. Đó là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ du lịch Việt Nhật (sau đó đổi tên thành Công ty TNHH TMDV OYO Việt Nam - viết tắt là Cty OYO).

Dính bẫy

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, anh P.D.C. (trú tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho biết: Sau khi đi xuất khẩu lao động ở Nhật về, anh có quen biết với anh Nguyễn Văn Tám (hộ khẩu thường trú tại thôn Nam Thành, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) và biết anh Tám mở công ty riêng, công ty này có khả năng “bảo lãnh” cho người lao động sang châu Âu làm việc.

Sau ít lần gặp gỡ và được tư vấn, ngày 10/11/2016, anh C. quyết định ký “Hợp đồng dịch vụ tư vấn thẻ doanh nhân (APEC)” với Công ty TNHH TM và DV du lịch Việt Nhật (địa chỉ: số 281 đường Nguyễn Du, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh). Tuy nhiên, mọi giao dịch bằng văn bản giữa anh C. với Cty này không phải thông qua ông Nguyễn Văn Tám (Tổng giám đốc) mà đều do bà Trần Thị Thúy Nga (Giám đốc) thực hiện.

Theo hợp đồng, hai bên thống nhất: Bên B (Cty) nhận tư vấn và thực hiện các thủ tục, hồ sơ cụ thể để xin cấp visa doanh nhân cho bên A (anh C.). Tư vấn và hướng dẫn các thủ tục cần cung cấp trong quá trình tiến hành hồ sơ, tư vấn về nội dung thực hiện theo các quy định. Hướng dẫn bên A thực hiện nghĩa vụ đi lại sau khi thẻ visa doanh nhân được cấp, bao gồm thời gian đi lại giữa các nước, báo cáo tiến độ thực hiện quyền đi lại. Bên B cung cấp thông tin, dịch vụ chính xác và kịp thời cho bên A, chỉ định nhân sự tư vấn, thay mặt bên A để thực hiện công việc…

Chi phí và phương thức thanh toán được thỏa thuận là anh C. phải thanh toán cho Cty 28.000 USD, trong đó, giai đoạn 1, anh C. phải đặt cọc 2.000 USD ngay sau khi ký hợp đồng. Giai đoạn 2, thanh toán các chi phí còn lại khi có kết quả xin visa doanh nhân…Hợp đồng có giá trị từ ngày 10/11/2016 đến hết ngày 31/4/2017.

Tuy nhiên, sau khi đặt cọc, nhận thấy có điều bất ổn nên anh C. yêu cầu chấm dứt hợp đồng. Ngày 8/6/2017, giữa hai bên ký tiếp Phụ lục hợp đồng số 06/HĐ/2017, lúc này Cty đã đổi tên thành Công ty TNHH TMDV OYO Việt Nam (trụ sở thuê tại ngõ 50, khu phố 1, phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh). Phụ lục hợp đồng vẫn do bà Nguyễn Thị Thúy Nga- giám đốc Cty ký, nội dung khẳng định: “Do thời gian cấp và in thẻ phụ thuộc cơ quan quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an xét duyệt trên cơ sở 19 nước thuộc khối APEC. Vì vậy thời gian cấp thẻ kéo dài đến ngày 27-6-2017 (theo biên nhận số AA5170606001 do CQQLXC-BCA cấp)”.

Ngoài ra, thông qua phụ lục hợp đồng, phía Cty hứa sẽ hỗ trợ thêm cho anh C phí vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội/TP Hồ Chí Minh - Sydney/Melbourne/hoặc tiểu bang mà anh C có nhu cầu bay đến mà không thu thêm phí đặt vé máy bay.

Tuy nhiên, hết hạn Phụ lục hợp đồng nói trên, anh C vẫn chưa nhận được thẻ APEC. Ngày 25/9/2017, anh C. và chị Nga thống nhất ký biên bản thanh lý hợp đồng dịch vụ. Theo biên bản, “Bên B sẽ hoàn trả lại 100% chi phí đặt cọc ban đầu trong vòng 20 ngày kể từ ngày thanh lý hợp đồng”. Vậy nhưng mặc dù đã quá hẹn nhiều ngày, nhưng anh C. vẫn không nhận được khoản tiền 2.000 USD đã nộp cho Cty.

Theo tìm hiểu của PV, ngoài anh C., Cty OYO Việt Nam còn ký kết hợp đồng làm thẻ ABTC cho 3 người khác là L.V.L. (trú huyện Kỳ Anh), N.D.Đ. (huyện Cẩm Xuyên) và anh T (quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, thường trú tại Đà Nẵng). “Kịch bản” vẫn được Cty thực hiện như với anh C. Tuy nhiên, tất cả hợp đồng đều không thực hiện được như các điều khoản mà Cty đã cam kết.

Để qua mắt cơ quan chức năng, Cty OYO Việt Nam xâu nối với một số doanh nghiệp có quen biết trên địa bàn để hợp thức hóa hồ sơ. Và một số nông dân, công nhân, lao động tự do…bỗng dưng trở thành “doanh nhân”.

Hồ sơ khống

Theo quy định, đối tượng được cấp thẻ doanh nhân ABTC gồm: Doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước (chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó giám đốc), giám đốc và phó giám đốc phụ trách các bộ phận chuyên môn, kế toán trưởng và trưởng, phó các phòng chuyên môn có tham gia trực tiếp đến việc thương thảo và ký kết hợp đồng với các đối tác của các nước hoặc vùng lãnh thổ thành viên thuộc APEC đã tham gia chương trình thẻ ABTC; Doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng quản trị, chủ tịch, phó chủ tịch công ty TNHH, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc (hoặc giám đốc, phó giám đốc), giám đốc và phó giám đốc phụ trách các bộ phận chuyên môn, kế toán trưởng và trưởng phòng chuyên môn (bao gồm công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân), chủ nhiệm hợp tác xã và chủ tịch ban quản trị hợp tác xã có tham gia trực tiếp đến việc thương thảo và ký kết hợp đồng với các đối tác của các nước hoặc vùng lãnh thổ thành viên thuộc APEC đã tham gia chương trình thẻ APEC; công chức, viên chức các cơ quan sở, ban, ngành thuộc Thành phố Hồ Chí Minh có nhiệm vụ tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động kinh tế khác của APEC.

Anh L.V.L. là công nhân ở huyện Kỳ Anh hay anh N.D.Đ là nông dân, lao động tự do ở huyện Cẩm Xuyên…qua bàn tay “nhào nặn” của Cty OYO Việt Nam lại trở thành “doanh nhân”. Theo đó, anh L.V.L. được chứng thực là trưởng phòng xuất nhập khẩu, còn anh N.D.Đ là trưởng phòng kinh doanh của Công ty cổ phần tư vấn và xây dựng Trường Thịnh (địa chỉ tại số 26 đường Phú Hào, phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh). Trong khi đó, anh L và anh Đ đều xác nhận là không hề biết đến cũng như không làm việc cho Công ty cổ phần tư vấn và xây dựng Trường Thịnh.

Hoạt động mập mờ, thu tiền sai quy định

PV đã tìm đến trụ sở Cty OYO Việt Nam ở ngõ 50, khu phố 1, phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh để tìm hiểu. Tuy nhiên, theo người dân cũng như chủ khu nhà, Cty này đã đóng cửa cả tháng trời không hoạt động.

Bà Hoàng Thị Duy- chủ nhà cho Công ty TNHH TMDV OYO Việt Nam thuê trụ sở cho biết: Cty này thuê ki-ốt của gia đình bà đã được 4 tháng nhưng gần như cả tháng trời đóng cửa, không hoạt động. “Mấy hôm nay có rất nhiều người dân, chủ yếu là ở huyện Cẩm Xuyên đến đây tìm gặp đại diện Cty để đòi tiền nhưng không gặp được. Theo họ nói thì có người nộp tới 1 trăm, có người 2 trăm triệu đồng. Những người đi du học lọt cả, nhưng người đi xuất khẩu lao động thì không lọt”- bà Duy nói.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (số 3002038389) do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cấp, Cty này được cấp giấy chứng nhận lần đầu ngày 15/9/2016 và đến nay đã qua 3 lần đổi tên. Tổng số vốn điều lệ là 50 tỷ đồng, do 2 thành viên góp vốn (mỗi người góp 50%), gồm: Trần Thị Thúy Nga (thường trú tại số 23 đường Hàn Huyên, phường Thành Công, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) và Nguyễn Văn Tám (đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn Nam Thành, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh).

Theo như giấy phép hoạt động thì lĩnh vực chính của Cty là tư vấn du học. Đối với lĩnh vực này, Cty vừa mới đăng ký hoạt động tại Sở GDĐT Hà Tĩnh vào ngày 8-8-2017. Điều đáng chú ý là trên bảng hiệu quảng cáo đóng tại trụ sở công ty có mục “làm việc nước ngoài”.

Phó trưởng phòng Lao động và việc làm (Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh) Nguyễn Xuân Thái xác nhận: Công ty TNHH TM và DV du lịch Việt Nhật hay là Cty TNHH TMDV OYO Việt Nam từ trước đến nay chưa gửi hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lao động với Sở, vì thế hoàn toàn không có giấy phép hoạt động tư vấn, giới thiệu, tuyển dụng lao động.

“Đến giờ phút này thì Cty OYO không có chức năng trong lĩnh vực dịch vụ lao động. Nếu Cty đã có hoạt động tư vấn, giới thiệu, tuyển dụng lao động thì đã hoạt động trái quy định của pháp luật”- ông Thái cho biết.

Theo ông Nguyễn Đình Diệu- phó trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh (đơn vị cấp giấy phép hoạt động cho Cty OYO Việt Nam, đồng thời là đầu mối tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ APEC): Đối chiếu với giấy phép kinh doanh thì Cty OYO Việt Nam có chức năng tư vấn hồ sơ cho doanh nghiệp, doanh nhân nhưng không có thẩm quyền cấp thẻ APEC.

“Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ trực tiếp từ doanh nghiệp đủ điều kiện làm thẻ APEC sau đó tham mưu cho UBND tỉnh xác nhận và chuyển hồ sơ ra Cục Quản lý xuất nhập cảnh chứ không qua các khâu trung gian. Từ trước đến nay, Sở không nhận bất kỳ một hồ sơ đề nghị cấp thẻ APEC nào từ Cty OYO Việt Nam. Tại tỉnh không hề thu một khoản phí nào của doanh nhân, doanh nghiệp. Việc Cty OYO Việt Nam thu khoản tiền lớn như vậy là sai quy định”- ông Diệu nói.

Vậy, đây có phải là công ty ma? Và nếu vậy ai sẽ đứng ra giải quyết cho những người lao động nghèo bị lừa?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công ty ma lừa người lao động?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO