Cột cờ Lũng Cú: Điểm đến của các MV ca nhạc

Việt Anh 17/08/2017 07:30

Đến Hà Giang ai cũng đều muốn lên cột cờ Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn). Đứng từ xa du khách đã thấy lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên đỉnh núi Rồng (Long Sơn). Địa danh thiêng liêng nằm ở nơi địa đầu Tổ quốc những năm gần đây còn trở thành điểm đến của nhiều nghệ sĩ để thực hiện những MV ý nghĩa.

1. Cột cờ Lũng Cú được hình thành qua nhiều thời kỳ lịch sử, đã qua nhiều lần thay đổi, từ cột cờ gỗ sang cột cờ sắt rồi cột cờ xây vào năm 1202. Đến thời Pháp thuộc, năm 1887, cột được xây dựng lại. Bước sang thế kỷ 20, cột cờ này được nhiều lần tu sửa, nâng cấp. Theo một ghi chép cũ, năm 1978, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn lúc ấy thấy lá cờ cắm lúc trước chưa đủ rộng để mọi người dân ở chân núi có thể nhìn thấy, đã nảy ra ý định xây cột cờ cao hơn, may lá cờ rộng hơn. Ngày 12-8-1978, lá cờ đỏ sao vàng rộng 54 m2 (chiều dài 9m, chiều rộng 6m) tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc đã chính thức tung bay trên đỉnh cột cờ Lũng Cú. Cho tới năm 1992 và 2000, cột cờ tiếp tục được trùng tu lại.

Đến năm 2002, cột cờ được dựng với độ cao khoảng 20m, chân và bệ cột có hình lục lăng và dưới chân cột là 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn. Trên đỉnh cột là cán cờ cao 9m cắm quốc kỳ Việt Nam có chiều dài 9m, chiều rộng 6m. Sau đó, đến đầu năm 2010, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Đồng Văn tiến hành tháo dỡ cột cờ Lũng Cú cũ và tiến hành xây dựng mới.

Ngày 8-3-2010 công trình được khởi công. Theo thiết kế, cột cờ mới được xây dựng với chiều cao 33,15m (hơn cột cờ cũ 10m) trong đó phần chân cột cao 20,25m, đường kính ngoài thân cột rộng 3,8m. Kiểu dáng bát giác của cột cờ khá gần với kiểu cột cờ Hà Nội. Chân, bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn mặt của trống đồng Đông Sơn và những họa tiết minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con người, tập quán của các dân tộc ở Hà Giang.

Thân cột cờ có cầu thang bộ đi lên đỉnh. Trên đỉnh cột là quốc kỳ Việt Nam với cán cờ cao 12,9m và lá cờ, cũng tương tự như những lá cờ sử dụng trước đó, có diện tích 54m2.

Ngày 25-9-2010, sau 7 tháng triển khai thi công, cột cờ Lũng Cú được khánh thành. Tại lễ khánh thành cột cờ mới, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hoàng Minh Nhất nói: “Việc trùng tu, nâng cấp cột cờ Lũng Cú lần này nhằm khẳng định vị thế của đất nước, chủ quyền của Tổ quốc và tôn vinh tinh thần yêu nước, anh dũng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc của đồng bào, chiến sĩ nơi đây”.

Cột cờ Lũng Cú trở thành niềm tự hào của bà con đồng bào các dân tộc ở Hà Giang nói riêng, đồng thời là biểu tượng thiêng liêng của người Việt Nam. Đây cũng là điểm du lịch được nhiều hãng lữ hành khai thác.

2.Trong thời gian qua, cột cờ Lũng Cú trở thành địa danh được nhiều nghệ sĩ, ca sĩ chọn để thực hiện các dự án âm nhạc. Đáng chú ý, chương trình Giai điệu tự hào với chủ đề “Chiều biên giới” vào tháng 7 năm ngoái cũng đã có những cảnh quay quan trọng tại địa danh ý nghĩ này. MC Diễm Quỳnh cùng NSƯT Hà Vy, nghệ sĩ Thục Hiền đã có mặt trên đỉnh cột cờ Lũng Cú để ghi hình nhằm tôn vinh những ký ức hào hùng trong những bài ca đi qua năm tháng của lịch sử dân tộc. Được biết để ghi hình ca khúc “Chiều biên giới”, NSƯT Hà Vy và nghệ sĩ Thục Hiền cùng êkíp vượt hơn 1.000km trong 3 ngày và thực hiện những cảnh quay ấn tượng trên cột cờ Lũng Cú.

Một MV khác đáng chú ý, đó MV “Vươn cao Việt Nam”. Những cảnh quay quan trọng của MV cũng được thực hiện tại cột cờ Lũng Cú tạo nên sự xúc động trong nhiều khán giả.

Ngoài ra, các ca sĩ, nghệ sĩ Vi Hoa, Khánh Hòa, Giàng Hoa- cô gái Mông từng lọt vào top 9 dòng nhạc thính phòng cuộc thi Sao Mai 2015… cũng đã ghi hình các tiết mục ca nhạc tại địa danh lịch sử này.

Ngày nay, đường lên đỉnh núi có cột cờ cũng được xây dựng lại với 839 bậc đá lên theo lối cũ và đồng thời xây một lối đi mới cũng có số lượng bậc là 839 đi xuống. Dưới chân cột cờ là nhà lưu niệm trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục, sản phẩm văn hóa của các dân tộc Hà Giang.

Muốn chinh phục đỉnh cột cờ để phóng tầm mắt ra xung quanh thì đi theo cầu thang xoáy trôn ốc bằng sắt với 140 bậc trong lòng cột cờ. Từ trên đỉnh cột cờ Lũng Cú nhìn về phía Tây có 2 hồ nước. Điều thú vị ở chỗ, dù ở độ cao chót vót này nhưng nước ở 2 cái hồ này luôn trong xanh không bao giờ cạn, được người dân coi là “long nhãn” (mắt rồng).

Hiện nay, tại Đồn biên phòng Lũng Cú có một trạm chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ lá cờ trên cột cờ Lũng Cú này và hầu như cứ khoảng 1 tuần hoặc lâu nhất là 10 ngày cờ lại phải được thay mới, do sức gió trên đỉnh Lũng Cú rất mạnh. Những lá cờ cũ được giữ lại làm quà tặng cho những đoàn khách đặc biệt đặt chân đến đây, được mang theo về một kỷ vật là lá cờ Tổ quốc từng tung bay trên đỉnh cột cờ Lũng Cú.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cột cờ Lũng Cú: Điểm đến của các MV ca nhạc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO