Cú đấm của 'ông già gân'

Đình Tú 12/05/2020 06:00

Sau 2 tháng tạm yên, chính trường Malaysia một lần nữa bị khuấy đảo bởi những động thái của chính trị gia lão luyện 95 tuổi - cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad. Lần này, đích ngắm của ông Mahathir là đương kim Thủ tướng đương nhiệm Muhyiddin Yassin.

Cú đấm của 'ông già gân'

Ông Mahathir.

Tìm đường quay lại

Các hãng truyền thông Malaysia vừa cho biết ông Mahathir đã gửi thư tới Quốc hội nước này “với mục đích chính trị sâu sắc”. Theo đó, trong bức thư đề ngày 4/5 gửi tới Chủ tịch Quốc hội Mohamad Ariff Md Yusof, vị cựu Thủ tướng Malaysia đã nhấn mạnh Thủ tướng Muhyiddin không có được sự tín nhiệm của đa số thành viên Quốc hội để tiếp tục vị trí lãnh đạo Chính phủ.

Cũng theo truyền thông Malaysia, các hành động của người được mệnh danh là “ông già gân” là thực hiện một chiến dịch tìm kiếm sự ủng hộ việc bỏ phiếu bất tín nhiệm từ phía Quốc hội nước này đối với Thủ tướng Muhyiddin Yassin. Quốc hội Malaysia họp lại ngày 18/5 và sẽ xem xét việc này. Theo các chính trị gia Malaysia, cuộc họp ngày 18/5 đã có lịch và ngoài nội dung được chuẩn bị trước sẽ có thêm một nội dung dựa trên những đệ trình của “ông già gân”.

“Cuộc họp diễn ra bình thường theo dự kiến nay bỗng trở nên nóng bởi sự va chạm giữa các luồng ý kiến bỏ phiếu tín nhiệm, bất tín nhiệm giữa các lực lượng chính trị tại Malaysia, nổi lên là sự kình địch giữa liên minh Perikatan Nasional (PN) của Thủ tướng Muhyiddin và liên minh Pakatan Harapan (PH) gồm có đảng Pribumi Bersatu Malaysia (PBM) của ông Mahathir”- Hãng tin Aljazeera bình luận.

Không chỉ đệ trình thư lên Quốc hội đề nghị xem xét, ông Mahathir còn tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh chính trị khác bao gồm cả một số nhân vật trong Nội các chính phủ Muhyiddin như Bộ trưởng bang Sabah là ông Shafie Apdal. Cuối tháng 4, ông Shafie Apdal đã lên tiếng kêu gọi sự hậu thuẫn rộng rãi dành cho ông Mahathir, đồng thời cũng có thư gửi Chủ tịch Quốc hội Malaysia đề nghị tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm với cựu Thủ tướng.

Theo tờ The Star, Chủ tịch Quốc hội Ariff cho biết không thể đưa đề xuất của ông Shafie ra để Quốc hội thảo luận vì trái với Điều 43 trong Hiến pháp liên bang (quy định Quốc vương có quyền chỉ định Thủ tướng). Tuy nhiên, toàn bộ nội dung bức thư sau đó được phát tán lên mạng xã hội ngày 6/5 với mục đích tập hợp thêm sự ủng hộ trong dư luận cũng như của các chính trị gia khác.

“Trò chơi vương quyền”

Truyền thông Malaysia dẫn lời giới quan sát nước này nhận định: tình hình đã chớm đến một cuộc khủng hoảng chính trị và có thể lún sâu vào nó. Cuộc khủng hoảng bắt đầu vào cuối tháng 2 khi nhiều thành viên của PBM gồm cả Thủ tướng đương nhiệm Muhyiddin cùng 11 thành viên từ đảng Parti Keadilan Rakyat (PKR) rời bỏ liên minh PH khiến mất đa số trong Quốc hội.

Sau khi ông Mahathir từ chức, đại diện liên minh PN mà ông Muhyiddin thành lập với sự ủng hộ của đảng Barisan Nasional (BN) và đảng Hồi giáo SeMalaysia đã được Quốc vương nước này phê chuẩn làm Thủ tướng. Dù ông Muhyiddin nhậm chức vào đầu tháng 3 nhưng cũng chính ông Mahathir là người đã đề nghị Quốc vương Malaysia xem xét lại quyết định bổ nhiệm.

Từng là Thủ tướng Malaysia giai đoạn 1981 – 2003 và quay trở lại cương vị lãnh đạo sau khi đắc cử năm 2018, ông Mahathir được coi là chính trị gia khôn ngoan, lão luyện nhất chính trường Malaysia hiện nay. Tuy nhiên, việc “bẻ kèo” đối với đồng minh và là phó của ông Mahathir - chính trị gia tiếng tăm Anwar Ibrahim khi không trao quyền Thủ tướng giữa nhiệm kỳ như cam kết làm dấy lên những dư luận xấu về ông Mahathir là kẻ “tham quyền cố vị”.

Vào thời điểm đó, ông Mahathir cho biết, việc chuyển giao chức vụ thủ tướng chỉ được tiến hành sau khi Malaysia chủ trì Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 tới. Ông nhấn mạnh, hiện chưa có mốc thời gian chính xác nào cho vấn đề này, đồng thời nói rõ, việc bàn giao chức vụ “tùy thuộc vào tôi”.

Để chứng minh sẽ không bàn giao quyền lực cho ông Ibrahim, ông Mahathir bất ngờ nộp đơn xin từ chức. Đây được xem là động thái mang tính chiến thuật giúp ông hủy bỏ thỏa thuận chuyển đổi quyền lực của liên minh cầm quyền, ngăn cản Anwar Ibrahim kế nhiệm ông trước cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2023.Điều này cũng gây nên những khủng hoảng liên tiếp trên chính trường Malaysia cho đến nay.

Các cuộc thăm dò dư luận mới đây về chính trị Malaysia cho thấy dù ông Mahathir có cố hành động để xoay chuyển tình thế thì cũng sẽ không có nhiều người dân Malaysia ủng hộ ông. Sau các biến cố trên chính trường, các mỹ từ ca ngợi về “ông già gân” Malaysia không còn nữa. Thay vào đó là hàng loạt tính từ mang biểu tượng hoặc của sự hỗn loạn hoặc là sự lạm dụng một “trò chơi vương quyền” của một chính trị gia không biết dừng lại đúng thời điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cú đấm của 'ông già gân'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO