‘Của để dành’ cho tương lai

Hà Anh 03/04/2021 07:37

Ngày 1/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, hơn 25 nhà lãnh đạo thế giới từ nhóm G20, G7 và nhiều nước khác, ủng hộ hình thành một hiệp ước quốc tế, giúp thế giới đối phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế trong tương lai như đại dịch Covid-19.

Người dân đăng ký thông tin tại một điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Lyon, Pháp. Ảnh: AFP.

1. Phát biểu tại buổi họp, ông Tedros cho biết, các nhà lãnh đạo thế giới thừa nhận chưa chuẩn bị tốt để đối phó với đại dịch Covid-19 lần này, cũng như các đợt bùng phát dịch trong tương lai. Hiệp ước sẽ là cam kết chung giúp thế giới an toàn trước nguy cơ dịch bệnh.

Mục tiêu chính của hiệp ước này là tăng cường khả năng ứng phó của thế giới với các đại dịch trong tương lai thông qua hệ thống cảnh báo tốt hơn, chia sẻ dữ liệu, hoạt động nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine, thuốc điều trị, phương pháp chuẩn đoán và trang thiết bị bảo hộ cá nhân. Hiệp ước cũng nêu rõ rằng, sức khỏe của con người, các loài động vật và Trái Đất đều có liên quan với nhau, đòi hỏi trách nhiệm chung, sự minh bạch và hợp tác toàn cầu.

Tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh, Đại dịch Covid-19 là thách thức lớn nhất đối với cộng đồng toàn cầu kể từ đầu năm 1940. Không có một chính phủ hay thể chế đơn lẻ nào có thể giải quyết được các đại dịch cũng như vấn đề khẩn cấp lớn trong tương lai. Do đó trách nhiệm của các nhà lãnh đạo thế giới và các thể chế quốc tế cần phải rút kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 lần này, đảm bảo thế giới an toàn hơn trước các nguy cơ dịch bệnh trong tương lai.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc WHO hôm 1/4 cũng cho biết, chương trình chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo (gọi tắt là COVAX) đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng vì thiếu nguồn cung vaccine.

Chương trình COVAX tới nay đã phân phối 35 triệu liều vaccine cho hơn 78 nước. Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu trong vòng 100 ngày đầu năm nay, tất cả các quốc gia trên thế giới đều có thể triển khai tiêm chủng cho nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao nhất về Covid-19, Tổng Giám đốc WHO đã kêu gọi các nước giàu quyên góp 10 triệu liều vaccine cho chương trình COVAX đồng thời lưu ý: “Đồng hồ đang điểm và chỉ còn 9 ngày là đến cột mốc 100 ngày. Nếu COVAX có thêm 10 triệu liều vaccine sẽ giúp khỏa lấp sự thiếu hụt vaccine ở 20 nước đã khởi động chương trình tiêm chủng nhưng chưa đủ số lượng vaccine để tiêm cho nhân viên y tế và người già trước trước cột mốc 100 ngày mà tôi đã kêu gọi. Tôi cũng yêu cầu các hãng dược đảm bảo bàn giao vaccine để các nước có thể nhanh chóng quyên góp cho các nước nghèo. Vấn đề này đã được thông báo nhưng chúng tôi chưa nhận được cam kết từ các nước”.

2. WHO cũng đã lên tiếng chỉ trích EU về tiến độ triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 là “chậm đến mức không thể chấp nhận” và khiến đại dịch Covid-19 kéo dài trong bối cảnh số ca mắc ở khu vực đang gia tăng đáng lo ngại.

Trong một tuyên bố, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho rằng, vaccine là giải pháp tốt nhất để thoát khỏi đại dịch Covid-19, song việc triển khai tiêm chủng ở châu Âu đang còn chậm và điều này là “không thể chấp nhận”.

Ông Kluge kêu gọi châu Âu tăng tốc độ tiêm chủng bằng cách tăng sản lượng vaccine, dỡ bỏ các rào cản đối với việc quản lý vaccine và sử dụng tất cả số vaccine hiện có. Theo WHO, cho đến nay, chỉ 10% dân số châu Âu đã tiêm một mũi vaccine và 4% hoàn thành đầy đủ liều tiêm.

Trong khi đó, tính đến ngày 1/4, hơn 152 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người dân các nước châu Âu là thành viên của WHO (chiếm 12% dân số thế giới), tức 25,5% số liều vaccine được tiêm trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, một bước tiến mới trong các nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, ngày 1/4, phần lớn các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) nhất trí chia sẻ một phần vaccine ngừa Covid-19 sắp được bàn giao với 5 nước thành viên có nhu cầu lớn nhất.

Sau nhiều ngày đàm phán, các Đại sứ EU đã nhất trí phân bổ lại 10 triệu liều vaccine của Hãng Pfizer/BioNTech trong quý 2. Theo đó, không nhất thiết phải phân bổ theo quy mô dân số, mà các nước đang là điểm nóng về dịch sẽ được ưu tiên nhận nhiều vaccine hơn.

Theo quyết định của các đại sứ EU, trong số 10 triệu liều vaccine, 2,85 triệu liều được gọi là “vaccine đoàn kết” sẽ được chia sẻ cho 5 nước đang cần nhất gồm Bulgaria, Estonia, Croatia, Latvia, và Slovakia.

EU hy vọng các hãng dược sẽ đẩy nhanh việc bàn giao vaccine trong quý 2 để đủ tiêm phòng cho ít nhất 70% số người trưởng thành trước tháng 7/2021.

3. Trong khi đó, một diễn biến liên quan đến vaccine ngừa Covid-19 tại Anh cũng gây lo ngại cho nhiều nước. Cơ quan Quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe Anh (MHRA) hôm 1/4 cho biết, họ đã thống kê được 22 người bị huyết khối tĩnh mạch não, một bệnh lý đông máu não cực hiếm gặp, và 8 trường hợp bị đông máu khác liên quan tiểu cầu trong tổng số 18,1 triệu mũi vaccine AstraZeneca đã được tiêm. Không có báo cáo nào về hiện tượng đông máu sau khi tiêm vaccine của BioNTech và Pfizer.

Số liệu trên cao hơn nhiều lần so với thông báo của MHRA hôm 18/3, khi cơ quan này tuyên bố ghi nhận 5 trường hợp bị đông máu hiếm gặp trong số 11 triệu mũi đã được tiêm, tương đương tỷ lệ chưa đến 1/1.000.000 người đã được tiêm phòng ở Anh.

Vaccine Covid-19 do Hãng AstraZeneca hợp tác phát triển với Đại học Oxford, Anh, đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp hoặc lưu hành trên thị trường tại hơn 50 quốc gia, bao gồm cả Anh và Liên minh châu Âu (EU).

Sau khi hơn một chục quốc gia châu Âu tháng trước ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca do lo ngại về an toàn, Cơ quan Dược phẩm châu Âu mở cuộc điều tra và xác định vaccine AstraZeneca “hiệu quả, an toàn”, không liên quan nguy cơ gây đông máu.

Nhiều quốc gia châu Âu đã nối lại việc tiêm AstraZeneca bởi cho rằng lợi ích của vaccine này đem lại lớn hơn rất nhiều so với những rủi ro nó có thể gây ra cho người tiêm. Tuy nhiên một số nước khuyến cáo không tiêm cho người dưới 60 hoặc 55 tuổi, gồm Đức và Canada.

Tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở Đông Nam Á khi Malaysia phát hiện nhiều ca mắc liên quan biến thể mới ở Nam Phi, trong khi Indonesia tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Trong thông báo ngày 1/4, quan chức hàng đầu Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah công bố 9 ca mắc biến thể mới từ Nam Phi trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng ghi nhận trong 3 tháng đầu năm 2021. Hiện chưa xác định được nguồn lây của hai ca này. Tuy nhiên, dường như 9 ca mắc biến thể mới có cùng nguồn lây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Của để dành’ cho tương lai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO