Cuộc sống diệu kỳ

Cẩm Anh 19/06/2020 11:00

Thế là tính đến ngày 8/6, ở Việt Nam đã có 316 trong tổng số 331 bệnh nhân mắc virus Sars-CoV-2 khỏi bệnh. Trong số ấy có 49/50 bệnh nhân quốc tịch nước ngoài đã ra viện, chỉ còn duy nhất bệnh nhân 91. Cũng đã hơn 50 ngày Việt Nam không có ca nhiễm mới trong cuộc đồng.

Mùa hoa học trò.

G. thân mến!

Hôm qua tôi đọc được mấy dòng ngắn gọn trên trang cá nhân của một anh lãnh đạo Bộ Y tế, về điều kỳ diệu đã xảy ra: Bệnh nhân 91 đã có thể ngồi dậy, đung đưa hai chân, viết vào bảng và bấm nút điều chỉnh độ cao của giường.

Chao ôi, quả là kỳ diệu! Là bệnh nhân nặng nhất, tiên liệu xấu nhất trong số những bệnh nhân mắc virus Sars-CoV-2 ở Việt Nam, sự hồi phục của bệnh nhân 91 – một bệnh nhân người Anh, quả là kỳ diệu trong chuỗi những sự kỳ diệu trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam, của ngành y tế Việt Nam. Sự sống bao giờ cũng mạnh mẽ và mãnh liệt, miễn là chúng ta đừng bỏ cuộc.

Thế là tính đến ngày 8/6, ở Việt Nam đã có 316 trong tổng số 331 bệnh nhân mắc virus Sars-CoV-2 khỏi bệnh. Trong số ấy có 49/50 bệnh nhân quốc tịch nước ngoài đã ra viện, chỉ còn duy nhất bệnh nhân 91. Cũng đã hơn 50 ngày Việt Nam không có ca nhiễm mới trong cuộc đồng.

Cả thế giới rồi sẽ bước qua đại dịch nhưng một thảm hoạ khiến cho đến thời điểm này khoảng 7 triệu người mắc bệnh, hơn 400 nghìn người tử vong cùng vô vàn những thiệt hại về kinh tế và đời sống xã hội sẽ trở thành một ký ức ám ảnh nhân loại. Mãi mãi nó sẽ nhắc người ta nhớ đến những khoảnh khắc mà loài người và y học hiện đại cũng dường như bất lực. Mãi mãi Covid-19 cũng nhắc người ta về những giá trị, về tình yêu thương và sự kỳ diệu của cuộc sống.

Ở Việt Nam, sự sống đang hồi sinh không phải chỉ với bệnh nhân 91, mà với cả nền kinh tế và trạng thái xã hội.

G. thân!

Hà Nội đang vào những ngày nắng nóng cao điểm nhất. Một mùa hè phượng bỗng thành phượng buồn. Người ta chặt bỏ những cây phượng – tội đồ của một tai nạn khiến một học sinh tử vong.

Trong khi G. có đồng ý với tôi rằng mỗi thành phố, mỗi vùng đất có những biểu tượng tinh thần còn lớn hơn cả những biểu tượng vật chất. Có những bài hát, những loài cây đã trở thành biểu tượng tồn tại bền bỉ với thời gian, ngự trong tâm thức dân gian. Như là những câu hát “Tháng Tám mùa thu lá khởi vàng chưa nhỉ” của nhạc sĩ vừa qua đời Trần Quang Lộc.

Ông Trần Quang Lộc sáng tác bài hát “Có phải em là mùa thu Hà Nội” (phổ từ thơ Tô Như Châu) khi còn chưa đến Hà Nội. Nhưng chắc chắn những lời ca ấy đã tạc lên một biểu tượng tinh thần trữ tình Hà Nội. Hà Nội mắc nợ với người nhạc sĩ tài hoa một điều gì đó như là một lời tri ân xứng đáng. Giờ thì ông không đợi được nữa rồi.

“Ngày sang thu anh lót lá em nằm/ Bên trời xa sương tóc bay...”. Ca sĩ đầu tiên thu âm là danh ca Thái Thanh. Sau khi lên sóng phát thanh khoảng hai tháng, nhạc phẩm bị thu hồi vì chính quyền Sài Gòn cũ cho rằng ca khúc có xu hướng “thân miền Bắc”. Nhạc phẩm từ đó cũng bị ông cất tủ suốt hơn 20 năm.

Năm 1994, ca sĩ Hồng Nhung thực hiện album “Chợt nghe em hát” bao gồm 10 tình khúc Lã Văn Cường, Trần Quang Lộc, trong đó có “Có phải em mùa thu Hà Nội” . Đĩa nhạc tạo nên hiện tượng với 30.000 bản phát hành trong tuần đầu. Thành công của nhạc phẩm chưa dừng lại ở đó…

Ba năm sau, ca sĩ Thu Phương vào Sài Gòn lập nghiệp. Cô chọn ca khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội” trong một chương trình ở Nhà hát Hòa Bình. Ca khúc đưa Thu Phương từ ca sĩ vô danh thành tên tuổi được so sánh với Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam...

Giờ thì nhạc sĩ tài hoa đã lặng lẽ ra đi, còn lại mãi một mùa thu “Tháng tám mùa thu/ lá khởi vàng chưa nhỉ?” lay động tâm hồn người Hà Nội, nhất là những người Hà Nội ở xa quê.

G. thân!

Có một người mà tôi dành nhiều tình cảm trân quý cũng vừa xa chúng ta – GS.TS Ngô Đức Thịnh. Những năm tháng đầu tiên đi làm báo, tôi đã được ông luôn sẵn lòng tiếp, khi ấy ông còn là Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian. Đó là những tháng năm ông đang say mê với việc đi điền dã sưu tầm Sử thi Tây Nguyên. 76 năm hiện hữu giữa dương gian, GS.TS Ngô Đức Thịnh đã ghi dấu ấn lớn trong nhiều vai trò khác nhau: nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và là một người luôn đau đáu với việc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Trên vai trò là một nhà dân tộc học, tên tuổi của GS.TS Ngô Đức Thịnh được biết đến bởi những công trình có giá trị như: Luật tục Ê Đê; Nghiên cứu văn nghệ dân gian Việt Nam (2 tập); Sắc thái văn hoá địa phương và tộc người trong chiến lược phát triển đất nước; Sử thi Tây Nguyên; Sự phát triển văn hoá xã hội của người Dao - hiện tại và tương lai; Văn hoá nghệ thuật Nam bộ; Văn hoá và lịch sử người Thái ở Việt Nam…

Tuy nhiên, G. ở nước ngoài hẳn rất biết nghi lễ hầu đồng giờ đã được đem ra thực hành ở nhiều nơi trên thế giới. Mà GS.TS Ngô Đức Thịnh được coi là một trong những người đầu tiên đặt nền móng lý luận cho việc nghiên cứu và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt; đồng thời cũng là người sáng lập Trung tâm Bảo tồn Di sản Tín ngưỡng Việt Nam, góp phần để UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ Mẫu. Cuốn sách “Đạo mẫu ở Việt Nam” - một công trình công phu là minh chứng cho sự tâm huyết của ông trong lĩnh vực nghiên cứu này.

Cách đây gần chục năm, Giáo sư đã tặng gần như toàn bộ di sản cuộc đời mình cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Khi ấy ông mong muốn những tài liệu mình để lại sẽ giúp ích được gì đó cho những người nghiên cứu đi sau. Các nhà khoa học của Trung tâm Di sản kể lại rằng những năm gần đây, sức khỏe của ông yếu dần nhưng sức làm việc vẫn không hề suy giảm. Mặc dù phải vào viện mỗi tuần 2 lần nhưng ông vẫn đi điền dã nghiên cứu, vẫn tham gia các hội thảo, viết bài và thể hiện tiếng nói khoa học trên nhiều diễn đàn.

Còn theo nhà ngoại giao, Đại sứ Phạm Sanh Châu, đối với thế giới của những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, ông không chỉ là người Thầy đặt nền móng lý luận và khoa học mà chính là “linh hồn” dẫn dắt Đạo Mẫu Việt Nam vượt qua những thời khắc thăng trầm và khó khăn nhất trong lịch sử tồn tại của mình. Cũng chính ông là người định hình và góp phần mang lại tính “chính danh” cho Đạo Mẫu qua một loạt các công trình nghiên cứu như tác phẩm “Đạo Mẫu ở Việt Nam”.

Theo ngài Đại sứ, hành trình nghiên cứu của ông để trả lại cho Đạo Mẫu vị trí xứng đáng của nó cũng đầy khắc khoải, nghiệt ngã như chính số phận đầy ẩn ức và lòng khao khát thăng hoa của các thanh đồng, chủ thể của Đạo Mẫu.

Ông Châu vào ngày nghe tin GS Ngô Đức Thịnh qua đời, đã viết lời cảm ơn ông – người đã cho ngày Đại sứ của UNESCO hồi ấy “niềm tin và cả sức mạnh tâm linh để tôi có thể miệt mài giới thiệu Tín ngưỡng thờ Mẫu cho bạn bè quốc tế. Không có ông chắc hẳn tôi không thể có được niềm đam mê và nhiệt huyết để cùng cộng sự bước vào một hành trình đầy trắc trở để ghi danh “Cách thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên bản đồ các Di sản Văn hoá Phi vật thể đại diện của nhân loại”.

G. quí mến!

Vậy đấy, ngay cả khi nghĩ về những người nằm xuống, ta cũng vẫn thấy sự sống diệu kỳ. Tín ngưỡng thời Mẫu Tam phủ của người Việt là sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam. Di sản mà GS Ngô Đức Thịnh để lại chắc chắn vẫn được tiếp nối trong thời kỳ mới.

“Có phải em là mùa thu Hà Nội” đã và sẽ chứng tỏ sức sống diệu kỳ của nó. Nhạc sĩ vẫn còn trong tâm thức chúng ta bằng di sản tinh thần nhạc sĩ mà ông để lại, phải không G.

Chào G. nhé!

Hẹn ở thư sau!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc sống diệu kỳ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO