Đã có chế tài

Lê Anh Đức 26/11/2015 07:25

Một nét mới trong Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua được dư luận xã hội nhiệt liệt hoan nghênh, đó chính là việc chế tài nghiêm khắc đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu trữ, quản lý chứng cứ nhưng cố tình không cung cấp hoặc trì hoãn việc cung cấp chứng cứ cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, cho tòa án theo yêu cầu.

Kỳ họp tháng 10 của Quốc hội đã thông qua Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) hôm qua, ngày 25/11. Dù còn những ý kiến khác nhau về một số quy định trong dự thảo luật sửa đổi, song nhìn chung Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) được thông qua được dư luận đánh giá là đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo hiện thực hóa tinh thần của Hiến pháp 2013 là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm tính ổn định, thông suốt của nền hành chính quốc gia.

Lâu nay, xã hội đã quá quen với cụm từ “hành là chính”. Đau ở chỗ, cái sự hành là chính ấy lại không chỉ bắt nguồn từ thủ tục rườm rà bởi các quy định của pháp luật không còn phù hợp, mà nó có nguồn gốc sâu xa từ chính những con người thực hiện những thủ tục hành chính ấy.

Không chỉ có sự nhũng nhiễu, hành người dân về thủ tục hành chính, đôi khi những người có chức vụ, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn có những hành vi hành chính, hoặc ban hành những văn bản hành chính trái pháp luật khiến người dân vô cùng bức xúc. Và Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) được thông qua là để điều chỉnh những hành vi hành chính, những quyết định hành chính đó, nhằm giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ cái sự hành là chính.

Ngay cả việc giải quyết khiếu kiện vụ án hành chính, dân sự, lao động... tại tòa án cũng là cả một sự nhiêu khê đối với người dân. Trong khá nhiều trường hợp, người dân đã không được tòa án thụ lý giải quyết đơn khởi kiện hành chính vì luật chưa quy định. Đối với nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, việc không được tòa án thụ lý giải quyết đơn khởi kiện hành chính đồng nghĩa với việc tước đi của họ hy vọng giải quyết bế tắc. Trong khi đó, quyền con người, quyền công dân đã được hiến định.

Một nét mới trong Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua được dư luận xã hội nhiệt liệt hoan nghênh, đó chính là việc chế tài nghiêm khắc đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu trữ, quản lý chứng cứ nhưng cố tình không cung cấp hoặc trì hoãn việc cung cấp chứng cứ cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, cho tòa án theo yêu cầu.

Tại Khoản 2, Điều 10, Luật Tố tụng hành chính nêu rõ: Người vi phạm quy định về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ hoặc có hành vi cản trở việc xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sở dĩ Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) được bổ sung quy định trên bởi lâu nay khá nhiều cá nhân, đơn vị đã có hành vi cản trở không cho người khởi kiện hành vi hành chính và quyết định hành chính thu thập chứng cứ, tài liệu nhằm chứng minh những hành vi và quyết định hành chính đó là sai, hoặc trái pháp luật. Nói gì đến người dân, ngay cả tòa án muốn thu thập chứng cứ tài liệu phục vụ việc xét xử một cách công tâm, khác quan, đảm bảo ra một phán quyết đúng đắn cũng bị không ít cơ quan hành chính nhà nước gây khó dễ. Nay, với “cây gậy” tại Điều 10 Luật Tố tụng hành chính, sẽ không còn cá nhân, đơn vị nào dám “giỡn mặt” với pháp luật nữa.

Một số ĐBQH cho rằng, bên cạnh mặt được là đã có “roi” để quất cho những “con ngựa” cản trở công lý phải đi đúng quỹ đạo, thì mặt còn hạn chế của Luật Tố tụng hành chính là vẫn giữ quy định TAND cấp huyện vẫn có thẩm quyền xét xử hành vi hành chính, văn bản hành chính của chủ tịch UBND cùng cấp, tương tự TAND cấp tỉnh cũng vậy. Nhiều người còn cho rằng, một ông chánh án huyện thì không thể xử một ông chủ tịch huyện được. Ý kiến này không phải là không có căn cứ. mà chính vì thế mới phải sửa đổi, cải cách.

Cũng có ý kiến cho rằng, hiện chúng ta đang cải cách tư pháp, hướng tới việc giảm nhẹ gánh nặng dồn về TAND tối cao, tăng quyền cho TAND cấp huyện, cấp tỉnh. Chính vì thế mà vừa qua đã phải thành lập thêm 3 tòa án cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Vậy nếu thay đổi thẩm quyền chỉ TAND cấp tỉnh mới có thể “xử” chủ tịch huyện, TAND cấp cao mới có thể “xử” được chủ tịch tỉnh, thì vô hình trung lại đã dồn việc về TAND cấp cao và TAND tối cao. Như vậy là đi ngược lại với mong muốn giảm nhẹ gánh nặng công việc đang quá tải của TAND Tối cao.

Song, e rằng lý do này không thuyết phục được không chỉ những ý kiến ủng hộ cho việc thay đổi thẩm quyền tòa án, mà còn khó thuyết phục dư luận xã hội. Một năm có bao nhiêu vụ án hành chính, và trong số vụ án hành chính thì có bao nhiêu vụ “xử” chủ tịch UBND cùng cấp? Việc quá tải của TAND tối cao không chỉ do các vụ án hành chính, mà bao gồm cả hình sự, dân sự, lao động...

Tuy nhiên, xét về độ “nhạy cảm” thì các vụ án hình sự, dân sự, lao động... vẫn có thể giữ nguyên như quy định hiện hành, còn việc “xử” các ông chủ tịch UBND cùng cấp thì cần phải thay đổi ở cấp cao hơn mới đảm bảo phán quyết được công bằng, khách quan, đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đã có chế tài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO