Cuộc hội ngộ đặc biệt giữa Paris

Hiệu Constant 18/03/2020 09:05

Tháng 2 vừa qua, tại Paris (Pháp) đã diễn ra cuộc hội ngộ đầu tiên và có thể nói là lịch sử của hai nhân vật khá nổi tiếng liên quan đến nạn nhân chất độc hóa học Dionxin - bà Trần Tố Nga và ông Watermelon Slim/nam ca sĩ nhạc bluz nổi tiếng thế giới, người Mỹ. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong khuôn khổ sự kiện 8. H cho các nạn nhân chất độc màu da cam và dioxin, được Ủy ban Ủng hộ Trần Tố Nga tổ chức.

Cuộc hội ngộ đặc biệt giữa Paris

Bà Trần Tố Nga và ông Watermelon Slim tại buổi gặp gỡ.

Cuộc gặp có sự đóng góp của nhiều hội đoàn Việt - Pháp và Pháp - Việt tại Pháp, nhằm gây quỹ ủng hộ các nạn nhân Việt Nam bị ảnh hưởng chất độc màu da cam mà quân đội Mỹ đã thả xuống Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh và ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga – bên nguyên đơn kiện các tập đoàn công nghiệp sản xuất chất hóa học độc hại cung cấp cho quân đội Mỹ thả xuống miền Nam Việt Nam trong suốt cuộc chiến tranh diễn ra ở Việt Nam. Chương trình cũng nhằm thu hút sự chú ý của dư luận và các nhà chức trách trên toàn cầu về việc các tập đoàn sản xuất chất hóa học đó phải bổi thường cho các nạn nhân đã hứng chịu những hậu quả do các chất độc này gây nên.

Bà Trần Tố Nga, kiều bào Pháp và ca sĩ Watermelon Slim, tên khai sinh là William P. Homans III, đều là những nạn nhân trực tiếp của thảm họa Dioxin này. Bà Trần Tố Nga đã tham gia cuộc chiến đấu chống Mỹ, có mặt trên đường mòn Hồ Chí Minh và một số vùng đã bị quân đội Mỹ rải chất độc màu da cam, còn ông Watermelon Slim đã tham chiến trong quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Đã từ hơn mười năm nay, bà Nga không ngừng theo đuổi vụ kiện 26 tập đoàn công nghiệp hóa học Mỹ, còn nam ca sĩ Mỹ cũng liên tục lên tiếng kêu gọi mọi người hãy chia sẻ và ủng hộ các nạn nhân đã bị nhiễm bệnh do ảnh hưởng chất độc hại này. Ông đã từng sang Việt Nam biểu diễn. Và sự kiện 8. H cho các nạn nhân chất độc màu da cam và dioxin này là đặc biệt, được tổ chức vì sự chính nghĩa nên đã hội tụ được hai con người cùng nhau đứng trên bục để lên tiếng đòi các tập đoàn công nghiệp trả quyền lợi và công lý cho tất cả các nạn nhân trên thế giới đã bị nhiễm chất độc hại này.

Khách tham dự ấn tượng với những bức ảnh triển lãm và nhất là bộ phim “Chất độc da cam - một quả bom nổ chậm” đã khiến người xem rất xúc động. Bộ phim và những bức ảnh triển lãm đưa chúng ta đến gặp những cựu chiến binh đã từng tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ. Những câu chuyện xưa và hình ảnh những đứa con tật nguyền của họ khiến cả hội trường lặng đi. Cuộc sống của gần 80 cựu chiến binh và hơn 100 đứa trẻ tàn tật sống trong Làng Hữu Nghị ở Hoài Đức, Hà Nội phần nào chứng tỏ sự quan tâm của cộng đồng đến những con người kém may mắn ấy. Sau khi xem bộ phim, khán giả được dành thời gian để trao đổi hoặc đặt những câu hỏi cho các khách mời. Bà Trần Tố Nga - nạn nhân của chất độc màu da cam và là bên nguyên đã theo đuổi vụ kiện gần duy nhất cho đến thời điểm này và nữ đạo diễn Hồ Thủy Tiên - người đã thực hiện bộ phim tài liệu “Chất độc da cam- một quả bom nổ chậm”, đã trả lời mọi câu hỏi liên quan đến hậu quả và các nạn nhân các độc màu da cam và Dioxin. Cuộc trò chuyện diễn ra khá sôi nổi. Bà Nga cho biết những diễn tiến của vụ kiện và bà chia sẻ mình không hề đơn độc trên con đường này, cụ thể như ngày hôm nay, bà đã rất xúc động trước sự tham gia đông đảo của mọi người: “Một người biết sẽ đi nói chuyện đến 10 người, và biết bao người đang có mặt trong phòng ngày hôm nay sẽ chuyển lời đến hàng ngàn người khác”. Và bà cảm ơn ca sĩ Watermelun Slim đã thực hiện chuyến đi dài từ Mỹ đến để tham gia sự kiện. Còn nam ca sĩ Mỹ thì không ngừng nhắc hai chữ Việt Nam, “Việt Nam đã ở trong tim tôi” và “Tôi tự hào là một trong những cựu binh Mỹ đã lên tiếng ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam và ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga!”.

Làng Hữu Nghị Hà Nội được xây dựng từ năm 1998 với sự đóng góp ít nhiều của những cựu binh Pháp và hiện tại, ông Alain Bonnet là Tổng thư ký quốc gia Pháp tại làng Hữu Nghị này và ông cũng có mặt trong sự kiện. Ông chia sẻ: “Trong ngôi làng này, chúng ta sẽ thấy các cựu binh Việt Nam cùng lúc đã phải chịu hai nỗi đau, họ không chỉ đã phải chịu đựng một cuộc chiến khủng khiếp để dành được tự do cho Việt Nam mà sau đó còn không thể có con cái, do chúng bị chết yểu hoặc còn là nạn nhân của chất độc da cam. Con cái họ đã chết khi được sinh ra hoặc bị nhiễm những căn bệnh khủng khiếp do chất độc da cam hoặc dioxin gây ra”.

Cuộc hội ngộ đặc biệt giữa Paris - 1

Bà Trần Tố Nga.

Bà Nguyễn Thúy Nga, Chủ tịch Hội Nina Nguyễn cùng các bạn trong Hợp ca Quê hương đến góp với chương trình những ca khúc sống mãi với thời gian, đã rất xúc động chia sẻ: “Hôm nay tôi đến đây, đầu tiên là muốn ủng hộ chương trình của bà Trần Tố Nga. Chúng tôi cùng với Hợp ca Quê hương đến tham gia với những ca khúc đi cùng năm tháng, đó là những tiết mục động viên tinh thần mọi người. Những hoạt động của Hội và bộ phim đã khiến tôi vô cùng xúc động, bởi vì rất nhiều nạn nhân ở Việt Nam hiện nay đã được quan tâm ít nhiều nhưng đa phần còn chưa được quan tâm…”

Quả vậy, theo thông tin thì còn nhiều gia đình với chừng gần 4 triệu nạn nhân phải chịu đựng những mất mát, tổn thất về thể chất và tinh thần. Bà Nguyễn Thúy Nga là Chủ tịch hội Nina Pháp Việt, một hội đã được thành lập từ hơn 10 năm nay để giúp đỡ những trẻ em tàn tật nên bà phần nào hiểu được nỗi đau này. “Do đó, - bà Nga nói tiếp, - qua chương trình, chúng tôi muốn đem đến những lời ca, những tình cảm, những tình yêu thương, những giúp đỡ nồng nhiệt nhất để giúp đỡ cho các cháu ở Việt Nam cũng như các cháu bị ảnh hưởng chất độc màu da cam ở trên thế giới này”. Tâm thức của những khách tham gia chương trình đều mong muốn các cháu bị tật nguyền, đặc biệt do ảnh hưởng của chất dioxin phải được sống một cuộc sống yêu thương, tràn đầy ước mơ và được vươn lên cũng như những người bình thường.

Hội Hữu nghị Pháp Việt được thành lập năm 1960, là cơ quan mẹ của Ủy ban Ủng hộ Trần Tố Nga, đã luôn không ngừng phát triển tình đoàn kết hỗ trợ về mặt chính trị cũng như vật chất cho các nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, ông Jean-Pierre Archambault - Tổng thư ký Hội/Ủy ban ủng hộ Trần Tố Nga chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi đang chờ đợi ngày ấn định để biện hộ cho vụ án mà bà Trần Tố Nga đang cố gắng kiện các tập đoàn hóa học đã cung cấp chất độc màu da cam và dioxin cho quân đội Mỹ trong suốt quá trình diễn ra cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Và chúng tôi thấy cần thiết tổ chức một buổi để thể hiện ý kiến”. Ủy ban ủng hộ Trần Tố Nga đã liên tục mở rộng và giới thiệu đến công chúng cuộc chiến đấu mà bà Nga đang tiến hành, để trả lại sự công bằng cho các nạn nhân.

Bà Nguyễn Thúy Hằng, một Việt kiều xúc động nói: “Tôi rất muốn được cùng mọi người góp phần nói nên tiếng nói của mình với các công ty sản xuất ra chất độc đó phải chịu trách nhiệm với những hậu quả mà họ đã gây ra qua chiến tranh đối với đất nước và con người của chúng tôi”.

Chiến tranh đã qua đi gần 50 năm, nhưng những hậu quả và hệ lụy vẫn còn đó và có lẽ sẽ còn tiếp tục nữa, và biết bao con người vẫn phải ngày ngày đối mặt với những khó khăn và nỗi đau cơ thể. May mắn là có rất nhiều người đã không quên họ, vẫn tiếp tục theo cách của mình để trợ giúp và an ủi nhằm phần nào xoa dịu, làm giảm nhẹ nối đau trong những con người kém may mắn ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc hội ngộ đặc biệt giữa Paris

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO