Cứu cánh cho nông dân và lao động nghèo

Lê Quốc Khánh 26/08/2015 10:10

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố Cần Thơ được thực hiện đến nay được 5 năm. Năm 2010, huyện Thới Lai tổ chức 2 mô hình thí điểm ban đầu để rút kinh nghiệm là mô hình dạy nghề may công nghiệp và mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai do Trường Trung cấp nghề Thới Lai và Trường Đại học Cần Thơ đào tạo đã giúp lao động nông thôn có cơ hội tự tạo việc làm và tìm được việc làm.

Cứu cánh cho nông dân và lao động nghèo

Lớp dạy nghề may công nghiệp.

Ông Nguyễn Tùng Sanh, Trưởng phòng Lao động thương binh và xã hội huyện Thới Lai cho biết: Đối với mô hình dạy nghề may công nghiệp, có 27 học viên tham gia học, sau khi học xong, 2 cơ sở may là Hợp tác xã Phú Thọ và Công ty may Duy Anh đã thu nhận tất cả 27 học viên và được trả lương từ 1.200.000 đến 1.500.000 đồng/tháng (2010).

Đối với mô hình sản xuất lúa giống, có 23 lao động nông thôn theo học, được cán bộ trường Đại học Cần Thơ chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa giống, sau vụ sản xuất đầu tiên trên ruộng nhà, bình quân mỗi ha thu nhập tăng lên trên 8 triệu đồng nhờ giảm chi phí trong sản xuất, tăng được năng suất, sản lượng, đặc biệt là tăng giá trị gia tăng đối với lúa chất lựong cao.

Trên cơ sở thành công của 2 mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, ngành LĐTBXH thành phố Cần Thơ triển khai nhân rộng thêm 9 mô hình ngành nghề mới gồm 4 mô hình dạy nghề nông nghiệp như: dạy nghề trồng hoa kiểng ở quận Bình Thủy; trồng cây ăn qủa ở huyện Phong Điền; sản xuất lúa giống ở Thới Lai; chăn nuôi thú y ở Thốt Nốt; và 5 ngành nghề phi nông nghiệp như: nề ở Vĩnh Thạnh; kết cườm ở Ô Môn; may gia dụng, may công nghiệp ở Thới Lai, Cái Răng;….

Sau 5 năm thực hiện, đến nay, toàn thành phố đã mở được 687 lớp dạy nghề đào tạo 50 ngành nghề cho hơn 22.000 lao động trong đó hơn 19.239 người là lao động nông thôn. Có 54 mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã giải quyết việc làm trong đó 65% số học viên được dạy nghề đạ tự tạo việc làm và 35% lao động tìm được việc làm tại các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp. Tỉ lệ lao động chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp sau học nghề đạt khoảng 5,54%.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội thành phố Cần Thơ nhận định: Thông qua các lớp học nghề, người lao động được trang bị kiến thức và kỹ năng nghề giúp họ sau khi học nghề tìm được việc làm để có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, còn giúp chuyển dịch cơ cấu lao động, thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Thật vậy, mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn đã tạo được chuyển biến về nhận thức và hành động và tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa các Sở ngành, các đoàn thể với các địa phương, cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc tạo việc làm cho người lao động.

Theo ông Hồ Thanh Hải, quyền trưởng phòng Quản lý đào tạo nghề, Sở LĐTBXH Cần Thơ, do đặc thù của lao động nông thôn, để xây dựng mô hình dạy nghề phù hợp, ngành LĐTBXH và cơ sở dạy nghề tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn đồng thời cũng phải khảo sát, nắm chắc nhu cầu sử dụng nhân lực của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp để mở các lớp đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, ngành lao động còn phải phân nhóm đối tượng đào tạo theo trình độ học vấn để phân nhóm học viên học nghề cho phù hợp.

Cứu cánh cho nông dân và lao động nghèo - 1

Nhiều gia đình có thêm thu nhập nhờ đan bội hoa.

Chúng tôi có dịp về huyện Vĩnh Thạnh nơi thực hiện tốt việc chuyển hướng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo địa chỉ và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Đến nay, huyện đã thu hút được Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đến đầu tư, xây dựng Nhà máy May Vinatex Cần Thơ tổng kinh phí 150 tỷ, trên diện tích 3 ha, tạo ra kim ngạch xuất khẩu dự tính từ 20 – 30 triệu USD/năm. Sau khi hoàn thành Vinatex thu nhận trên 1.500 lao động. Để triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề cung ứng theo đơn đặt hàng, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Trung tâm dạy nghề đã đào tạo được hơn 630 học viên.

Đến thăm mô hình đan bội cần xé, tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền, mô hình này được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn 80 triệu đồng làm vốn lưu động, Trung tâm khuyến công hỗ trợ 2 máy chẻ nan tre để giảm nhẹ sức lao động cho nhân công nhờ đó làng nghề này không những ngày càng phát triển về quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ mà còn góp phần giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động tại địa phương.

Chị Phạm Thị Út, thành viên tổ hợp tác tại ấp Tân Long, cho biết: “Gia đình tôi có 5 người đan bội hoa, sản phẩm tiêu thụ quanh năm nhưng thời điểm từ tháng 8 - 9 âm lịch là lúc bội hoa có giá và hút hàng nhất, đáp ứng nhu cầu trồng hoa Tết. Cứ định kỳ 2 đến 3 ngày có người đến thu gom sản phẩm. Một người đan trên 100 bội/ngày, trừ chi phí và ngày công lao động, còn lợi nhuận hơn 100.000 đồng”.

Trên cơ sở hiệu qủa của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm 2015, ngành LĐTBXH Cần Thơ tiếp tục mở 117 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho khoảng 4.000 lao động nông thôn với kinh phí đầu tư hơn 10,2 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cứu cánh cho nông dân và lao động nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO