Củi tươi cũng phải cháy

Nam Việt 02/08/2017 07:50

Thông báo kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với những tập thể, cá nhân sai phạm; Nhiều vụ việc được nêu ra tại phiên họp 12 Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng; Trịnh Xuân Thanh đầu thú... Tất cả diễn ra trong ngày cuối cùng của tháng 7, ngày 31, đã làm nóng dư luận, cho thấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng, thoái hóa, tha hóa biến chất là hết sức quyết liệt.

Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì nó đã thành phong trào, thành xu thế: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 31/7. Ảnh: Thu Huyền.

Đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về PCNT nhấn mạnh, đấu tranh PCTN đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội.

“Tôi cảm thấy kinh nghiệm đầu tiên là 6 tháng đầu năm nay tiếp tục đà của năm 2016 sau Đại hội. Đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản, phân công cơ quan nào làm, kết quả thế nào, bao giờ xong. Đây là kinh nghiệm rất quý”- Tổng Bí thư nhận xét và nhấn mạnh tạo ra được xu thế, được phong trào là vấn đề cơ bản.

Tổng Bí thư cho biết, những khi tiếp xúc cử tri ông thường nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, không ai đứng ngoài cuộc. Và cũng không thể đứng ngoài được.

Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được. Cuộc đấu tranh PCTN được Đảng ta xác định là cuộc đấu tranh cam go, đòi hỏi sự quyết liệt, bền bỉ lâu dài và phải tiến hành thường xuyên. Chính vì thế, qua từng giai đoạn, từng vụ việc cần rút kinh nghiệm để làm tiếp.

Theo Tổng Bí thư, một kinh nghiệm quý báu trong cuộc đấu tranh này là rõ đến đâu làm đến đấy, làm từng việc, hết việc này dẫn sang việc khác, làm việc trước tạo tiền đề cho việc sau, đừng cùng một lúc ham quá nhiều việc để bày ra nhiều quá không làm được.

Tổng Bí thư lưu ý, đấu tranh PCTN, tiêu cực phải theo nguyên tắc cơ quan tư pháp là người quyết định cuối cùng. Vụ việc giao cho cơ quan chức năng xử lý nhưng quá thời hạn vẫn chưa xong thì không chờ nữa.

Ông cũng nhắc rằng phải có quy định, biện pháp để không thể xảy ra tình trạng chuẩn bị đưa ra tòa lại cáo ốm nhằm trì hoãn; hoặc là trốn ra nước ngoài. Có nghĩa là, căn cứ từ thực tế cần sớm có quy định để “bịt lỗ hổng” trong quá trình đấu tranh PCTN, tiêu cực.

Đấu tranh PCTN, đấu tranh với những tiêu cực trong nội bộ là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, tới thời điểm này, dựa vào những kết quả đã đạt được cho thấy cuộc đấu tranh đó đã tiến những bước dài. Hàng loạt vụ việc, hàng loạt cá nhân sai phạm đã bị đưa ra ánh sáng. Trong cuộc đấu tranh ấy, công khai thông tin, minh bạch thông tin là hết sức quan trọng.

Điều đó sẽ tạo niềm tin, tạo cảm hứng cho toàn xã hội rằng sự chân chính, lẽ phải sẽ chiến thắng, những thế lực tiêu cực dù mạnh đến đâu rồi cũng sẽ bị trừng trị.

Đã có lúc xã hội ngã lòng, vơi hụt niềm tin vào cuộc đấu tranh ấy, từ đó xuất hiện những câu nói kiểu như “đấu tranh thì tránh đâu”. Nhưng nay, tình thế đã khác.

Khi Tổng Bí thư, cả hệ thống chính trị đồng lòng vào cuộc thì toàn xã hội sẽ mạnh mẽ đứng lên, sát cánh chung tay trong cuộc đấu tranh ấy cho dù biết rằng chiến thắng không bao giờ là dễ dàng.

Cũng tại phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN, thông tin tại đây cho biết, những tháng còn lại trong năm, các cơ quan chức năng hoàn thành xét xử sơ thẩm 2/6 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo theo kế hoạch; kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 10/12 vụ án, xử lý 4 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; 4 vụ án, 1 vụ việc thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc, nhất là các vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh.

Đồng thời yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á; giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm; giai đoạn II vụ án Vũ Quốc Hảo; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc tại Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ, Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol Dung Quất; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm tại 20 địa phương.

Như vậy, công việc phía trước rất bộn bề và cuộc đấu tranh PCTN đã đến hồi thực sự quyết liệt, khẩn trương. Điều đó nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội.

Với việc Trịnh Xuân Thanh đầu thú (ngày 31/7) cho thấy quyết tâm của cơ quan chức năng không để lọt tội phạm, cho dù trước đó tình hình diễn biến phức tạp khi đối tượng đã trốn ra nước ngoài. Rồi đây những gì Trịnh Xuân Thanh khai báo sẽ là cơ sở quan trọng để cuộc đấu tranh tiến lên một bước mới quan trọng.

Với trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa- Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương bị cảnh cáo đảng và bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm các chức vụ đang nắm giữ cũng cho thấy sự quyết tâm xử lý đến cùng đối với sai phạm.

Khuất tất trong quá trình cổ phần hóa, việc sở hữu cá nhân khối tài sản khổng lồ hàng trăm tỷ đồng của bà Thoa cuối cùng cũng phải đối diện với kỷ luật của Đảng, đối diện với kỉ cương phép nước.

Còn trong trường hợp sai phạm tại Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ giai đoạn 2011-2016 lại cho thấy tiêu cực ở một hướng khác, đặc biệt là sự vi phạm về công tác cán bộ; lợi dụng quyền lực bắt tay nhau để cố tình làm trái hòng trục lợi cá nhân “gây hậu quả rất nghiệm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, của Ban Chỉ đạo (Tây Nam Bộ), gây dư luận bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật đảng”- Thông cáo của Ủy ban Kiểm tra tại kỳ họp thứ 16 (ngày 31/7).

Khi cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực đã được Đảng và cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách mạnh mẽ, càng thấy rằng vai trò của nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh là rất quan trọng.

Trong đó, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là rất lớn. Hơn ai hết, cán bộ Mặt trận là người gần dân, hiểu dân, nghe được nhiều ý kiến phản ánh, tâm tư nguyện vọng từ nhân dân.

Như một lẽ tự nhiên Mặt trận đã trở thành kênh giám sát quan trọng trọng cuộc đấu tranh PCTN, cuộc đấu tranh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Khi tiếng nói và đề xuất của Mặt trận được lắng nghe cũng chính là ý kiến người dân được lắng nghe. Mà, “sức dân như nước”, khi người dân sát cánh cùng Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh PCTN thì dù cho có cam go đến mấy nhất định sẽ thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Củi tươi cũng phải cháy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO