Da giày trước bài toán cạnh tranh

Thanh Giang 17/02/2016 12:05

Ngành da giày đang đứng trước cơ hội lớn khi hưởng ưu đãi thuế quan các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, trình độ công nghệ sản xuất thấp, năng lực cạnh tranh yếu,… đang đòi hỏi ngành này phải đổi mới để hội nhập tốt hơn.

Da giày trước bài toán cạnh tranh

Doanh nghiệp da giày lên kế hoạch đổi mới
sản xuất kinh doanh theo hướng hiện đại.

Theo Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, ngành da giày Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế tốt của một nhà xuất khẩu lớn. Cụ thể, năm 2013 xuất đạt 8,5 tỷ USD, năm 2014: 10,32 tỷ USD, năm 2015: 12,07 tỷ USD.

Mặc dù được đánh giá tốt về khả năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu song nhìn vào thực tế nhiều quan điểm nhận định, ngành da giày sẽ đối diện với không ít khó khăn. Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam khẳng định, trong tương lai với nhiều thay đổi của điều kiện thị trường, hoạt động sản xuất chung của ngành giày thế giới, DN giày Việt Nam sẽ đối mặt với không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hội ngành Da giày – Túi xách Việt Nam cho rằng, khoảng cách giữa doanh nghiệp (DN) ngành giày trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng cách xa. Bằng chứng, năm 2015 DN FDI đang chiếm 79% kim ngạch xuất khẩu của ngành, còn DN trong nước chỉ khiêm tốn với 21%.

“Các DN hãy lấy các DN FDI để làm điểm so sánh và mục tiêu phấn đấu, chứ không phải nhìn vào các DN trong ngành có quy mô nhỏ và vừa”, vị Chủ tịch Hiệp hội này yêu cầu.

Nhìn nhận về một năm sản xuất kinh doanh mặt hàng da giày ông Hà Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Đông Hưng Group cho biết, năm 2015, các DN ngành da giày đã bắt đầu cảm nhận được những khó khăn khi giá bán hàng không thể tăng. Các nhà nhập khẩu đặt hàng vịn vào giá một số nguyên liệu giảm ép các DN da giày giữ giá bán.

Trong khi đó, đơn đặt hàng có số lượng nhỏ hơn mà chi phí sản xuất và giá lao động không ngừng tăng thêm nên vấn đề đặt ra, đòi hỏi DN tính toán “thắt lưng buộc bụng” để trúng thầu đơn hàng. Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng hợp đồng da giày giảm sút ông Nguyễn Đức Thuấn khẳng định, với năng lực cạnh tranh kém, DN Việt khó giành được hợp đồng, dù rằng đơn hàng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam đang là xu hướng. Ngoài các yếu tố khách quan của thị trường thì vấn đề cốt lõi cản trở ngành da giày phát triển chính là công nghệ và năng suất sản xuất.

Ngành giày Việt Nam đã trải qua 20 năm phát triển. Trong suốt thời gian này, công nghệ trong ngành giày trên thế giới đã đổi mới liên tục nhưng da giày Việt ít có chuyển biến.

Với tư cách là Trưởng Nhóm tư vấn kỹ thuật Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu, TS Claudio Dordi cho rằng, đáng lẽ 90% giá trị gia tăng của mặt hàng da giày xuất khẩu thuộc về DN Việt Nam nhưng vì thực hiện gia công cho đối tác nên DN châu Âu hưởng. DN dệt may, da giày Việt Nam cần tăng tính cạnh tranh và phát triển thị trường.

“Sản phẩm da giày Việt Nam vào thị trường Liên minh Châu Âu rất lớn nhưng không mấy người châu Âu biết được giày dép họ đang đi lại sản xuất tại Việt Nam. Đáng lẽ 90% giá trị gia tăng của mặt hàng này thuộc về DN Việt Nam nhưng vì thực hiện gia công cho đối tác nên DN Châu Âu hưởng thụ”, TS Claudio Dordi nhấn mạnh.

Nhiều quan điểm cho rằng, với năng lực cạnh tranh và các yếu tố cần và đủ các thị trường yêu cầu thì các DN trong ngành dự báo khả năng DN giày trong nước sẽ còn tụt xa hơn nữa.

Chưa dừng lại ở những khó khăn nêu trên, da giày Việt Nam phải đối phó với DN các nước trong khu vực ASEAN. Với cộng đồng kinh tế AEC đã được thành lập, ngành da giày gánh thêm áp lực cạnh tranh. Không chỉ không khai thác được thị trường nội khối mà còn đứng trước sự cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa với giày dép, túi xách từ các nước như Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Indonesia, Philippin sẽ đẩy mạnh xuất vào.

Theo các chuyên gia kinh tế và giới kinh doanh trong ngành, với 90 triệu dân thì nhu cầu tiêu dùng giày dép ngay tại thị trường trong nước không nhỏ, cho nên ngoài việc “đem chuông đi đánh xứ người” DN da giày trong nước phải cấp thiết bảo vệ thị trường trong nước. DN da giày trong nước phải xây dựng hệ thống phân phối cho mình, cũng như nỗ lực trong thiết kế, chất lượng sản phẩm.

Với thị trường nước ngoài, đổi mới là yếu tố quan trọng để giành lợi thế cạnh tranh trong chuỗi giá trị nhằm đáp ứng được các yêu cầu của người mua tại các nước nhập khẩu.

Theo đó, DN sản xuất kinh doanh da giày cần chú trọng hơn nữa vào qui tắc xuất xứ sản phẩm, đẩy mạnh phát triển kênh phân phối tại EU, tạo lập thương hiệu quốc gia, và tập trung vào những sản phẩm thân thiện với môi trường và xã hội, tuân thủ các qui định kỹ thuật và an toàn, vệ sinh…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Da giày trước bài toán cạnh tranh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO