Cùng Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch

Hà Trọng Nghĩa 16/06/2021 08:00

Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư này, đến thời điểm ngày 14/6, số ca mắc mới tính theo ngày tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xếp thứ hai cả nước với 82 ca, sau Bắc Giang (ngày 14/6 phát hiện 121 ca Covid-19 mới).

Với thành phố lớn nhất cả nước với hơn 13 triệu dân, là đầu tàu kinh tế, thì đây là vấn đề lớn cần phải có những biện pháp xử lý quyết liệt nhằm sớm trở lại trạng thái hoạt động bình thường. Cũng trong ngày 14/6, Bộ Y tế đã thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ TP HCM dập dịch.

Kể từ giữa tháng 5, TP HCM đã phát hiện ca mắc mới Covid-19. Thành phố lập tức truy vết, khoanh vùng, tiến hành xét nghiệm, tìm F0 và F1,F2,F3 liên quan. Tuy nhiên, diễn biến tình hình đã xấu hơn nhiều khi phát hiện chùm ca lây nhiễm từ nhóm truyền giáo Phục Hưng, với con số người liên quan lớn và lan ra trên diện rộng. Nhiều khu công nghiệp đông công nhân làm việc bị SARS-CoV-2 đe dọa. Thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, riêng với phường Thạnh Lộc (quận 12) và quận Gò Vấp thực hiện theo Chỉ thị 16 với mức độ cao hơn.

Tiếp tục giãn cách xã hội để dập dịch

Trong khi việc truy vết, xét nghiệm, phong tỏa, cách ly đang triển khai trên diện rộng thì đến ngày 11/6 lại phát hiện ca nhiễm mới trong Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP HCM, bệnh viện đầu ngành điều trị Covid-19 tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Con số ca nhiễm mới tại bệnh viện này tăng lên nhanh chóng, cho đến ngày 14/6 là 55 ca. Số người liên quan tới chùm ca bệnh tại bệnh viện này khoảng 2.000 người cần phải được xét nghiệm.

Nhận định của cơ quan y tế, việc bùng phát đợt dịch mới và các ổ dịch trong cộng đồng lần này tại TP HCM là phức tạp, bởi nhiều nguồn lây nhiễm, nhiều F0 khó phát hiện, số người liên quan đến F0,F1 nhiều.

Chính vì vậy, với quyết tâm rất cao ngăn chặn dịch, sớm dập dịch, cũng trong ngày 14/6 TP HCM đã có nhiều quyết định khẩn trương, mạnh mẽ. Đáng chú ý, UBND thành phố đã ban hành văn bản khẩn về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ; thời gian áp dụng 14 ngày, kể từ 0 giờ ngày 15/6. Quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) áp dụng giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15. Phải thêm 14 ngày giãn cách là do tại TP HCM biến chủng Delta (tên gọi của biến chủng virus xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ) có tốc độ lây nhanh khiến nhiều chùm ca bệnh mới xuất hiện. Để khoanh vùng, dập dịch và hạn chế nguồn lây của các chùm ca bệnh mới phát sinh, cần tiếp tục giãn cách xã hội.

Trước đó, TP HCM cũng đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, từ 0 giờ ngày 31/5. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, toàn thành phố sẽ thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15+, tức là thực hiện đầy đủ Chỉ thị 15 và nâng cao một số biện pháp như không tụ tập quá 5 người nơi công cộng; tăng cường thêm một số biện pháp phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm việc giãn cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp. Người dân (nhất là người trên 60 tuổi) chỉ ra khỏi nhà khi có việc thật sự cần thiết; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh, trừ trường hợp thật sự cấp bách. Doanh nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu vẫn được hoạt động nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn và các quy định phòng chống dịch bệnh khi hoạt động. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày cũng từ 0 giờ ngày 31/5. Việc giãn cách thực hiện theo nguyên tắc gia đình cách ly gia đình, khu dân phố cách ly khu dân phố, phường cách ly phường.

Về nguồn nhân lực y tế, ông Phong đề nghị huy động thêm sinh viên của Trường Đại học Y Dược và Y khoa Phạm Ngọc Thạch hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm. Nâng công suất lấy mẫu lên 50.000 mẫu đơn một ngày. Tất cả hơn 280.000 lao động và 3.000 chuyên gia tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao sẽ được lấy mẫu xét nghiệm. Công nhân khi ra khỏi khu vực phải báo cáo với người quản lý nhân sự và phải khai báo y tế khi trở lại.

Trong lần giãn cách đầu tiên này, TP HCM kích hoạt Tổ an toàn Covid-19, những địa điểm có tình hình dịch phức tạp thì lập Tổ ứng phó khẩn cấp.

Những tưởng tình hình sẽ lắng xuống nhưng đợt dịch này quả là phức tạp, khó lường. Vẫn tiếp tục xuất hiện những chùm ca bệnh mới, tình thế ấy bắt buộc UBND thành phố phải tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.

Ngày 12/6, trước tình hình có thêm nhiều nhân viên y tế mắc Covid-19 với nguồn lây từ bên ngoài vào bệnh viện, Sở Y tế TP HCM có văn bản hỏa tốc gửi các bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn. Theo đó, nhằm hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện và nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài vào bệnh viện, Sở Y tế yêu cầu viên chức, người lao động tại các bệnh viện phải nâng cao trách nhiệm và tinh thần tự giác phòng chống dịch bệnh. Tuyệt đối tuân thủ các biện pháp 5K theo đúng quy định của Bộ Y tế, bắt buộc luôn đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc tại bệnh viện.

Sở Y tế cũng yêu cầu sau giờ làm việc ở bệnh viện, nhân viên y tế chỉ nghỉ ngơi và làm việc tại nhà, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh. Không tụ tập bạn bè hoặc người thân (không ở cùng trong gia đình) sinh hoạt, ăn uống. Không đi đến những nơi đông người nếu không thực sự cần thiết... Cũng trong ngày 12/6, Sở Y tế cũng đã quyết định tạm phong tỏa Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP HCM do phát hiện 3 nhân viên làm việc tại bệnh viện mắc Covid-19, để phục vụ công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực tới nhiều mặt cuộc sống, trong đó có việc thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết, tất cả các hoạt động giáo dục cũng như các kỳ thi của thành phố đã tạm hoãn. Riêng với kỳ thi vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021, trước đó Sở Giáo dục và Đào tạo dự kiến kỳ thi vào lớp 10 sẽ tổ chức vào ngày 12/6 nhưng đã tạm hoãn. Sở tham mưu cho thành phố tổ chức kỳ thi vào lớp 10 trong các ngày 21, 22/6. Nhưng nay, tiếp tục giãn cách, Sở đề xuất kỳ thi vào lớp 10 tổ chức vào ngày 25/6 để không trùng với thời gian của kỳ thi trung học phổ thông.

Tuy nhiên, với đề xuất này, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố tiếp tục giãn cách trong 2 tuần tiếp theo, tức là đến hết 31/6 mới hết giãn cách, nên việc Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị dự kiến ngày 25/6 thi tuyển sinh vào lớp 10 là rất khó khả thi.

Như vậy mới thấy, cuộc chiến chống dịch ở thành phố đông dân nhất nước khó đến thế nào.

Khoảng thời gian quyết định

Những ngày này, các biện pháp chống dịch được TP HCM triển khai quyết liệt, linh hoạt phù hợp với thực tế tình hình. Đến thời điểm này, theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng, giải pháp thực hiện cách ly trường hợp F1 tại nhà là khả thi. Việc này giúp tâm lý của người bị cách ly nhẹ nhàng hơn do được ở chung với người thân. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng đỡ phải chuẩn bị cơ sở vật chất để cách ly khi số lượng người F1 tăng lên. Tuy nhiên, ông Hưng cho biết, theo quy định của Bộ Y tế nếu nhà ở không đủ điều kiện cách ly thì phải cách ly tập trung.

Với việc tiếp tục giãn cách xã hội thêm 2 tuần, theo ông Hưng, chu kỳ lây nhiễm của dịch Covid-19 phổ biến hiện nay là 14 ngày, đây là thời gian người nhiễm virus xuất hiện triệu chứng và có thể lây nhiễm cho người khác. Do đó, người dân cần tuân thủ nghiêm theo Thông điệp 5K, đeo khẩu trang mọi lúc và hạn chế tối đa việc tiếp xúc không cần thiết để hỗ trợ ngành y tế dập dịch triệt để.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, kết quả chống dịch trên địa bàn thành phố trong hai tuần tới phụ thuộc vào mức độ mầm bệnh trong cộng đồng trước khi giãn cách và việc giãn cách xã hội có được tuân thủ tốt hay không. Khả năng mầm bệnh âm thầm lây lan trong cộng đồng là rất cao, khó xác định được có bao nhiêu trường hợp mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng. Tuy nhiên, những trường hợp không có triệu chứng sau 14 ngày thì ít có khả năng lây cho người khác. “Do đó, hai tuần tới là thời gian cần thiết để thành phố đánh giá lại tình hình dịch bệnh và áp dụng biện pháp phù hợp với thực tế” - bác sĩ Dũng nói.

Để giảm thiểu khó khăn do Covid-19 gây ra, Sở Du lịch TP HCM đã có văn bản đề xuất UBND thành phổ một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, trong đó có giải pháp hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp (không cần tài sản thế chấp) với lãi suất 0% để doanh nghiệp trả lương nhân viên.

Theo Sở Du lịch TP HCM, thành phố hiện có 5.002 doanh nghiệp du lịch đang hoạt động với khoảng 31.500 lao động. Như vậy, nếu mức hỗ trợ là 50% lương tối thiểu vùng trong 3 tháng, ngân sách thành phố sẽ chi gần 209 tỷ đồng.

Trong những ngày khó khăn này, lãnh đạo TP HCM cũng như người dân thành phố khẩn trương nhưng bình tĩnh đối diện để vượt qua thách thức. Mới đây, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố cho biết, dù đang căng mình chống dịch Covid-19 nhưng TP HCM vẫn hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các tỉnh đang vào vụ thu hoạch. Theo đó, dù đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 nhưng TP HCM không "ngăn sông cấm chợ". Theo ông Phương, TP HCM đang duy trì, vận hành ổn định chuỗi cung ứng liên kết hàng hóa với các tỉnh bạn. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để kinh tế TP HCM được lưu thông, không bị đứt gãy do tác động của dịch bệnh.

Những ngày này cả nước hướng về TP HCM cũng như đã từng hướng về những điểm nóng dịch bệnh khác trước đó. Cùng với cả nước, TP HCM sẽ vượt qua khó khăn, thử thách. Đó là điều chắc chắn.

Thành lập bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ TP HCM chống dịch Covid-19

Ngày 13/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã quyết định thành lập bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch Covid-19 (lần 2) tại TP HCM. Trưởng bộ phận là ông Nguyễn Trường Sơn, thứ trưởng Bộ Y tế. Nhiệm vụ chung của bộ phận này là hỗ trợ các hoạt động chuyên môn kỹ thuật trong việc giám sát, đáp ứng chống dịch, điều trị bệnh nhân, xét nghiệm, tổ chức cách ly, công tác truyền thông trên địa bàn TP HCM và các địa phương lân cận có liên quan. Bộ phận này cũng kiểm tra, hỗ trợ địa phương trong việc tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và các chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cùng Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO