Cử tri xứ Catalan bỏ phiếu đòi độc lập

Linh Chi 01/10/2017 17:51

Bất chấp sự phản đối từ chính quyền Tây Ban Nha, người dân xứ Catalan trong ngày 1/10 đã đổ ra các tuyến phố lớn ở nhiều thị trấn và thành phố khắp khu vực đông bắc này để đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý độc lập vốn bị cấm đoán.

Người dân bê hòm phiếu đến một điểm bầu cử ở Barcelona hôm 1/10 (Nguồn: Getty).

Bỏ phiếu bị ngăn chặn

Cảnh tượng hàng nghìn người dân, cả già lẫn trẻ, xuất hiện trên các tuyến phố để chờ bỏ phiếu đã cho thấy sự quyết tâm của người dân xứ Catalan dù bị chính quyền Madrid liên tục “nhắc nhở”. Madrid coi cuộc trưng cầu dân ý này là vi hiến và đã chỉ thị cho lực lượng cảnh sát phong tỏa các điểm bỏ phiếu để ngăn chặn sự kiện này.

Giới chức Tây Ban Nha từng liên tiếp cảnh báo rằng các trường học cùng nhiều điểm bỏ phiếu khác cần phải được dẹp quang vào lúc 6h00 sáng, tức 3 giờ trước khi quá trình bỏ phiếu diễn ra, trong khi cử tri bỏ ra vài giờ trước khi đi bỏ phiếu để theo dõi thông tin xem liệu binh sỹ có được triển khai hay không.

Nhiều cử tri xứ Catalan thậm chí còn ngủ qua đêm từ hôm trước tại các điểm bỏ phiếu để chắc rằng chúng sẽ mở cửa vào sáng hôm Chủ nhật.

Đến thời điểm 6h sáng ngày 1/10 (giờ địa phương), lực lượng cảnh sát không có hành động ngăn chặn nào. Ở một số nơi, cảnh sát thuộc lực lượng Catalan, còn gọi là Mossos, đã quan sát các cử tri đi bỏ phiếu nhưng không hề có ý định can thiệp.

Tuy nhiên, đến thời điểm muộn hơn, lực lượng cảnh sát chống bạo động Tây Ban Nha đã triển khai đến Catalan và bắt đầu đi thu các thùng phiếu cũng như giấy tờ bầu cử tại các điểm bỏ phiếu ở Catalan. Cảnh sát còn đập vỡ cửa kính và dùng kìm phá khóa để xông vào một điểm bỏ phiếu nơi lãnh đạo Catalan, ông Carles Puigdemont, dự kiến bỏ phiếu.

Tuy nhiên, không phải bất cứ điểm bỏ phiếu nào ở Catalan cũng bị lực lượng cảnh sát can thiệp.

Ở một số khu vực nông thôn, người dân còn sử dụng cả đầu máy kéo để chặn đường tiếp cận của lực lượng cảnh sát. Ở một số nơi khác, người dân chỉ đơn giản là gỡ bỏ cánh cửa của các điểm bỏ phiếu để đảm bảo rằng cảnh sát không thể đóng cửa chúng được.

Trước đó, chính quyền Madrid đã triển khai hàng nghìn sỹ quan cảnh sát từ nhiều khu vực khác của Tây Ban Nha, những người đóng quân trên các con thuyền ở ngoài bờ biển Barcelona cùng nhiều khu vực cảng lớn khác, tuy nhiên lực lượng này phần lớn không can thiệp vào tiến trình bầu cử của cử tri.

Chật vật tổ chức trưng cầu

Hiện nay, người dân xứ Catalan đi bỏ phiếu mà không nhận được sự ủng hộ của chính quyền Madrid cũng như từ phía Liên minh châu Âu hay một nước lớn nào của cộng đồng quốc tế. Họ cũng đi bỏ phiếu trong tình trạng thiếu thốn.

Cử tri xứ Catalan phải sử dụng các lá phiếu được in tại các xưởng tư nhân, sau khi hàng triệu phiếu bầu bị lực lượng cảnh sát thu giữ hồi tháng trước. Một số công dân nước ngoài cũng di chuyển đến Catalan để đóng vai trò quan sát viên, nói rằng họ muốn đảm bảo rằng lực lượng cảnh sát không sử dụng vũ lực đối với người đi bỏ phiếu.

"Mọi người trên thế giới đều có quyền được quyết định hiện tại và tương lai của mình, họ có quyền được bỏ phiếu" - Andrea Favaro, một luật sư đến từ Venice (Italy), cho hay, thêm rằng ông đã theo dõi sát sao tình hình ở Catalan lúc còn ở trong nước.

Chính quyền Catalan, một khu vực tự trị nằm ở phía đông bắc Tây Ban Nha, hồi tháng trước đã thông qua nhiều bộ luật để cho phép mở cuộc trưng cầu dân ý, và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã cảnh báo rằng Tây Ban Nha sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để ngăn chặn nó.

Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy có ít hơn một nửa trong tổng số 7,5 triệu người dân Catalonia ủng hộ việc khu vực này độc lập khỏi Tây Ban Nha, nhưng các đảng ly khai đã giành được nhóm đa số trong Nghị viện khu vực này trong năm 2015 và tầm ảnh hưởng của họ ngày càng gia tăng.

Nhiều người cho rằng, Catalonia sẽ phải đối mặt với một tương lai bất định khi tách khỏi Tây Ban Nha, vốn là thị trường tiêu thụ phần lớn các sản phẩm của khu vực này, và sẽ không thể được EU công nhận.

Nhiều người khác cho rằng việc thúc đẩy độc lập ở Catalonia đã gây chia ra tình trạng chia rẽ sâu sắc trong khu vực vốn có nền kinh tế cực kỳ năng động thu hút nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài Tây Ban Nha này.

Olga Noheda, một bác sỹ ở Centelles, nói rằng một trong số các bệnh nhân của bà, một người đàn ông lớn tuổi, đã khóc trong phòng khám vì cô cháu gái của ông không thích người Tây Ban Nha.

"Ông ấy rất buồn bởi không hiểu tại sao mọi chuyện lại ra nông nỗi này" - bà Noheda nói - "Ông ấy từ Seville chuyển tới Catalonia từ rất lâu, và ông ấy không biết liệu cô cháu gái nọ có biết ông ấy là một người Tây Ban Nha hay không".

Bầu không khí lễ hội

Trong những ngày trước khi cuộc trưng cầu được tổ chức, các Hiệu trưởng trường học ở Catalonia đã nhận được bức thư đe dọa sẽ bị cáo buộc tội danh và đối mặt với án tù 15 năm nếu như để cho ngôi trường của họ được sử dụng làm điểm bầu cử.

Nhiều quan chức cấp thành phố cũng bị cảnh báo rằng họ sẽ đối mặt với nhiều tội danh vì sử dụng nguồn công quỹ sai mục đích. Ở một thành phố, chủ biên một tờ báo cũng bị cảnh báo sẽ đối mặt với án tù sau khi cho in ấn danh sách các trường học được lựa chọn làm điểm bỏ phiếu.

Cách đây khoảng 10 ngày, lực lượng cảnh sát Tây Ban Nha cũng bắt giữ hàng chục quan chức thuộc chính quyền tự trị Catalan, trong đó có Tổng thư ký phụ trách vấn đề kinh tế.

Hồi tháng 3 năm nay, cựu lãnh đạo của Catalonia đã chịu khoản phạt tiền 36.500 Euro (gần 39.000 USD) và bị cấm giữ một vị trí công chức, vì đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tương tự bất chấp một chỉ thị cấm đoán của tòa án đưa ra năm 2014.

Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu hôm Chủ nhật vừa qua đã khiến cho Thủ tướng Tây Ban Nha lâm vào thế khó, khi ông buộc phải lựa chọn giữa việc bắt giữ những đám đông người đi bỏ phiếu - hành động có khả năng sẽ lập tức khiến toàn thế giới chú ý - hoặc cho phép tiến trình bỏ phiếu được diễn ra.

Một trong những điểm dễ tổn thương của chính phủ Tây Ban Nha chính là lực lượng cảnh sát chính ở Catalonia lại là một cơ quan tự trị của khu vực này có tên Mossos d'Esquadra, và lãnh đạo của cơ quan này đã đánh tín hiệu từ trước rằng họ sẽ không sử dụng vũ lực với cử tri.

Vào sáng hôm Chủ nhật vừa qua, tại một địa điểm ở Barcelona, một quan chức của lực lượng Mossos cho hay, ông đã ra chỉ thị rằng cảnh sát chỉ được phép can thiệp vào tiến trình bầu cử nếu xảy ra tình trạng bạo lực.

"Nếu giới lãnh đạo lực lượng cảnh sát thực sự muốn đuổi 500 người dân đi bỏ phiếu khỏi khu vực này, cứ để họ tự đến mà làm" - vị quan chức giấy tên của Mossos nói - "Chúc họ may mắn".

Trong suốt khoảng thời gian cuối tuần qua, các địa điểm bỏ phiếu ở Catalan đều chứng kiến bầu không khí như trong lễ hội. Nhiều người dân phục vụ món ăn ngay tại nơi này, trong khi nhiều người còn mở các lớp học Yoga và đánh trống ngay trên đường phố.

"Ngày hôm nay tôi cực kỳ vui mừng, hạnh phúc, các bạn sẽ không tin nổi đâu" - Carme Calderer Torres-Casana, 66 tuổi, người từ Minneapolis đến Catalan để chứng kiến cuộc trưng cầu, cho hay - "Mọi người đều quên đi những ngày quan trọng trong cuộc sống của họ, và đối với tôi hôm nay chính là một ngày như vậy".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cử tri xứ Catalan bỏ phiếu đòi độc lập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO