Cuộc sống trong nghĩa trang của người nghèo Philippines

27/06/2017 08:25

Khu nghĩa trang Bắc Manila, mở cửa từ năm 1904, là một trong số những nghĩa trang lớn nhất và lâu đời nhất ở Philippines. Nhưng ngày nay, các khu lăng mộ cùng hàng dài bất tận những ngôi mộ khiêm tốn khác, ước tính lên tới gần 1 triệu, lại là nơi cư trú của vài nghìn người sống.

Một gia đình ăn trưa ngay trên một ngôi mộ ở nghĩa trang phía Bắc Manila. (Nguồn: NYT).

Sự sống giữa những lăng mộ

Là nơi an nghỉ của nhiều vị Tổng thống, các ngôi sao điển ảnh, các nhà văn nổi tiếng… nghĩa trang này hiện nay còn là nơi cư trú của những người dân nghèo nhất ở thủ đô Manila. Rất nhiều người đang sống trong những căn hầm mộ mà những gia đình giàu có xây nên, và họ được các gia đình này trả tiền để chăm sóc mộ hàng ngày.

Những người khác thì tìm được nhiều cách để trang trải cuộc sống.

“Ở đây thực sự không có việc làm, nên tôi tự học cách để làm việc này từ năm 2007” - Ferdinand Zapata, 39 tuổi, nói khi đang chạm khắc tên của một người vừa qua đời trên một phiến đá cẩm thạch.

“Đây là công việc tốt nhất ở nghĩa trang bởi các bạn không có ông chủ nào cả” - ông Zapata, người sinh ra tại nghĩa trang này và hiện đã có 2 con, nói - “Các thợ chuyên xây lăng mộ còn kiếm được nhiều hơn nữa”.

Được biết, ở ngay giữa thủ đô Manila, có khoảng 12 triệu người dân định cư “không chính thức”. Những con người sinh sống tại nghĩa trang này thường mong muốn tránh xa tiếng ồn và sự nguy hiểm của các khu nhà ổ chuột. Thế nhưng tại đây họ vẫn phải sống dưới điều kiện không được đảm bảo an ninh.

Trong các lăng mộ, và trong các kiến trúc mà người dân tự xây dựng trên các ngôi mộ tại đây, nhiều gia đình vẫn sống qua ngày. Họ cùng tụ tập nói chuyện, chơi bài và xem chương trình truyền hình tại các khoảng đất trống.

“Đôi lúc sống ở đây rất khó khăn” - Jane de Asis, 26 tuổi, người sống trong một lăng mộ cùng cậu con trai, 2 người em cùng con của họ, cho hay - “Không phải lúc nào chúng tôi cũng có điện và nước để dùng, đặc biệt khó khăn trong mùa hè”.

Vào buổi đêm, người ta ngủ ngay trên các ngôi mộ. Chỉ nghĩ tới đó thôi có thể là rùng rợn với nhiều người, nhưng lại là điều thực tế với cư dân nơi đây.

Isidro Gonzalez, 74 tuổi, luôn thích trò chuyện với mẹ của ông, và ông làm điều đó hàng ngày trước mộ của bà trong lúc vừa ngồi chơi trò đố chữ. “Biết đâu bà ấy lại giải đố giúp tôi, nhưng từ trước đến nay thì chưa từng”, ông Gonzales nói đùa.

Nguồn điện tại nghĩa trang này được xem là một thứ hết sức xa xỉ, trong khi phần lớn cư dân cũng không có đủ nước sinh hoạt. Tại một số giếng khoan công cộng, người ta phải xếp hàng dài cùng các xe đẩy bên trên chở đầy chai lọ để mang nước về nhà.

Ngay giữa các hoạt động thường nhật đó, thì công việc bình thường của một nghĩa trang vẫn tiếp diễn. Trong những ngày bận rộn nhất, nghĩa trang này phải tiếp nhận tới 80 tang lễ.

Một số cư dân của nghĩa trang, như người tự nhận mình là “Cha xứ” Ramona, 54 tuổi, thường xuyên được các gia đình tới viếng mộ cho tiền để thực hiện các nghi thức cầu nguyện. Ông Ramona đôi lúc còn mặc một chiếc áo phông để thực hiện các nghi lễ trên.

Nghĩa trang này đông đúc đến nỗi các xe tang không thể đến được điểm cần đến, nên những người đưa tang thường phải mang các cỗ áo quan bằng tay trên suốt chặng đường, thậm chí leo qua các ngôi mộ và len giữa các khu lăng mộ. Các ngôi mộ tại đây thường được thuê trong vòng 5 năm. Sau khoảng thời gian này, nếu thân nhân ngừng trả tiền, ban quản lý nghĩa trang sẽ được phép di dời phần mộ.

Người dân tới viếng thường để để lại đồ cúng gồm thức ăn vặt, đồ uống và đôi lúc là thuốc lá trên các ngôi mộ. Các thành viên trong gia đình cũng thường xuyên tới để cầu nguyện, thắp nến hay trò chuyện với người đã khuất.

Khu nghĩa trang đông đúc vẫn thu hút nhiều người tới dựng nhà. (Nguồn: NYT).

Nguy hiểm cần kề

Và ngay tại đây cũng không thể tránh khỏi các tệ nạn xã hội len lỏi vào. Trong một buổi sáng nào đó, cư dân ở đây có thể dễ dàng ngửi thấy mùi hăng hăng của thứ ma túy đá có tên là “Shabu” khét tiếng ở Philippines. Làn khói này đôi khi bắt nguồn từ những người phụ nữ đang mang thai, tay còn đang bế đứa con mới sinh… bên cạnh đó là nhiều cậu bé tuổi mới lớn.

Cư dân ở đây nói rằng việc sử dụng ma túy và tội phạm đã gia tăng trong những năm gần đây. Ông Zapata, người khắc bia mộ, cho hay việc cải tạo lại khu nhà ổ chuột lân cận hồi năm 2000 đã dẫn tới một làn sóng cư dân mới đổ tới đây.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã thực hiện chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy trên khắp cả nước, và đương nhiên chiến dịch ảnh hưởng tới cả khu nghĩa trang này. Hồi tháng 9 năm ngoái, 3 người đàn ông đã bị cảnh sát bắn chết tại nghĩa trang này khi bị bắt gặp đang bán lẻ Shabu.

Bà Virginia Javier, 90 tuổi, cho hay chính vì sự việc trên mà người dân tại đây phải lắp thêm cửa ngay trên các khu lăng mộ mà họ cư trú, và chúng luôn được khép kín.

“Kể từ khi ông Duterte lên làm Tổng thống, cứ mỗi lần có cuộc truy kích của cảnh sát là tôi lại về nhà với các con” - bà Javier cho hay.

Nhưng điều đó cũng không khiến những con người nghèo khổ tìm tới nghĩa trang này để kiếm nơi cư trú. Đâu đó trên nghĩa trang này, người ta vẫn tiếp tục dựng nhà từ các ngôi mộ, dựng tường bao và cả nóc nhà.

Theo quan niệm của người dân Philippines, những người chết vẫn luôn hiện hữu đâu đó quanh đầy, dù theo cách này hay cách khác. “Khi mà bất chợt nghe thấy những giọng nói hoặc tiếng động, tôi thường giữ im lặng, và tôi biết đó là giọng nói của người đã khuất”, bà Javier nói. Chồng bà, ông Felix, nói rằng ma quỷ chỉ là “thứ mà bạn thấy trong phim ảnh”.

Hàng ngày, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại nghĩa trang này vẫn chơi đùa vui vẻ trên các ngôi mộ, mà không mảy may suy nghĩ về ma quỷ.

Đâu đó trong nghĩa trang là những cửa hàng tạp hóa nhỏ mà người dân tự dựng nên để phục vụ nhu cầu thường nhật, bán thức ăn vặt và các nhu yếu phẩm như xà phòng… Họ cũng bán cả nến cho những thân nhân tới thăm mộ. Một số quầy hàng còn có cả máy hát karaoke, một dịch vụ khá ăn khách vào buổi tối ở nghĩa trang này.

Khi cái nóng của ban ngày qua đi, các thanh niên trẻ tuổi thường tụ tập chơi bóng rổ trên các bãi đất trống trong nghĩa trang, hoặc chơi bi-a trên những chiếc bàn tự chế.

Ông Gonzales, 74 tuổi, là người sở hữu một căn hộ nhỏ tại khu ổ chuột ở Manila và không phải một cư dân của nghĩa trang này, nhưng vẫn đến đây hàng đêm chỉ để ngồi trên một ngôi mộ và chơi trò giải ô chữ. Ông nói rằng khu nhà của ông giờ còn nguy hiểm hơn là ở đây. “Ít nhất thì người chết cũng không làm hại bạn”, ông Gonzales nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc sống trong nghĩa trang của người nghèo Philippines

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO