Covid-19 có liên quan đến đột quỵ không?

Minh Thủy 03/06/2021 10:00

Kết quả một nghiên cứu quốc tế công bố trên tạp chí Stoke mới đây cho thấy, cứ 4 bệnh nhận bị đột quỵ sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 lại có 1 người dưới 55 tuổi.

Con số này được coi là cao bất thường, vì thông thường chỉ có từ 10% đến 15% bệnh nhân đột quỵ ở độ tuổi từ 18 đến 50. Đáng ngại hơn khi nghiên cứu này còn cho rằng Covid-19 có thể gây đột quỵ ở những người vốn có nguy cơ cực thấp.

Kết quả của nghiên cứu (công bố ngày 21/4/2021) dựa trên phân tích dữ liệu của 2.700 bệnh nhân do 136 trung tâm y tế khác nhau ở 52 quốc gia.

“Nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những người trẻ tuổi, không có bất kỳ yếu tố nguy cơ truyền thống nào đối với đột quỵ, chẳng hạn như huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường, các vấn đề về tim mạch” - GS Ronen Leker tại Đại học Hebrew, một tác giả của nghiên cứu, cho biết. Việc họ mắc Covid-19 chỉ được phát hiện sau khi họ nhập viện vì đột quỵ và được làm xét nghiệm. GS Ronen Leker giải thích: “Não là một trong những cơ quan mà SARS-CoV-2 nhắm tới, cũng như các mạch máu trong não”.

Tại Việt Nam chưa có thông tin về liên quan giữa Covid-19 và đột quỵ. Tuy nhiên gần đây, các bệnh viện tại Cần Thơ ghi nhận tình trạng bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ hóa và gia tăng về số lượng. Hầu hết đều có dấu hiệu cảnh báo bệnh nhưng bệnh nhân chủ quan bỏ qua, điển hình nhất là các cơn đau đầu kéo dài.

Bác sĩ Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Tim mạch - Đột quỵ Cần Thơ cho rằng, nếu được làm các xét nghiệm tầm soát ngay từ khi khởi phát bệnh với những cơn đau đầu thường xuyên thì có thể tránh được nhiều nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng cũng như ngăn chặn bệnh tiến triển nặng, vì bệnh sẽ được kiểm soát tốt hơn.

Tương tự, theo bác sĩ Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ, bệnh nhân đột quỵ không giới hạn độ tuổi, giới tính, tuy nhiên có ghi nhận tình trạng trẻ hóa. Bác sĩ Phong cho biết, điểm mấu chốt để có thể can thiệp cứu sống bệnh nhân chính là yếu tố tầm soát phát hiện sớm và cấp cứu bệnh nhân trong “giờ vàng” (khoảng 6 tiếng tính từ khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đột quỵ).

Dấu hiệu quan trọng nhất của đột quỵ là những cơn đau đầu, tuy nhiên người có nguy cơ đột quỵ thường có triệu chứng “gợi ý”, như: Đột ngột xuất hiện méo miệng, liệt hoặc yếu một bên người, nói khó hoặc không nói được.

Khi thấy các triệu chứng trên, người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có đơn vị can thiệp đột quỵ để cấp cứu. Thời gian từ lúc khởi phát bệnh đến khi được điều trị đặc hiệu là yếu tố quan trọng nhất, quyết định phần lớn khả năng phục hồi của bệnh nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Covid-19 có liên quan đến đột quỵ không?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO