Cuộc chơi của Đỗ Chung

Quốc Định (thực hiện) 09/06/2019 07:00

Tiến sĩ - họa sĩ Đỗ Chung sinh năm 1947 tại làng Bái Trạch, Xuân Giang, Thọ Xuân, Thanh Hóa - một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, lịch sử.

Ngay từ nhỏ, ông đã đam mê vẽ và đến nay dù ở tuổi 72 ông vẫn thủy chung với tình yêu ấy. Dẫu ông quan niệm đời sinh ra là một cuộc chơi và chơi là hết mình, ông và nghệ thuật không toan tính. Song gặp ông, tôi hiểu thêm một điều: Nghệ thuật là sự lao động cống hiến không giới hạn.

Cuộc chơi của Đỗ Chung

Họa sĩ Đỗ Chung.

Đỗ Chung chia sẻ: Hội họa đến với ông từ lúc nào ông cũng không hay. Năm 1976, ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Nhớ về quãng đứt gãy ấy, ông cho rằng đó là thời gian để thêm gắn bó, hiểu hơn niềm đam mê. Ở vào tuổi này, ông khẳng định mình đã đi trọn con đường dù không thiếu gập ghềnh, không thiếu những lúc nản lòng, muốn bỏ cuộc.

Trong cuộc sống đời thường, họa sĩ Đỗ Chung là người nhỏ nhẹ, thâm trầm, thì trong lao động nghệ thuật ông lúc như thiêu thân, lúc như chim cắt, lúc như phượng hoàng trên đại ngàn, lúc như chim bói cá… Từ nơi sâu thẳm trong lòng đất và nuôi khát vọng một ngày mặt trời tỏa sáng chiếu lung linh giữa màn đêm buông đầy sao lấp lánh, ôm không gian huyền diệu và kỳ ảo chan đầy hạnh phúc vào nhân loại.

Theo ông, khám phá, dấn thân là thuộc tính của con người, tôi từng khám phá và không ít lần buồn chán, từng đánh đu vào quá khứ, nhưng rồi cũng phải bứt ra với hiện tại tôi hôm nay là những mảnh nháp của cái hôm qua. Và với hội họa cũng thế, tôi đuổi theo trừu tượng từ lâu, cũng được triển lãm tranh trong và ngoài nước, song cũng thấm thía từng sự thất bại, đặc biệt là thất bại với chính mình. Đi qua đoạn đường dài cả tuổi đời và tuổi nghề, tôi hiểu rằng: Cứ an nhiên sống, có gì hưởng ấy, và không ngừng khám phá các hố đen đang tồn tại theo quy luật tự nhiên trong vũ trụ và chắc một ngày kia, ánh sáng sẽ tỏa ra tràn ngập, phủ lên tất cả, mang lại sắc màu cho luôn loài.

PV: Tôi có hơi chút bất ngờ về quan điểm sống và làm nghề của ông. Nếu được, ông có thể nói rõ hơn về quan điểm nghệ thuật của mình?

Họa sĩ Đỗ Chung: Nếu coi đến với đời sống này và tận hưởng cuộc sống này là cuộc chơi, tôi nghĩ sẽ nhiều điều thú vị. Suy cho cùng chúng ta không được quyền lựa chọn đến với cuộc sống, nhưng chúng ta được quyền quyết định cuộc sống của mình. Mọi người, trong đó có cả bạn, khi xem tranh thường choáng ngợp trước sự đồ sộ, sự khổng lồ, sự vô hạn, nhưng rồi, cái nhỏ nhỏ, cái tưởng tầm thường, cái hữu hạn lại quyết định niềm vui. Tấm toan trắng mách bảo tôi rằng, bầu trời xanh một bình minh mưa, một hoàng hôn đỏ, đó là sự bắt đầu và kết thúc. Quy luật ấy là vô hạn và không giới hạn. Tôi nghĩ mình cứ vẽ và cứ vẽ cũng là lao động không giới hạn. Còn ai đó bảo tôi là thằng điên, thằng ngu, thằng khùng là điều hiển nhiên và cũng là điều bình thường như chính bữa cơm hàng ngày của mình.

Cuộc chơi của Đỗ Chung - 1

Tranh Trừu tượng 2m x 3,5, sáng tác ngày 29/11/2018.

Theo đuổi dòng tranh trừu tượng, hẳn có điều gì đó hấp dẫn ông?

- Không phải là một sự tình cờ, cái đẹp trừu tượng đã xuất hiện cùng với sự xuất hiện của loài người. Đến đầu thế kỷ XX, người ta đã gọi tên các phong cách, trường phái như tượng trưng, ấn tượng, biểu hiện, vị lai, đến lập thể… đó là khao khát của đa số các họa sĩ đương thời đã thoát khỏi sự lệ thuộc vào đối tượng mà đi theo sự phát triển của quy luật vũ trụ, mô tả cái đẹp theo từng giai đoạn phát triển của tự nhiên. Cái đẹp trừu tượng đa hình, đa dạng và đa tình, tồn tại song song cùng sự phát triển của nhân loại… bằng tư duy đa trừu tượng, một tia chớp… để tái tạo và nâng cao mãi cái đẹp tiềm ẩn của loài người.

Đến với hội họa trừu tượng, tôi như được giải thoát khỏi quỹ đạo của các đối tượng có thực trong thế giới tự nhiên, đặt người sáng tạo đứng trước những luật chơi mới, những thử thách mới, cho phép thể hiện được cho tới cùng cái tiềm năng sáng tạo và bản sắc của mình. Chỉ còn lại các yếu tố hội họa thuần túy như màu, nét, khối, hòa sắc cùng không gian, nhịp điệu, kết cấu của các yếu tố thị giác nguyên thủy.

Xem tranh của ông, đặc biệt 36 bức tranh tại triển lãm “Mưa nguồn” này, tôi nghĩ làm thế nào để các cửa hàng tranh ngoài kia với một đội thợ có thể chép tranh của ông?

- Tôi không làm tranh hàng chợ, cũng chẳng phải tranh décor, nên tôi nghĩ chả dại gì họ chép tranh của tôi, vì nó không dễ sinh lời. Lại thêm lối vẽ chẳng giống ai này, liệu họ có muốn chép không?

Thực ra, chép tranh không khó, nhiều người hỏi tôi, làm thế nào để tranh sơn dầu của ông, với một lớp sơn mỏng như thế mà tạo nên những hình khối, chiều sâu và nhiều tầng lớp? Đó tôi gọi là lao động nghệ thuật mang tính thế kỷ, mang dấu ấn thời gian. Tranh tôi vẽ không thể sao chép, không thể phục chế, dù người đó có là họa sĩ bực thầy của nhân loại. Để có được một tác phẩm tranh trừu tượng với kích thước 5m x 2m, tôi phải làm việc như con thoi trong vòng 24 giờ và ở điều kiện thời tiết cho phép. Với điều kiện đó, chả ai dại gì lao vào chép, trong khi ngoài kia, thẩm mỹ của người xem lại thích ứng với màu sắc và những điều dễ hiểu.

Cuộc chơi của Đỗ Chung - 2

Tranh Trừu tượng 2m x 5m, sáng tác ngày 25/11/2018.

Lại nói về sự thích ứng, thời gian qua, có một số họa sĩ Việt Nam giàu lên nhanh chóng nhờ vay mượn hay đánh cắp ý tưởng của họa sĩ Trung Quốc. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng này?

- Tôi không để ý đến người khác, tôi chỉ nghĩ một họa sĩ chân chính thì phải làm việc và làm việc, cống hiến mãi mãi nghệ thuật, cho cái Đẹp mãi mãi tồn tại trong đời sống xã hội. Ở Paris (1996-1997), tôi được những người bạn Pháp mời sang để trưng bày tranh và nghiên cứu mỹ thuật của thế giới. Chừng ấy thời gian, tôi đã nghiên cứu rất kỹ những họa sĩ hàng đầu của thế giới và ngộ rằng: con người chỉ có lao động bằng trái tim, sự say mê đến điên dại thì mới sáng tạo mang lại cái “trác tuyệt” cho đời. Chúng ta dang quá lạm dụng về từ nghệ thuật, đang sử dụng một cách xô bồ về từ này. Và chính vì thế họa sĩ thật tự nhiên biến mất trước những anh thợ họa sĩ. Khán giả đọc tên họa sĩ ở tác phẩm của họ chứ không phải đi tìm tên ở chú thích dán ở góc tranh.

Lao động nghệ thuật - đấy là cuộc chơi bất tận, không có hồi kết và cứ thế, cứ thế tiến về đích không theo quy luật của vũ trụ, nó chỉ mang lại hiệu quả đương thời.

Trân trọng cảm ơn ông!

* Họa sĩ Đỗ Chung đã tham gia một số triển lãm quốc tế. Cùng với niềm đam hội họa, Đỗ Chung còn được biết đến là một nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật dân tộc, với nhiều đóng góp. Ông đã cho ra mắt công trình nghiên cứu nghệ thuật về Trống đồng Thanh Hóa nổi tiếng. Ông cũng cho biết, đã có những cuộc triển lãm tranh cá nhân tại TP Thanh Hóa, TP Hà Nội, TP HCM và được Trung tâm văn hóa Pháp - Việt mời đích danh đưa tranh sang Paris (Cộng hòa Pháp) để triển lãm cá nhân và nghiên cứu mỹ thuật thế giới (1996 – 1997).

* Từ ngày 1 đến 12/6, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM diễn ra triển lãm tranh của Họa sĩ Đỗ Chung. Triển lãm có chủ đề “Mưa nguồn”, trưng bày 38 tác phẩm tranh sơn dầu khổ lớn. Tại triển lãm, ông cho ra mắt loạt tranh sơn dầu với phong cách tối giản, tạo hình hiện đại. Nét vẽ mỏng mảnh, mang chiều sâu về hình ảnh; phóng túng mà vẫn nghiêm ngắn, góc cạnh mà dung chứa sự mãnh liệt của cảm xúc.

“Trong tranh Đỗ Chung không thấy một hình thái thực tế cụ thể bám sát vào sự vật hiện tượng nào trong đời sống, nhưng đó lại chính là hình thái thực tế của tâm hồn nghệ sĩ – thực thể sáng tạo. Hình tượng sáng tác của ông chính là cảm xúc, mong manh, trừu tượng, nhưng cũng hiện diện rất đời, rất thật. Cái trừu tượng và cái cụ thể luôn luôn tồn tại trong từng nét vẽ. Trong tranh Đỗ Chung dường như có thơ!” – Họa sĩ Uyên Huy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM đã nhận định như vậy tại triển lãm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chơi của Đỗ Chung

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO