Cứu doanh nghiệp cần thực chất

H.Vũ (thực hiện) 12/10/2020 07:45

Bế mạc hội nghị Trung ương 13, Trung ương đã xác định, tăng trưởng kinh tế năm 2020 dự kiến đạt từ 2 đến 3%. Từ nay đến cuối năm còn 3 tháng nữa nên nhiệm vụ đặt ra khá là nặng nề. Vậy giải pháp nào để hoàn thành mục tiêu này? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.

Ông Nguyễn Trí Hiếu.

PV: 9 tháng đầu năm tăng trưởng kinh tế đã đạt trên 2%. Vậy theo ông trong 3 tháng cuối năm, chúng ta cần quan tâm đến những nhóm giải pháp nào để đạt được mục tiêu như Trung ương đã đặt ra?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Việt Nam được đánh giá là 1 trong số 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh đại dịch, khi kinh tế thế giới và nhiều nước lớn dự kiến tăng trưởng âm. Và Việt Nam cũng là một trong số ít các nước có tăng trưởng dương. Muốn vậy, cần giữ mức tăng trưởng tín dụng sao cho phù hợp với mức tăng trưởng từ 2-3%. Nếu GDP tăng trưởng 3% thì tăng trưởng tín dụng vào khoảng 7,5 đến 8%. Để giữ mức này không khó, vì qua 9 tháng đã tăng trưởng 6,81%.

Tăng trưởng tín dụng như vậy là phù hợp nhưng theo tôi tăng trưởng theo con số chỉ là vấn đề định lượng. Vấn đề định tính mới là quan trọng, nghĩa là nếu đạt được tất cả các chỉ số trong khi đó các doanh nghiệp (DN) đóng cửa, tạm ngừng hoạt động, phá sản, và số người lao động thất nghiệp gia tăng thì các chỉ số không đem lại nhiều ý nghĩa. Cho nên, Chính phủ cần quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các DN. Đó là điểm mấu chốt.

Bên cạnh phát triển kinh tế, cần phải lo chống dịch. Kiểm soát dịch bệnh là vấn đề vô cùng quan trọng, không thể lơ là. Bởi hiện dịch Covid-19 trên thế giới ngày càng nghiêm trọng, WHO vừa công bố dự báo số người lây nhiễm trên toàn cầu có thể lên đến 10% dân số thế giới, tương đương 800 triệu người. Việt Nam không thể đóng cửa tất cả biên giới, vẫn phải giao lưu với các nước. Do đó khả năng lây nhiễm có thể xảy ra. Vì vậy nhiệm vụ chống dịch từ nay đến cuối năm vẫn là rất quan trọng. Nếu để dịch bùng phát, khó có thể phát triển được kinh tế.

Nhưng theo ông làm sao để việc hỗ trợ có thể khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN và người dân phát triển sản xuất kinh doanh gắn với đẩy mạnh khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo?

- Chúng ta đã có những gói hỗ trợ DN và người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện các DN vẫn than phiền không tiếp cận được và gặp phải những rào cản khó khăn trong tiếp cận các gói hỗ trợ trên. Cho nên các gói hỗ trợ phải “tăng tốc”, đến cuối năm phải giải ngân hết 100%. Chúng ta cần quan tâm hỗ trợ đến các DN, đặc biệt là người lao động bị mất việc để giữ chân họ, tới giai đoạn sau này còn có lực lượng lao động làm việc để phát triển kinh tế.

Cần có giải pháp tài chính để giúp cho doanh nghiệp trong quá trình số hóa.

Trung ương đã đặt ra vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học-công nghệ. Thời gian qua khi dịch xảy ra thương mại điện tử vẫn phát triển, vậy từ đó cho thấy làm sao để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, khơi nguồn sáng tạo, thưa ông?

- Cách đây 3 ngày, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ có hội nghị lần thứ 2 về cải cách hành chính. Tại đây các ý kiến nhìn nhận vấn đề số hóa nền kinh tế là cần thiết trong xu hướng mới. Song vấn đề chính của nó là chi phí. Một doanh nghiệp muốn số hóa từ quy trình sản xuất, phân phối, kiểm soát khách hàng để quản lý hiệu quả chi phí có thể lên đến hàng trăm nghìn USD. Nếu làm đồng bộ từ sản xuất cho đến phân phối và tài chính thì chi phí có thể lên đến hàng triệu USD, trong khi đó họ lại chưa nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ.

Vì thế tôi đề nghị cần có giải pháp tài chính để giúp cho DN trong quá trình số hóa. Theo đó, chúng ta có thể tổ chức một tổ hợp tín dụng, trong đó yêu cầu các ngân hàng trong nước và nước ngoài đều phải đóng góp một phần vào tổ hợp tín dụng này để cho DN vay với lãi suất thấp.

Tổng dư nợ hiện tại ở nước ta đang vào khoảng 8,5 triệu tỷ đồng. Nếu dùng 3% trên tổng số dư nợ hiện tại sẽ có khoảng 300 ngàn tỷ đồng. Thực tế các ngân hàng đang thừa thanh khoản, trong tổng nguồn huy động họ có cỡ 20% vốn huy động không có kỳ hạn, dòng vốn rẻ, lãi suất bằng 0 hoặc 1%. Cho nên khi nguồn vốn này được đóng góp vào tổ hợp tín dụng thì có thể xem xét cho DN vay. Lúc đó, Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra các chỉ tiêu, điều kiện rõ ràng để các doanh nghiệp có thể vay với trung hạn 3 năm, lãi suất cỡ khoảng 3%. Trong năm đầu được ân hạn, tức là trả lãi, chưa phải trả gốc. Có như vậy DN mới có sức bật, dùng tiền đó để số hóa.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cứu doanh nghiệp cần thực chất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO