Đã có thuốc giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến 99%

Đức Trân 30/05/2018 07:12

Ngày 29/5 tại TP Hồ Chí Minh, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế); Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và PATH  đã phối  hợp tổ chức hội thảo sơ kết thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tại Việt Nam.

Đã có thuốc giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến 99%

Ảnh minh họa.

Tăng cường điều trị dự phòng

Tại Hội thảo, TS Nguyễn Hoàng Long- Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, trong khi tỷ lệ nhiễm HIV ở hầu hết các nhóm có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm có xu hướng giảm nhanh thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và cộng đồng người chuyển giới lại tăng lên.

Cụ thể, trước đây tỉ lệ nhóm nghiện chích ma túy chiếm 29-30% thì hiện nay giảm còn 9-10%, ở phụ nữ bán dâm cũng giảm từ 5% xuống 2,5%... Riêng tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng cao. Theo kết quả nghiên cứu gần đây nhất, tỉ lệ nhiễm HIV của nhóm này tăng lên 11%, mặc dù trước đây chiếm 5-6%. Đặc biệt tại TP HCM, vào năm 2017 tỉ lệ này tăng lên 15%.

Điều này đòi hỏi song song với các can thiệp truyền thống như khuyến khích sử dụng bao cao su, cần có những lựa chọn can thiệp khác cho các nhóm đối tượng này. Một trong những can thiệp được tổ chức Y tế khuyến cáo có hiệu quả là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV - thường quen gọi là PrEP.

Nghiên cứu của các tổ chức quốc tế đã chứng minh: Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giúp cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao, có thể dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách uống 1 viên thuốc mỗi ngày. Tuân thủ uống thuốc hằng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm lên tới trên 90%. Việt Nam mong muốn việc triển khai PrEP là một trong những giải pháp hiệu quả nhất trong dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm MSM.

Đưa PrEP vào điều trị và chăm sóc HIV/AIDS

PrEP đã bắt đầu được cung cấp cho nhóm MSM, chuyển giới nữ và bạn tình âm tính trong các cặp dị nhiễm tại TPHCM từ tháng 3-2017 và mở rộng ra Hà Nội từ tháng 3-2018. Hiện hơn 1.200 người có nguy lây nhiễm cao HIV đã và đang tham gia sử dụng PrEP tại Hà Nội và TPHCM, với tỉ lệ duy trì khoảng 78%.

PrEP là viên kết hợp hai loại thuốc kháng vi rút, nếu dùng hằng ngày theo kê đơn, có thể giảm nguy cơ nhiễm HIV từ 92% đến 99 % ở những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Từ năm 2015, WHO đã khuyến cáo sử dụng PrEP (như là một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện bao gồm cả việc sử dụng bao cao su) ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Theo một nghiên cứu do PATH thực hiện năm 2016, phần lớn trong số 799 nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ đều tự đánh giá bản thân có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và bày tỏ sự quan tâm đến việc sử dụng và chi trả cho PrEP, khi dịch vụ này sẵn có tại Việt Nam.

Khẳng định ý nghĩa của Dự án thí điểm này, PSG.TS Phan Thị Thu Hương- Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Kết quả ban đầu của Dự án là hết sức quan trọng, nó là bằng chứng giúp Bộ Y tế đã quyết định đưa PrEP vào trong Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS và đã được Ban hành theo Quyết định 5418/QĐ-BYT ngày 1-12-2017. Trong đó dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV chính thức là một trong những biện pháp dự phòng HIV ở Việt Nam. Kết quả này cũng giúp Cục Phòng chống HIV/AIDS sẽ phối hợp với các đối tác mở rộng việc triển khai PrEP, trước mắt ở 11 tỉnh thành phố với mục tiêu đến cuối năm 2019 đạt được 5.610 người sử dụng PrEP và đến cuối năm 2020 đạt được 7.300 người”.

Bà Mei Mei Peng- Phó Giám đốc Phòng Y tế của USAID Việt Nam cho biết: PrEP là một bước đột phá của Việt Nam trong những nỗ lực để đạt được mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV sẽ biết tình trạng nhiễm của họ; 90% số người chẩn đoán nhiễm HIV sẽ được điều trị; và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định). USAID rất tự hào là có thể hỗ trợ Việt Nam, quốc gia thứ hai ở khu vực Đông Nam Á triển khai PrEP, nhằm cung cấp thêm các lựa chọn cho người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV trong việc bảo vệ bản thân họ và hành động hướng tới loại trừ HIV.

TS Kimberly Green- Giám đốc Dự án USAID/PATH Healthy Markets chia sẻ: Một phân tích chi phí-hiệu quả do USAID/PATH Healthy Markets và Đại học Washington thực hiện cho thấy nếu được chi trả thông qua bảo hiểm y tế, PrEP là can thiệp có tính chi phí-hiệu quả và có thể ngăn chặn được 31.226 ca nhiễm HIV và 7.296 ca tử vong do AIDS tại Việt Nam.”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đã có thuốc giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến 99%

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO