Cứu trợ đồng bào vùng lũ: Khẩn trương, trách nhiệm và công bằng

Tuệ Phương (thực hiện) 13/08/2017 09:00

Lũ dữ đi qua, nhiều gia đình chỉ sau một đêm mất trắng nhà cửa, hàng nghìn héc ta ruộng vườn chỉ còn là bãi đất trống tan hoang. Chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết về công tác hỗ trợ bà con sau lũ, ông Lò Mai Kiên - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La khẳng định, mọi công việc đang được thực hiện khẩn trương, trách nhiệm và đảm bảo công bằng nhất.

Ông Lò Mai Kiên.

PV: Hơn một tuần trôi qua kể từ khi trận lũ kinh hoàng xảy ra trên địa bàn tỉnh Sơn La. Vậy, tình hình khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sau mưa lũ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Lò Mai Kiên: Lũ dữ không chỉ cuốn trôi nhà cửa, tài sản mà còn cuốn đi bao sự sống, bao ước mơ... để lại sự tang thương, mất mát trên những đống đổ nát. Trận lũ lịch sử này đã làm cho tỉnh thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Cuộc sống của hàng nghìn hộ dân đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, trắng tay và ngồn ngộn những khó khăn.

Trong đó, huyện Mường La là địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đối với 200 hộ dân bị cuốn trôi nhà cửa, trước mắt huyện Mường La hỗ trợ mỗi khẩu một thùng mì tôm, một thùng nước và 15 kg gạo.

Địa phương cũng đã bố trí chỗ ở tạm, cấp lương thực thực phẩm để bà con sớm ổn định cuộc sống. Về công tác cứu hộ, tỉnh cũng đang tập trung để tìm kiếm những người mất tích. Công tác dọn vệ sinh môi trường, nâng cấp đường xá và sắp xếp lại chỗ ăn, chỗ ở cho bà con cũng đang được triển khai.

Tại những nơi có nguy cơ cao về sạt lở tỉnh cũng đang có những tính toán tiếp để bố trí lại khu tái định cư đồng thời lên phương án tập trung sửa sang, cải tạo lại đường giao thông để bà con đi lại thuận tiện. Với những nhu cầu thiết yếu khác như điện, nước sạch, quần áo, thuốc men…cũng đang được khắc phục từng bước.

Ông có thể nói cụ thể hơn về các mức hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ?

-Như nhận định ban đầu của chúng tôi thì đây là trận lũ kinh hoàng nhất trong 10 năm trở lại đây.Trước tình hình này, MTTQ tỉnh đã đứng ra kêu gọi và quyết định hỗ trợ bà con bị lũ lụt ở 3 mức. Những gia đình nào bị lũ cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa sẽ được hỗ trợ 20 triệu/nhà, những gia đình nào bị thiệt hại nặng phải di chuyển là 10 triệu đồng; những gia đình phải tháo dỡ, di chuyển dù hỏng nhẹ như sạt lún nền, nghiêng nhà được hỗ trợ 5 triệu đồng; những gia đình có người mất 5 triệu, người bị thương 3 triệu…

Để cùng nhân dân khắc phục sự cố, UBND tỉnh Sơn La cũng đã huy động trên 2.500 người từ các lực lượng khác nhau khẩn trương khắc phục hậu quả, tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, dựng lại nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh, bố trí chỗ ở cho các hộ bị thiệt hại, khắc phục đường giao thông, sửa chữa công trình thủy lợi và cơ sở hạ tầng để ổn định đời sống nhân dân.

Trong quá trình đi hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào, MTTQ có chính sách giám sát như thế nào để tránh trường hợp người được giúp đỡ nhiều, người được giúp đỡ ít và thậm chí có trường hợp không được giúp đỡ?

-Rút kinh nghiệm từ những năm trước đây, lần này chúng tôi đã chỉ đạo từ rất sớm là giao cho Ban Cứu trợ từ xã, huyện và cả Ban Cứu trợ tỉnh đảm nhận việc này. Đối với những đơn vị ủng hộ tiền của và vật chất lớn thì tập trung qua Ban Cứu trợ để phân phối cho đều. Riêng về quần áo và các nhu yếu phẩm khác mà được các tổ chức, cá nhân ủng hộ thì sẽ được Ban cứu trợ xã giới thiệu đến từng địa chỉ khó khăn cụ thể nhằm đảm bảo sự kịp thời, công bằng và không bỏ sót đối tượng.

Người dân huyện Mường La (Sơn La) nhận hàng cứu trợ.

Khó khăn lớn nhất mà hệ thống Mặt trận cũng như chính quyền các cấp gặp phải là gì, thưa ông?

- Khó khăn gặp phải rất nhiều nhưng có lẽ khó nhất là đội ngũ cán bộ Mặt trận lực lượng mỏng, số lượng ít nên chúng tôi phải phối kết hợp với các tổ chức đoàn thể. Hơn nữa địa bàn chia cắt, các bản bị ảnh hưởng lũ lụt lại nằm rải rác trong khi phương tiện đi lại hạn chế khiến cho việc tổ chức lực lượng để phân vùng, giúp đỡ người dân không dễ. Đối với các lực lượng tại chỗ là những cán bộ Mặt trận ở khu dân cư nhưng bản thân gia đình họ cũng đang bị thiệt hại, phải khắc phục nên công việc cũng gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa, Sơn La là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước. Hàng năm, tỉnh đều phải xin cứu trợ từ Trung ương nên trận lũ lần này khiến cho tỉnh đã nghèo nay lại càng nghèo hơn, trước đã khó khăn rồi thì nay lại chồng thêm khó khăn.

Cho đến thời điểm này, Mặt trận tỉnh Sơn La đã tiếp nhận sự hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị, các Mạnh thường quân đến đâu để có thêm nguồn lực sớm tổ chức lại cuộc sống cho người dân, thưa ông?

- Hiện tỉnh đang tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh chung tay ủng hộ, giúp đỡ bà con. Về mặt vật chất, qua kênh của Mặt trận tỉnh, chúng tôi đã tiếp nhận được hơn 2,7 tỷ đồng. Sau khi tiếp nhận số tiền này chúng tôi đã làm các thủ tục để chuyển ngay tới Ban Cứu trợ huyện để huyện lên phương án khắc phục, giúp đỡ người dân gặp nạn.

Ngoài ra, Mặt trận tỉnh cũng đã trích ra 2,8 tỷ đồng để hỗ trợ ban đầu về nhà cửa và thiệt hại về con người. Tất cả được làm với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm và công bằng nhất.

Câu hỏi cuối cùng thưa ông, trước những thiệt hại nặng nề do mưa lũ, tỉnh có đưa ra phương án cảnh báo sớm cho bà con vùng nguy cơ sạt lở?

- Về lâu về dài tỉnh sẽ quy hoạch lại địa bàn dân cư, khoanh vùng những nơi có nguy cơ cao để có chính sách tái định cư cho bà con, đồng thời hỗ trợ xây dựng lại cơ sở hạ tầng, khôi phục sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi…giúp bà con phát huy nội lực của chính mình để thoát nghèo.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cứu trợ đồng bào vùng lũ: Khẩn trương, trách nhiệm và công bằng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO