Cuộc chiến chống Covid-19: 51 ngày Việt Nam không có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng

Miên Thảo (tổng hợp) 07/06/2020 08:00

Trong hai ngày 5 và 6/6, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam ở Thụy Điển, Phần Lan và các nước châu Âu khác cùng hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại đã đưa hơn 300 công dân Việt Nam về nước an toàn từ hai sân bay ở Stockholm và Helsinki.

Cuộc chiến chống Covid-19: 51 ngày Việt Nam không có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng

Điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng. Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Chỉ còn 22 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế

Hành khách trên chuyến bay chủ yếu là học sinh, sinh viên đã hoàn thành khóa học, gặp khó khăn về chỗ ở, trẻ em dưới 18 tuổi (trong đó có trẻ sơ sinh), phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh nền, người đi du lịch, thăm thân, người lao động hết hạn thị thực và hợp đồng lao động bị kẹt lại từ các nước Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Ba Lan, Hungary, Bồ Đào Nha, Latvia, Séc, Bulgaria...

Chuyến bay được đảm bảo chặt chẽ về an ninh, an toàn, các quy định về phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh dịch tễ. Sau khi hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài, những người tham gia chuyến bay đều được kiểm tra y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, căn cứ diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, nguyện vọng về nước của công dân và năng lực cách ly tại các địa phương, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các hãng hàng không trong nước sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước.

Tính đến ngày 6/6, Việt Nam thêm một ngày không có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng (51 ngày); ghi nhận thêm 1 ca mắc mới Covid-19 là du học sinh từ Anh về, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, nâng tổng số mắc của Việt Nam lên 329 ca. Trong đó 307 ca đã được công bố khỏi bệnh. 22 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, trong đó có 13 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 lần trở lên. Cụ thể, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong số các ca mắc Covid-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 10 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 3 ca.

Tính tới ngày 6/6, cả nước có tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 9.088 trường hợp, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 72; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.150; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.866 trường hợp.

Còn với ca bệnh 329 (BN329), ca bệnh Covid-19 mới nhất, là nam, 22 tuổi, du học sinh tại Anh, có địa chỉ tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Trước đó, ngày 4/6, bệnh nhân từ Anh về Sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh trên chuyến bay VN50, được cách ly tập trung ngay tại Trường Thiếu sinh quân, Khu C, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, bệnh nhân đã được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

Sức khỏe của phi công người Anh (bệnh nhân 91) đang khá lên

Tính tới thời điểm này, với những gì Việt Nam đã đạt được trong cuộc chiến chống Covid-19, thế giới vẫn tiếp tục dành những sự ca ngợi. Đặc biệt, với BN91, phi công người Anh được cho là kỳ diệu, là một kỳ tích trong y khoa. Tới nay, tập thể thầy thuốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM đã cứu chữa cho BN91 hơn 2 tháng, với không biết bao nhiêu lần tưởng đã bó tay. Nhất là khi tình trạng phổi của bệnh nhân chỉ còn hoạt động không tới 10%. Các cuộc hội chẩn đều cho rằng rất có thể phải dùng tới biện pháp cuối cùng là ghép phổi mới cho bệnh nhân.

Trước đó, kể từ ngày 25/3, bệnh nhân phải chuyển sang thở oxy qua mặt nạ. Đến ngày 5/4 phải thở máy xâm lấn và từ 6/4 phải can thiệp ECMO (tim, phổi nhân tạo) ngay tại phòng cách ly áp lực âm...

Đến nay, khả năng phục hồi của bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 91 được 50%.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, tới nay BN91 đã có nhiều tiến triển khả quan về sức khỏe, đã tỉnh, phản xạ ho mạnh hơn, sức cơ chi trên 3/5, chi dưới 1/5, cơ hoành phải hoạt động mạnh hơn; chức năng thận đã dần hồi phục và đặc biệt đã ngưng sử dụng ECMO. Tuy nhiên, ông Sơn cho biết, mặc dù đã có tiến triển khả quan nhưng tình trạng của bệnh nhân thứ 91 vẫn còn nặng, nguy cơ và diễn biến khó lường nên bệnh nhân cần được chăm sóc, theo dõi sát các chỉ số và tình trạng nhiễm trùng nặng, kháng thuốc. Bệnh nhân này cũng còn cần nhiều tuần để cai máy thở và phục hồi chức năng vận động và các chức năng khác.

Trong những ngày tới, BN91 sẽ tiếp tục được sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng của vi khuẩn Burkholderia Cepacia và phòng ngừa những nguy cơ có thể nhiễm khuẩn mới. Song song đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục được tập vật lý trị liệu tích cực để sớm phục hồi cải thiện về sức cơ cũng như chức năng hô hấp; dinh dưỡng cũng phải đảm bảo để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục.

Việc hơn 50 người Việt Nam tình nguyện hiến phổi cho bệnh nhân người Anh cũng nhận được sự ca ngợi của truyền thông quốc tế. Hãng Reuters chạy dòng tít: “Việt Nam cho biết bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhất đang trên đường hồi phục”.

Theo Reuters, BN91 đang bắt đầu hồi phục và có thể không cần ghép phổi. Viên phi công người Anh đang được điều trị tại TP HCM thậm chí đã có thể mỉm cười, bắt tay và phản ứng theo yêu cầu của các nhân viên y tế và giảm bớt dần sự phụ thuộc vào máy thở. Tổng lãnh sự Anh cũng đánh giá cao Việt Nam nỗ lực điều trị cho bệnh nhân thứ 91

Theo tờ The Star của Malaysia thì việc Việt Nam chặn đứng dịch Covid-19 phải được coi là “điều phi thường”, là một kỳ tích. Tờ Toronto Sun của Canada thì cho rằng Việt Nam có dân số gần 100 triệu người nhưng cho đến thời điểm này, vẫn chưa có trường hợp tử vong nào vì Covid-19, chính là nhờ phản ứng quyết liệt và chủ động ngay khi mới phát hiện mầm mống của dịch bệnh. Ngay khi công bố ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 23/1, Việt Nam đã chủ động tiến hành đo thân nhiệt cho các hành khách đến từ tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc). Việt Nam cũng chỉ mới mở cửa trở lại vào cuối tháng 4 sau 3 tuần đóng cửa.

Hãng tin CNN dẫn lời bác sĩ Guy Thwaites- Giám đốc đơn vị Nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford ở TP HCM, khẳng định: “Hành động ứng phó của Chính phủ Việt Nam từ cuối thàng 1 và đầu tháng 2 đã đi trước rất nhiều quốc gia khác. Điều này là rất hữu ích cho Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh”.

Đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn phức tạp

Tính đến 6h ngày 6/6, theo trang thống kê Worldometers, thế giới ghi nhận thêm 131.851 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) so với trước đó 1 ngày. Đây là con số kỷ lục được ghi nhận từ khi dịch bùng phát. Cho đến thời điểm ngày 6/6/2020, toàn cầu có tổng cộng 6.824.545 người mắc Covid-19, trong đó có 397.351 ca tử vong và 3.312.588 người bình phục và 53.499 bệnh nhân đang trong tình trạng nặng, nguy kịch.

Đáng chú ý, tại tâm dịch lớn nhất thế giới, Mỹ chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ qua bất ngờ tăng lên hơn 29.000 ca sau hơn nửa tháng chỉ ghi nhận số người mắc bệnh mới trong ngày (5/6) ở mức dưới 25.000 người. Như vậy, tại thời điểm đó, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ là 1.953.122 người, trong đó có 111.374 ca tử vong.

Tiếp sau Mỹ, Brazil vẫn là vùng dịch lớn thứ 2 thế giới, với số ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 5/6 bám đuổi sát nút Mỹ: ghi nhận 27.896 người nhiễm bệnh, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 643.766, trong đó có 34.973 ca tử vong. Như vậy, Brazil chính thức vượt Italy trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ 3 thế giới sau Mỹ và Anh.

Trong khi đó, vùng dịch lớn thứ 3 thế giới là nước Nga, ghi nhận 449.834 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 5.528 người tử vong. Nga cũng ghi nhận 212.680 bệnh nhân đã bình phục, tuy nhiên còn 2.300 người đang trong tình trạng nặng, nguy kịch.

Tính đến sáng 6/6, đã có 3.329.865 ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 3.111.938 ca bệnh đang điều trị thì có 3.058.416 ca ở thể nhẹ (chiếm 98%) và 53.522 ca còn lại (chiếm 2%) trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan tới 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Cụ thể, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại châu Âu là 2.062.121 trường hợp, trong đó có 177.959 ca tử vong và 1.055.808 ca được điều trị khỏi. Còn tại Bắc Mỹ, có 2.223.859 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2; 133.275 trường hợp tử vong. Khu vực Nam Mỹ, 1.072.250 trường hợp nhiễm, với 47.451 ca tử vong. Tại châu Á số ca nhiễm là 1.292.123, với 33.675 ca tử vong và 784.189 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 474.259 ca bệnh đang điều trị thì có 14.574 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Còn với châu Phi là 179.309 trường hợp nhiễm, trong đó có 4.942 ca tử vong và 80.322 ca bình phục. Trong tổng số 94.045 ca đang điều trị thì có 443 ca trong tình trạng nguy kịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chiến chống Covid-19: 51 ngày Việt Nam không có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO