Cúc Phương - Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam

Hoàng Trang 01/11/2018 09:00

Vườn quốc gia Cúc Phương nằm trên địa phận của 3 tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, có đường giáp ranh với 15 xã với chủ yếu là bà con dân tộc Mường sinh sống lâu đời. Vườn quốc gia Cúc Phương giàu tính đa dạng sinh học, với 19 quần xã thực vật, trên 2.230 loài thực vật bậc cao và rêu được phân bố trong 231 họ, 917 chi…

Cúc Phương - Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam

Hàng trăm loài bướm tạo nên bức tranh thiên nhiên sống động.

1. Được thành lập từ năm 1962, Vườn quốc gia Cúc Phương đã trở thành Vườn quốc gia đầu tiên trên đất nước Việt Nam. Vườn có diện tích 22.000ha, trong đó 3/4 là núi đá vôi cao từ 300 đến 600m so với mặt biển. Tại đây có đỉnh Mây Bạc cao 648,2m. Khí hậu ở Cúc Phương thuộc loại khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm khoảng 24,7ºC . Địa hình phức tạp, rừng ở dạng nguyên sinh chứa nhiều bí ẩn, và cảnh quan độc đáo. Tại đây có rất nhiều hang động với cảnh quan kỳ thú và ẩn chứa những chứng tích văn hoá lịch sử lâu đời như động Trăng Khuyết, động Chúa, động Thuỷ Tiên, động Người Xưa, hang Con Moong, động San Hô...

Vườn quốc gia Cúc Phương có một quần thể hệ động, thực vật phong phú, đa dạng và hết sức độc đáo. Một số loài khỉ, đười ươi lần đầu tiên thế giới tìm lại được ở vườn Cúc Phương. Theo con số thống kê, động vật hoang dã ở Cúc Phương có 135 loài thú, 336 loài chim, 76 loài bò sát, 66 loài cá… Nhiều loài thú quý hiếm như báo gấm, beo lửa, sơn dương, cầy vằn bác, tê tê… Trong đó, sóc bay lông tai là loài được Sách đỏ Việt Nam ghi nhận nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. Tuy nhiên, “biểu tượng” của Vườn quốc gia Cúc Phương là vọc quần đùi trắng – một loài đặc hữu ở Việt Nam nhưng nay hầu như chỉ còn ở Cúc Phương và khu bảo tồn Vân Long cạnh đó.

Cúc Phương còn là quê hương của hàng trăm loài bướm đẹp và lạ. Cuối tháng 4 đến tháng 5, từng đàn bướm tại Vườn quốc gia Cúc Phương bừng tỉnh giấc, bay ra khỏi tán cây rừng để sưởi nắng, tạo nên khung cảnh huyền ảo như trong truyện cổ tích.

Vườn quốc gia Cúc Phương cũng là nơi tập trung nhiều loài thực vật quý, trong đó có 229 loài cây ăn được, 433 loài cây làm thuốc. Riêng hoa phong lan có tới 50 loài, có loài cho hoa và hương thơm quanh năm. Điều đáng chú ý là trong số này có tới 37 loài thực vật nằm trong Sách đỏ động thực vật ở Việt Nam. Đó là chưa kể đến các loài thực vật hạ đảng, nhuyễn thể, côn trùng, giáp xác,…chưa được điều tra, giám định. Trong những năm gần đây, với kết quả hoạt động điều tra trên thực địa một số tiểu vùng của Vườn do Phòng Khoa học - Hợp tác quốc tế cùng “Dự án bảo tồn thú linh trưởng của hội động vật Frankfurt” và “Dự án nâng cao nhận thức bảo tồn” của Tổ chức động thực vật thế giới (FFI) đã phát hiện thêm nhiều dạng mới khác nữa…

Cúc Phương - Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam - 1

Đường vào Cúc Phương.

2. Là rừng mưa nhiệt đới xanh quanh năm, thảm thực vật ở Cúc Phương có tới 5 tầng, trong đó 3 tầng cây gỗ ở phía trên, một tầng cây bụi thấp và tầng cỏ quyết mọc sát đất.

Nhưng nhắc tới Vườn quốc gia Cúc Phương, có lẽ không thể bỏ qua những “điểm đến” đầy thú vị, đó là cây chò chỉ, cây sấu, cây đăng hàng ngàn năm tuổi. Du khách còn có thể “thám hiểm” động Người Xưa, hang Con Moong, động Phò Mã Giáng,… Hồi đầu năm 2000, Vườn quốc gia Cúc Phương đã phát hiện một hóa thạch của một loài động vật biển sống cách nay từ 200 đến 230 triệu năm.

Cùng với việc phát triển du lịch, tại Vườn quốc gia Cúc Phương có nhiều tổ chức chăm sóc, bảo tồn, cứu hộ các loài động vật hoang dã. Trong đó có Trung tâm Bảo tồn rùa hoạt động hiệu quả. Trung tâm này được thành lập bởi tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI). Đây là nơi cứu hộ các loài rùa cạn và rùa nước ngọt bị buôn bán trái phép. Trung tâm Bảo tồn rùa (TCC) đã được xây dựng như một dự án bảo tồn và được chuyển giao cho Vườn quốc gia Cúc Phương vào cuối năm 2001. Hiện tại, TCC là trung tâm bảo tồn quan trọng trong khu vực, nổi bật với các nỗ lực bảo tồn các loài rùa cạn và rùa nước ngọt cũng như các hoạt động truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng về các mối hiểm họa đối với sự tồn tại của các loài rùa tại Việt Nam. Nằm trên diện tích 7.000m2, Trung tâm bao gồm các khu chuồng nuôi, bể nước, các khu chuồng nuôi riêng biệt phục vụ phục vụ cho công tác nhân nuôi bảo tồn hơn 600 cá thể rùa thuộc 19 trong tổng số 25 loài rùa bản địa của Việt Nam. Hầu hết các cá thể đang được chăm sóc tại TCC được các cơ quan chức năng chuyển giao từ các vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép hoặc được ấp nở thành công tại trung tâm. Bên cạnh cứu hộ, chăm sóc và thả về tự nhiên các thể rùa được thu giữ từ các vụ buôn bán bất hợp pháp, Trung tâm còn mở cửa đón tiếp du khách qua đó góp phần giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng. Mục tiêu trọng tâm của TCC hiện nay là nâng tầm ảnh hưởng của mình trong các hoạt động bảo tồn rùa tại Việt Nam.

Với hệ động, thực vật phong phú và độc đáo, Vườn quốc gia Cúc Phương thực sự là “bảo tàng sinh vật khổng lồ” - một di sản văn hóa của Việt Nam, hàng năm thu hút chục vạn khách thăm quan (cá biệt có ngày lên tới 3.500 người).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cúc Phương - Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO