Da diết lời ru của bà mẹ Lào tiễn liệt sỹ về quê

Bình Nguyên 25/07/2015 13:14

Câu hát Lăm Tơi như hơi thở ngọt lành của thiếu nữ Lào từng cưu mang Tà hán (bộ đội) Việt Nam. Lăm Tơi da diết trong lời ru bà mẹ Lào tiễn Xịa xa lạ (liệt sĩ Việt Nam) về với quê hương vào những ngày tháng 7, dưới trời xanh và mây trắng. Gần 2.000 ngôi mộ liệt sĩ mà Đoàn 589 tìm được ở Khăm Muộn, ngôi mộ nào cũng thấm đẫm ân tình người dân đất nước Lào.

Ngưòi dân Khăm Muộn cùng bộ đội Đoàn 589 cùng trèo đèo lội suối đi tìm mộ liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam.

Ảnh tư liệu Đoàn 589

Một ngày tháng 7 năm 2015, tôi lại có dịp cùng ngồi với Thượng tá Trần Quang Lộc (Nguyên Đoàn trưởng Đoàn 589 tìm mộ liệt sỹ Việt Nam hy sinh ở Lào), nghe ông kể về những chuyến đi tìm mộ liệt sỹ trên đất Lào. Nếu không có người dân các bộ tộc Lào cùng chính quyền địa phương giúp sức thì khó mà tìm được nơi chôn cất thi thể Xịa xa lạ, đưa hài cốt họ về với quê hương.

Thượng tá Lộc nhớ lại câu chuyện cảm động – khi những người lính Đoàn 589 tìm đến bản Tạc Đẹt, huyện Nhom Ba Lạt, tỉnh Khăm Muộn. Mùa khô ở đây khan hiếm nước nhưng các ông bố, bà mẹ nhất mực nhường phần nước dự trữ ít ỏi cho người lính Việt Nam đi tìm hài cốt đồng đội

Người biết thông tin về ngôi mộ Xịa xa lạ Việt Nam ở Tạc Đẹt chỉ còn lại cụ già Khăm Bun. Cụ Khăm Bun đã ngoài 80 tuổi, đang ốm nặng nhưng vẫn nhất mực cùng bộ đội Việt Nam đi tìm Xịa xa lạ. Những người lính đi tìm mộ đã cáng cụ Khăm Bun đi suốt ngày trong rừng sâu, vào tận ngon núi có tên gọi Tà Rẹt. Ở một lối mòn mờ nhạt dấu chân người; cụ Khăm Bun bảo mọi người tìm cây Cà Đeng già khuất dưới tán rừng cổ thụ. Sau khi chôn cất chu đáo người lính tình nguyện Việt Nam, cụ cùng bà con Tà Đẹt đã trồng cây Cà Đeng để đánh dấu. Đúng như lời cụ Khăm Bun, dưới gốc Cà Đeng là hài cốt liệt sỹ nằm ngay ngắn theo tư thế đầu gác núi, chân hướng về phía biển. Tà hán Việt Nam tài cao, chí lớn nên bà con Lào luôn chôn cất như thế - cụ Khăm Bun nói vậy.

Một ngôi mộ liệt sỹ Việt Nam được người dân Lào chôn cất chu đáo.

Ảnh tư liệu Đoàn 589

Thượng tá Lộc kể: “Gần 2.000 ngôi mộ liệt sĩ mà Đoàn 589 tìm được ở Khăm Muộn, ngôi mộ nào cũng thấm đẫm ân tình người dân đất nước Lào. Không biết bao nhiêu người dân Lào đã dẫn đường cho thượng tá Lộc và đồng đội của ông đi tìm mộ liệt sĩ ròng rã nhiều tháng trời khắp các cánh rừng Khăm Muộn”.

“Hơn 10 năm cùng anh em sang Lào tìm mộ, không biết bao nhiêu lần chúng tôi gặp hình ảnh cảm động, khó có bút mực nào tả hết. Đấy là những người như cụ Khăm Bun, còn chút sức lực cuối cùng vẫn nằm cáng đi tìm mộ Tà hán Việt Nam. Tình cảm ấy như huyền thoại, keo sơn gắn bó mãi mãi không phai nhòa”. Nói với tôi câu này, người lính chai sạn của Đoàn 589 - Thượng tá Trần Quang Lộc, khẽ đưa tay lau nước mắt. Đời binh nghiệp của ông gắn với nghĩa cử cao đẹp và từ nghĩa cử này ông chứng kiến tấm lòng thủy chung son sắt mà người dân các bộ tộc Lào dành cho người lính quân tình nguyện Việt Nam.

Đưa hài cốt quân tình Nguyện Việt Nam về quê hương.

Ảnh tư liệu Đoàn 589

Như mọi người lính từng xông pha trận mạc trên đất Lào năm xưa; Thượng tá Lộc thuộc lòng khúc dân ca trữ tình, sâu lắng:

Ớ chàng trai đó ơi em chưa hát được lăm-tơi
Húa đôn tàn(Vầng trăng sáng)
Nhưng đêm nay dưới trăng sáng, đôi ta biết nhau đây
Lòng em theo tiếng khèn, ca lên bài hát lăm-tơi
Anh ơi tiếng suối reo như cùng hòa theo đôi lời

Những mùa trăng sáng, đất trước nước Lào bát ngát điệu Lăm Tơi. Câu hát Lăm Tơi như hơi thở ngọt lành của thiếu nữ Lào từng cưu mang Tà hán (bộ đội) Việt Nam. Lăm Tơi da diết trong lời ru bà mẹ Lào tiễn Xịa xa lạ (liệt sĩ Việt Nam) về với quê hương

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Da diết lời ru của bà mẹ Lào tiễn liệt sỹ về quê

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO