Cử nhân, thạc sĩ vẫn đứng đầu bảng về thất nghiệp

Lan Hương 24/12/2015 23:15

Tính riêng Quý III, cả nước có 53,17 triệu người có việc làm, tăng 637,56 nghìn người so với Quý 2. Tuy nhiên có đến 117.300 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp (chiếm 10,4%, tăng 24.100 người so với Quý II) và 225.500 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp (chiếm 20%, tăng 26.100 người so với Quý 2). Đây là những con số đáng chú ý được Bộ LĐTB&XH công bố chiều 24/12, tại Hà Nội.

Cử nhân, thạc sĩ vẫn đứng đầu bảng về thất nghiệp

Tỷ lệ cử nhân, cao đẳng thất nghiệp chưa có xu hướng giảm.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương-Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết, Quý III-2015, cả nước có 1.128.700 người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giảm 15.900 người so với Quý 2-2015.

Trong đó có 645.100 người thất nghiệp không có chuyên môn nghiệp vụ (chiếm 57,2% tổng số người thất nghiệp); 33.600 người có trình độ sơ cấp nghề (chiếm 3%); 23.000 người có trình độ trung cấp nghề (chiếm 2%); 60.200 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp (chiếm 5,3%); 15.100 người có trình độ cao đẳng nghề (chiếm 1,3%).

Số người thất nghiệp ở thành thị chiếm 46,2% với 521.300 người và thanh niên (15-24) thất nghiệp chiếm 59% với 666.500 người.

Đáng chú ý, có đến 117.300 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp (chiếm 10,4%, tăng 24.100 người so với Quý II) và 225.500 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp (chiếm 20%, tăng 26.100 người so với Quý II).

“Nhóm người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và có xu hướng gia tăng. Điều này cho thấy cung lao động kỹ thuật cao đang thừa so với nhu cầu thị trường lao động. Tuy nhiên chúng ta đang thiếu lao động đã qua đào tạo nghề, điều này thể hiện qua việc tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm này rất thấp” – bà Hương nói.

Bên cạnh đó, bản tin thị trường lao động Quý III cũng cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm thanh niên có xu hướng gia tăng. Đáng lo ngại so với Quý 2-2015, tình trạng thất nghiệp dài hạn (trên 12 tháng) trầm trọng hơn từ 22,7 % lên 25%.

Theo khảo sát của Bộ LĐTB&XH, trong Quý III-2015, thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính thức của lao động làm công hưởng lương là 4,61 triệu đồng, của lao động nam là 4,83 triệu đồng, lao động nữ là 4,3 triệu đồng (bằng 89% so với lao động nam). Trong đó thu nhập bình quân tháng của lao động thành thị là 5,38 triệu đồng, của lao động nông thôn là 4 triệu đồng (bằng 74,3% của lao động thành thị).

“Xét theo nghề, thu nhập bình quân tháng của nhóm “quản lý” cao nhất (7,77 triệu đồng). Tiếp theo là nhóm “chuyên môn bậc cao” (6.590.000 triệu đồng), thấp nhất là nhóm lao động giản đơn (3,16 triệu đồng chỉ bằng 40,7 % nhóm quản lý). Xét về hình thức sở hữu, tỉ lệ lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục có thu nhập bình quân cao nhất (6,16 triệu đồng), khu vực hợp tác xã có mức thu nhập thấp nhất (2,98 triệu đồng, chỉ bằng 48,8% doanh nghiệp nhà nước).” – Báo cáo của Bộ LĐTB&XH cho hay.

Bên cạnh đó, so với Quý II-2015, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong Quý 3-2015 tăng bình quân 147.000 đồng (4,3%), với mức tăng cao hơn ở các nhóm lao động có mức tiền lương thấp. Trong đó, nhóm nghề lao động có kỹ thuật trong nông nghiệp tăng cao nhất (tăng 186.000 đồng), tiếp đến là chuyên môn kỹ thuật bậc trung (tăng 182.000 đồng), thấp nhất là nhóm chuyên môn kỹ thuật bậc cao (tăng 79.000 đồng).

“Nhóm nữ và lao động nông thôn có tỉ trọng tăng lương nhanh hơn do dòng di chuyển lao động nông thôn tăng thêm và khoảng cách giới của nam nữ thu hẹp lại. Điều này cho thấy tín hiệu tốt của thị trường lao động. Quý I-2016 dự báo sẽ có tốc độ tăng cao hơn do lương tối thiểu tăng thêm từ ngày 1/1/2016 và ảnh hưởng của Tết Nguyên Đán” – bà Hương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cử nhân, thạc sĩ vẫn đứng đầu bảng về thất nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO