Cuộc chiến vì chính nghĩa

Theo Báo Quân đội nhân dân 07/01/2019 14:49

Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đối với Việt Nam là cuộc chiến tự vệ, cuộc chiến vì sự nghiệp chính nghĩa, là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.

Cuộc chiến vì chính nghĩa

Đoàn công tác Quân tình nguyện Việt Nam đến thăm, cứu trợ đồng bào Campuchia ngay sau khi đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng. Ảnh: QĐND.

Đây là khẳng định của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong tham luận gửi Hội thảo khoa học cấp quốc gia “40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979-7/1/2019)” diễn ra tại tỉnh An Giang cuối tháng 12/2018.

Cách đây 40 năm đã diễn ra một sự kiện trọng đại trong trang sử hào hùng của hai dân tộc Việt Nam và Campuchia: Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979). Với thắng lợi lịch sử này, quân và dân ta đã đánh tan quân xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng man rợ nhất trong lịch sử loài người, bắt đầu công cuộc hồi sinh đất nước. Đến nay, với độ lùi thời gian, những sự kiện lịch sử ngày càng được sáng tỏ, chúng ta một lần nữa có thể tự hào khẳng định rằng: Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đối với Việt Nam là cuộc chiến tự vệ, cuộc chiến vì sự nghiệp chính nghĩa, là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.

Ở Campuchia, ngay sau thắng lợi ngày 17/4/1975, tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary đã lợi dụng thành quả cách mạng, phản bội lại nhân dân Campuchia. Chúng thiết lập cái gọi là “nhà nước Campuchia dân chủ”, thi hành chế độ diệt chủng, tàn sát nhân dân, thanh trừng nội bộ, giết hại hàng triệu người dân vô tội; phá hủy hàng trăm nghìn trường học, bệnh viện, chùa chiền… Chủ trương tàn bạo của Pol Pot đối với những người chống đối là: “Dù phải diệt thêm một triệu người nữa cũng kiên quyết làm, giết nhầm một kẻ vô tội còn hơn để sót một kẻ chống đối; trong gia đình, nếu một người ra rừng theo chống đối thì sẽ bị giết ba đời”(1). Lực lượng yêu nước cách mạng ở Campuchia đứng trước tình thế vô cùng khó khăn, như lời của Thủ tướng Campuchia Hun Sen sau này: “Chúng ta chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng và ngồi chờ cái chết”(2).

Đối với Việt Nam, tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary xuyên tạc lịch sử, kích động hận thù dân tộc, phát động cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam, gây ra những tội ác đẫm máu đối với người dân vô tội; xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; chà đạp lên những giá trị tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Campuchia. Chúng đề ra cái gọi là “đường lối chiến đấu mới”, trong đó xác định: “Chiến tranh giữa ta và Việt Nam là lâu dài, có tính chất gặm nhấm, ta không đánh nó trước thì ta không thắng… Chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn, thì có thể đánh 10, 15 đến 20 năm, thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 60 triệu người Việt Nam”(3). Ngạo mạn và hết sức phản động, theo Báo Le Monde (Pháp) ngày 8/1/1978, Pol Pot tuyên bố trên Đài Phát thanh Phnom Penh: “Trong đời tôi, tôi hy vọng giải phóng Sài Gòn”.

Thực hiện tư tưởng phản động đó, ngay khi miền Nam Việt Nam vừa được giải phóng, tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary đưa quân đánh chiếm các đảo Phú Quốc (3/5/1975), Thổ Chu (10/5/1975) và sau đó liên tiếp xâm phạm nhiều vùng lãnh thổ nước ta dọc biên giới từ Hà Tiên đến Tây Ninh với quy mô ngày càng lớn. Quân Pol Pot đã tiến hành nhiều vụ thảm sát khủng khiếp đối với dân thường Việt Nam, trong đó có thể kể đến vụ thảm sát ở Ba Chúc (An Giang). Ngày nay, Khu di tích nhà mồ Ba Chúc đang còn chứa đựng 1.159 bộ xương cốt người dân vô tội bị quân Pol Pot giết hại, là một bản cáo trạng, một chứng tích về tội ác “trời không dung, đất không tha” của bè lũ diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary.

Những hành động của tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary rõ ràng là xâm lược, phi nghĩa, không gì có thể biện minh được. Mặc dù lúc đó Việt Nam có quyền đánh trả và đủ khả năng tiêu diệt hoàn toàn quân xâm lược để bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, nhưng xuất phát từ tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc, đồng thời tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã kiên trì tìm cách cứu vãn hòa bình, nhiều lần đề nghị đàm phán, thương lượng để giải quyết những bất đồng. Song, với bản chất phản động, ngoan cố, lại được sự tiếp sức của các thế lực phản động nước ngoài, tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary đã cự tuyệt mọi thiện chí của chúng ta, đẩy mạnh xâm lấn biên giới, tàn sát đồng bào, công khai thực hiện chính sách thù địch với Việt Nam. Thực tế đó đã buộc Đảng, Chính phủ Việt Nam phải thực hiện quyền tự vệ chính đáng để đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ nhân dân và chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Với sự giúp đỡ hiệu quả của Việt Nam và sự nỗ lực gây dựng lực lượng cách mạng của cán bộ cốt cán Campuchia, ngày 12/5/1978, lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia, đơn vị tiền thân của Quân đội cách mạng Campuchia, được thành lập. Ngày 2/12/1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia chính thức ra đời. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt phát triển của cách mạng Campuchia.

Ngày 23/12/1978, chính quyền Campuchia Dân chủ huy động 10/19 sư đoàn đang bố trí dọc biên giới mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam Việt Nam. Trước âm mưu và tội ác man rợ của tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary, để bảo vệ chủ quyền đất nước, từ ngày 23/12/1978, Quân đội nhân dân Việt Nam mở cuộc tổng phản công-tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam.

Sau khi thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, đập tan các hành động xâm lược của tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, theo yêu cầu của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và nhân dân Campuchia anh em, Việt Nam đưa Quân tình nguyện sang giúp LLVT cách mạng Campuchia giải phóng dân tộc khỏi họa diệt chủng, khôi phục, xây dựng đất nước.

Sau bao năm phải sống trong cảnh đọa đày đen tối của chế độ diệt chủng nên khi Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Campuchia, nhân dân Campuchia đã đón tiếp bằng sự vui mừng khôn xiết, coi đó là một sự kỳ diệu đưa họ từ cõi chết trở về và gọi bộ đội Việt Nam là “Bộ đội nhà Phật”.

Việc Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia đánh đổ tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary tuyệt đối không phải là “hành động xâm lược” như những lời vu cáo của các thế lực thù địch, mà xuất phát từ tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó lâu đời giữa nhân dân hai nước láng giềng; từ thiện chí và sự đồng cảm của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, từng chịu bao thảm cảnh đau thương của chiến tranh; từ chân lý “giúp bạn là mình tự giúp mình” theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, việc làm đó cũng là thể theo tiếng gọi khẩn thiết của nhân dân Campuchia, của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia kêu gọi cứu nguy một dân tộc đang rơi vào thảm cảnh tột cùng của sự tha hóa, đang đứng trước nguy cơ diệt chủng, cần sự giúp đỡ quốc tế, trong đó có người bạn láng giềng truyền thống Việt Nam. Đây là hành động hết sức cao cả và hoàn toàn chính nghĩa!

Sự hy sinh xương máu, thái độ chí tình, chí nghĩa của Quân tình nguyện Việt Nam được nhân dân Campuchia ca ngợi, tôn vinh. Ngài Chhay Yi Heang, Cố vấn Chính phủ Hoàng gia Campuchia viết: “Chế độ diệt chủng của Pol Pot không phải chỉ là kẻ thù của nhân dân Campuchia mà còn là kẻ thù của nhân loại. Việc nhân dân, Chính phủ và Quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Pol Pot và hồi sinh dân tộc là một sự nghiệp cao cả, sáng ngời chính nghĩa trong thế kỷ 20”(4).


______________
(1) Tình hình chính trị nội bộ và hoạt động nổi dậy của lực lượng chống đối ở Campuchia. Tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông số 82, đơn vị bảo quản 2319.

(2) Dẫn theo phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm “40 năm con đường cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hun Sen”, ngày 21-6-2017.

(3) Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông số 82, đơn vị bảo quản 2395.

(4) Việt Nam trong thế kỷ XX, tập 1, Nxb CTQG-ST, H, 2011, tr.130

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chiến vì chính nghĩa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO