Cuối năm lại lo hàng giả

Minh Phương 23/12/2017 08:00

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái chưa bao giờ “lặng sóng”, tuy nhiên, càng về cuối năm, hàng giả, hàng nhái lại càng bùng phát khi nhu cầu hàng hóa của người tiêu dùng tăng cao. Làm sao ngăn chặn để bảo vệ người tiêu dùng cũng như những doanh nghiệp làm ăn chân chính, đó vẫn là câu hỏi chờ đợi sự trả lời.

Cuối năm lại lo hàng giả

Lực lượng chức năng thu giữ và tiến hành tiêu hủy hàng giả.

Niềm tin của người tiêu dùng bị lợi dụng

Số liệu từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho hay, từ năm 2014 đến tháng 10/2017, gần 45.000 vụ hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ bị phát hiện.

Riêng trong 10 tháng của năm 2017 là 3.863 vụ, trong đó có những vụ gian lận thương mại lớn gây rung động dư luận xã hội như Khaisilk.

Hay sự việc thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng mang tên TS (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam) được phanh phui sau đó cũng cho thấy vấn nạn hàng giả hàng nhái thực sự rất đang báo động.

Gần đây nhất, tháng 11 vừa qua, cơ quan chức năng cũng phát hiện 13.000 lọ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc được đóng hộp tại Hà Đông (Hà Nội), nhưng khi bán ra thị trường đều được gắn mác mỹ phẩm từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp…

Càng về cuối năm vấn nạn hàng giả hàng nhái càng nguy cấp, không chỉ đe dọa đến tài chính mà nguy hiểm hơn, hàng giả hàng nhái còn đe dọa đến sự sức khỏe của người tiêu dùng.

Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh chân chính.

Một vị giám đốc DN lĩnh vực giày dép cho hay, một sản phẩm của DN này vừa ra đời ngay lập tức vài hôm sau đã xuất hiện sản phẩm có tên tương tự với giá rẻ hơn rất nhiều được bán tràn ngập thị trường.

“Những DN làm ăn chân chính hiện nay khó có thể cạnh tranh lại được với những kẻ làm giả, làm nhái sản phẩm, vì giá rẻ hơn nhiều lần. Trong khi người tiêu dùng khó có thể phân biệt thật giả được bằng mắt thường, và bản thân rất nhiều người tiêu dùng thấy rẻ là mua, không quan tâm chất lượng ra sao”- vị giám đốc chia sẻ.

Với các lĩnh vực may mặc, giày dép, hàng giả hàng nhái chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế, còn nếu là lĩnh vực mỹ phẩm, đồ ăn, những hệ lụy của vấn nạn này còn nguy hiểm hơn nhiều. Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều DN hiện nay.

Ở một khía cạnh khác, có những DN lợi dụng chính niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu, uy tín lâu năm của mình để làm ăn gian dối, lừa lọc.

Sự vụ của Khaisilk và TS là điển hình của hiện tượng này. Đây là những tên tuổi, thương hiệu lớn đã nổi danh trên thị trường cả chục năm nay.

Thậm chí có những thương hiệu còn vang xa ra cả nhiều nước trên thế giới. Nhưng, chỉ vì hám lợi mà họ sẵn sàng thực hiện hành vi làm giả chính từ thương hiệu của mình.

Các vụ việc gian lận thương mại như Khaisilk hay TS… liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn vừa qua khiến người tiêu dùng phải đặt câu hỏi về trách nhiệm của cả một hệ thống quản lý bao gồm cả quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, khâu kiểm định chất lượng cho đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Tất cả những người có trách nhiệm liên đới đứng ở đâu để cho người tiêu dùng bị lừa một thời gian dài như vậy, để cho những thương vụ làm ăn của DN lại dễ dàng “lọt lưới” đến vậy?

Cuối năm lại lo hàng giả - 1

Cơ quan công an bắt một vụ mỹ phẩm giả.

Siết lại những khâu lỏng lẻo

Lý giải về tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không có xu hướng giảm đi, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là do cơ chế phối hợp và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm còn nhẹ.

Trên thực tế, nhiều cơ quan, lực lượng chức năng cùng tập trung vào kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng nhái nhưng lại không có hiệu quả.

Lực lượng quản lý, kiểm tra tuy đông nhưng không mạnh, hoạt động rời rạc, thiếu sự đồng bộ về chất lượng cũng như số lượng, chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan lại chồng chéo...đó là lý do khiến cho vấn nạn hàng giả hàng nhái không có xu hướng giảm, ngược lại ngày càng tinh vi hơn, phức tạp hơn.

Đánh giá về thực trạng hàng giả, hàng nhái hiện nay, ông Phạm Ngọc Hùng- phó chủ tịch Hội đồng Quản lý quỹ chống hàng giả Việt Nam cũng nhấn mạnh thực tế này khi cho rằng, luật của chúng ta hiện còn lỏng lẻo ngay từ đầu, bên cạnh đó, sự chồng chéo trong công tác giám sát quản lý... mới khiến cho vấn nạn hàng giả hàng nhái càng ngày càng có nguy cơ biến tướng nặng nề hơn, tinh vi hơn.

“Nhiều lĩnh vực, luật đã lỏng lẻo... đến khâu kiểm định cũng có vấn đề thì chúng ta sẽ khó có thể làm nghiêm được”- ông Hùng nhấn mạnh.

Lâu nay, hoạt động kiểm tra chất lượng hàng ngoại nhập trên thị trường bị xem nhẹ, chỉ sau khi có thông tin liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mới bắt tay vào làm.

Chính vì vậy, hiệu quả không cao và hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn có cơ hội đến tay người tiêu dùng.

Trong tình hình hiện nay, việc hạn chế và loại bỏ được hàng giả, hàng nhái là rất khó khăn, bởi vậy, theo Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh - chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, để triệt tiêu được vấn nạn này nhằm bảo vệ người tiêu dùng và các DN làm ăn chân chính, cần phải có sự vào cuộc chung tay của toàn xã hội, nhất là trách nhiệm của các cơ quan chức năng và ý thức của người tiêu dùng.

Theo đó, cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, bản thân các DN và người dân cũng cần phải mạnh dạn tố giác những hành vi làm giả, làm nhái.

“Nếu chỉ có một lực lượng vào cuộc thì sẽ khó có thể giải quyết được câu chuyện của cả nền kinh tế hiện nay”- Luật sư Thịnh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuối năm lại lo hàng giả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO