Cuộc chiến chống quay lén

Linh Chi 09/09/2018 09:40

Vào một đêm nọ, cảnh sát gõ cửa phòng của Choi và chỉ cho cô một đoạn video khiến cuộc sống của cô hoàn toàn đảo lộn. Đoạn video có cảnh một người phụ nữ không mảnh vải che thân đang đi lại trong căn hộ của mình trên tầng 22 của một tòa chung cư ở trung tâm thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Và đó chính là Choi.

Cuộc chiến chống quay lén

Phụ nữ Hàn Quốc mang mặt nạ phản đối nạn quay lén ngày càng có dấu hiệu gia tăng.

Cuộc sống đảo lộn

Đoạn video trên được một kẻ nào đó đứng từ tầng nóc của tòa nhà bên cạnh quay lại nhờ chiếu ống kính tele qua cửa sổ của phòng cô để ghi hình. Choi bị sốc khi xem đoạn băng đó. Cô nghĩ rằng không có căn hộ chung cư nào nhìn thẳng vào căn hộ của mình và hoàn toàn không biết rằng mình đã bị quay lén. Đêm đó, Choi không thể chợp mắt, do vẫn bị ám ảnh rằng ai đó đang theo dõi mình.

“Giờ tôi còn sợ hãi khi ở trong căn hộ của mình bởi đó là nơi nó xảy ra” - Choi nói - “Tôi đã bị quay phim ngay trong nhà mình, thế nên tôi không muốn ở đó nữa. Nhưng tôi cũng sợ hãi khi rời khỏi căn hộ, thậm chí ngay cả trong ban ngày”.

Kể từ năm 2011, số trường hợp quay lén bất hợp pháp ở Hàn Quốc đã nhảy vọt từ 1.300 lên tới hơn 6.000 trong năm 2017. Phụ nữ bị quay lén ngay trong nhà của họ, những bức ảnh chụp lén đầy nhạy cảm được lấy ngay trên đường phố, camera ẩn cũng lén lút ghi lại hình ảnh trong phòng vệ sinh hay nhà tắm công cộng, phòng thay đồ. Những bức ảnh, đoạn video đồi trụy này sau đó được tung lên Internet, được đăng tải lên các website Streaming hay chia sẻ trên những diễn đàn khiêu dâm.

Trong suốt 4 tháng vừa qua, hàng chục nghìn phụ nữ Hàn Quốc đã tham gia vào các cuộc biểu tình ở trung tâm thủ đô Seoul với biểu ngữ “Cuộc sống của tôi không phải phim khiêu dâm”. Mang mặt nạ và yêu cầu chính phủ có biện pháp bảo vệ họ cũng như khởi tố những kẻ quay lén, những người tham gia biểu tình đã thể hiện một sự phẫn nộ chưa từng thấy.

Bắt đầu từ hôm đầu tuần này, một đội nữ kiểm tra viên đặc biệt đã bắt đầu công tác kiểm tra 20.000 phòng vệ sinh công cộng ở Seoul, ngoài ra còn có kế hoạch kiểm tra thêm hàng nghìn phòng vệ sinh tư nhân để phát hiện camera giấu kín. Một số người dân đã đặt biệt danh cho đội này là “Cảnh sát an toàn”.

Dù nhận được sự ủng hộ từ giới truyền thông cũng như chính quyền nhiều địa phương, nhưng các nhà hoạt động và nạn nhân của nạn quay lén cho rằng biện pháp trên là chưa đủ, rằng vấn nạn này vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mực của cảnh sát cũng như giới lập pháp. Họ chỉ ra rằng các chương trình tương tự từng được thực hiện ở Seoul trong năm 2016, nhưng kết quả rất hạn chế và không phát hiện ra được camera quay lén nào.

Ngăn chặn đà lây lan

Ở quận thương mại sầm uất Gangnam, Lee Ji-soo làm công việc của mình trên chiếc máy tính để bàn gần như toàn thời gian trong ngày. Công việc của cô chính là lùng sục trên Internet để phát hiện các bức ảnh và đoạn video quay lén. Đây được xem như một ngành nghề mới trong bối cảnh người dân Hàn Quốc ngày càng nhận thức rõ về nạn quay lén bất hợp pháp, và nghề này có tên gọi nôm na là “Thanh tra số”.

Một khi phát hiện một đoạn nội dung phi pháp - như đoạn video quay lén, ảnh chụp nhạy cảm, hay phim khiêu dâm - Lee và đội ngũ của mình sẽ sử dụng một phần mềm để tìm kiếm mọi bản copy của nội dung đó trên Internet. Sau đó, họ gửi một bức thư, hoặc một thông báo pháp lý nếu cần thiết, tới quản lý của các website đăng tải nội dung trên để đề nghị họ gỡ bỏ xuống.

Trong khi phần lớn các website đều sẵn lòng gỡ bỏ các đoạn video phi pháp, Lee nói rằng khoảng “thời gian vàng” để gỡ bỏ những nội dung trên là 10 ngày. Sau khoảng thời gian này, khi mà nội dung phi pháp trên đã lan tràn ra các website khác hoặc các server đặt bên ngoài Hàn Quốc, rất khó để có thể gỡ bỏ chúng hoàn toàn.

Tốc độ phát tán của các đoạn video quay lén là rất cao, khiến cho nhiều người không hề hay biết rằng họ là một nạn nhân trong suốt nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm liền, tính từ thời điểm đoạn video nọ được đăng tải lần đầu.

Cuộc chiến chống quay lén - 1

Đội đặc biệt rà soát camera quay lén trong một phòng vệ sinh công cộng ở thủ đô Seoul. (Nguồn: StraitTimes).

Lee cho hay công ty của cô hiện đang nhận được rất nhiều đề nghị giúp đỡ, khi mà vấn nạn quay lén ngày càng thu hút được sự quan tâm ở Hàn Quốc.

“Câu mà phần lớn khách hàng của chúng tôi thường nói là “Tôi muốn chết” hay “Tôi không thể rời khỏi nhà”. Đặc biệt là các nạn nhân của camera quay lén. Họ cảm thấy rằng họ sẽ bị nhận diện khi đi lại trên phố”- Lee nói.

Hồi đầu năm nay, Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu cung cấp các dịch vụ tương tự cho công ty của Lee. Theo đó, Trung tâm Hỗ trợ Nạn nhân Bạo lực Tình dục Hàn Quốc cũng cấp dịch vụ tư vấn miễn phí và gỡ bỏ nội dung phi pháp. Trong 50 ngày đầu tiên áp dụng, trung tâm này đã hỗ trợ được 500 nạn nhân, gỡ bỏ được 2.200 đoạn video quay lén trên Internet. Ngoài ra, Trung tâm này cũng cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý để nạn nhân kiện những kẻ quay lén.

Một vấn nạn bị coi nhẹ

Trong khi Chính quyền đang ra sức đề ra biện pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn này - trước sự phẫn nộ của những người biểu tình ở Seoul - thì Choi nói rằng điều khiến cô cảm thấy bối rối nhất trong vụ việc của mình chính là khi cô tiếp xúc với bên cảnh sát.

Không giống như phần lớn các vụ quay lén, kẻ theo dõi Choi đã bị bắt quả tang ngay tại trận sau đó, và cảnh sát đã triệu tập kẻ này. Nhưng rồi Choi nhận ra rằng hắn chỉ bị thẩm vấn một lúc và được trả tự do mà không có cáo buộc nào. Nhà riêng của kẻ này cũng không bị khám xét trong suốt 1 tuần liền tính từ lúc vụ việc xảy ra, Choi tin rằng khoảng thời gian đó quá đủ để hắn phi tang mọi chứng cứ.

Cô đổ lỗi cho phía cảnh sát đã quá xem nhẹ vấn đề này, và nói rằng “nếu đây là cách mà luật pháp vận hành, thì luật pháp cần phải được thay đổi”.

Sự ngờ vực của Choi cũng được thể hiện rõ qua các thống kê. Dù luật pháp của nước này quy định rằng những kẻ quay lén hoặc phát tán video quay lén có thể chịu mức án lên tới 5 năm tù giam, nhưng chỉ có khoảng 5% những kẻ quay lén chịu án tù, trong khi số còn lại chỉ bị phạt tiền hoặc hưởng án treo - theo nghiên cứu của Hiệp hội Nữ Luật sư Hàn Quốc.

Tuần trước, nhà lập pháp Kim Young-ho thuộc đảng Dân chủ cầm quyền của Hàn Quốc đã đưa ra đề xuất sửa đổi luật, trong đó sẽ áp dụng những hình phạt hà khắc hơn đối với hành động quay lén hoặc quấy rối tình dục.

“Khi một đoạn video phi pháp được phát tán, nó đã cướp đi của một người và hủy hoại cuộc sống của họ. Dù đó là một tội nghiêm trọng, nhưng luật pháp và các biện pháp trừng phạt lại chưa đủ nghiêm khắc” - ông Kim nói.

Trong khi dự luật này dự kiến sẽ được thông qua ngay trong năm nay, ông Kim cảnh báo rằng luật pháp vẫn cần phải được thắt chặt hơn nữa.

“Nếu nạn nhân quay lén vẫn mặc quần áo, sẽ không có cơ sở pháp lý để trừng phạt. Bởi vậy, để bảo vệ sự riêng tư cá nhân, chúng tôi đề nghị rằng dự luật trên cần phải đề ra biện pháp trừng trị hành động quay phim mà không được sự cho phép của chủ thể, ngay cả khi chủ thể có mặc quần áo”- ông Kim nói thêm.

Tuy nhiên, việc đưa ra các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn không có nghĩa rằng vấn nạn này sẽ được dẹp bỏ. Choi cho rằng điều cần thiết là phải thay đổi nhận thức của xã hội, đặc biệt là của đàn ông - rất nhiều trong số đó vẫn chưa coi quay lén là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng.

Đối với Choi, việc bản thân bị quay lén đã khiến cô thay đổi hoàn toàn quan điểm về đất nước mà cô đang sinh sống.
“Bạn không bao giờ cảm thấy thoải mái nếu như bạn là một người phụ nữ ở đất nước này”- Choi nói - “Đó là điều tôi cảm thấy bây giờ. Chỉ bởi tôi sinh ra là một người phụ nữ, mọi người soi mói tôi. Người ta soi mói cơ thể tôi, ngay cả khi tôi đang ở nơi riêng tư nhất”.

* “Thời gian vàng” để gỡ bỏ những nội dung trên là 10 ngày. Sau khoảng thời gian này, khi mà nội dung phi pháp trên đã lan tràn ra các website khác hoặc các server đặt bên ngoài Hàn Quốc, rất khó để có thể gỡ bỏ chúng hoàn toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chiến chống quay lén

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO