Đã lóe lên 'ánh sáng cuối đường hầm' cho kinh tế báo chí

Tùng Duy 22/07/2020 14:31

Thu phí người đọc báo điện tử với nền tảng thanh toán do Bưu điện Việt Nam xây dựng là đề xuất của vị đại diện đến từ đơn vị này gây chú ý đặc biệt tại Diễn đàn “Chuyển đổi số và mô hình kinh tế mới cho báo chí”.

Buộc phải thay đổi cuộc chơi trong kỷ nguyên 4.0

Ngày 22/7, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn “Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí”.

Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo; lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện các cục, vụ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cùng hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, quảng cáo.

Gần 200 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương cho thấy sự quan tâm rất đặc biệt của tất cả những cơ quan này trong bối cảnh nguồn thu đang sụt giảm nghiêm trọng.

Phát triển như vũ bão, đi trước thời đại và thấu hiểu tâm lý người dùng, Google và Facebook dường như đang đánh phá không thương tiếc mọi tờ báo trên toàn cầu.

Trong cuộc giành giật thị phần quảng cáo trên không gian mạng đang rất khốc liệt và không thỏa hiệp giữa Facebook và YouTube, họ bung loạn thông tin không kiểm duyệt và cố tình làm cho độc giả chú ý, cuốn độc giả vào mạng xã hội từng phút.

Tại Việt Nam, chỉ có 20% độc giả tìm kiếm thông tin trên báo chí, 80% còn lại được chia cho hai gã khổng lồ này, và sự sụt giảm phát hành chạm đáy của nhiều tờ báo giấy đã buộc họ phải thay đổi cuộc chơi để thu hút độc giả cũng như tìm kiếm nguồn sống. Đó là chuyển đổi số và làm kinh tế báo chí khi chiếc smartphone len lỏi vào từng phòng ngủ hiện nay.

Phần lớn các tờ báo sụt giảm 50% doanh thu, thậm chí nhiều hơn và nguồn thu này đang tụt dốc không phanh trong khi vẫn phải sống, phải làm nghề như một nhiệm vụ chính trị.

Phát triển báo điện tử, xây dựng các trang fanpage trên Facebook, lập các kênh YouTube đáp ứng nhu cầu của bạn đọc là những hướng đi có thể giúp các cơ quan báo chí tăng nguồn thu.

Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 có đoạn nêu rõ: Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí

Thu phí người đọc là điều chắc chắn

Tận dụng lợi thế của internet để tiếp cận bạn đọc cũng lag cơ hội cho mọi tờ báo nước ta hiện nay. Tại diễn đàn, đại diện của Bưu điện Việt Nam đã đề xuất tham gia nền tảng thu tiền người đọc báo điện tử trong tương lai. Đó là xây dựng cổng thanh toán với nền tảng đa kênh. Quan điểm là cần thay đổi nhận thức của độc giả ở Việt Nam để họ quen dần với văn hóa trả tiền phí đọc báo.

Các nhà mạng đang thu lợi lớn từ việc độc giả phải truy nhập mạng để đọc báo. Như vậy độc giả trả tiền cước qua smartphone cho nhà mạng, các tờ báo cũng trả cước phí cho nhà mạng mà không thu được phí gì.

Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 có đoạn nêu rõ: Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.

Đại diện Viettel (có 60 triệu thuê bao) nói họ là người vận chuyển tin tức báo chí đến người đọc rất nhanh với bộ máy và các trạm truyền phát khắp nơi, cũng cho rằng nền tảng thanh toán rất quan trọng, nhiều người sẵn sàng trả tiền nhưng không biết thanh toán thế nào, kết nối vào có an toàn không. Nếu tin tức hay thì Viettel sẵn sàng mua để đưa nội dung đến khách hàng.

Viettel cũng sẵn sàng cùng các báo phân phối thông tin đến người dùng với tỷ lệ ăn chia được đàm phán riêng, cụ thể với từng cơ quan báo chí, nhưng giá cả sẽ phụ thuộc vào chất lượng thông tin.

Như vậy, “thắt chặt hầu bao” và giảm tải sự phình to nhiều bộ phận dĩ nhiên không phải là hướng đi cho cơ quan báo chí phát triển. Chăm lo nội dung với hàm lượng thông tin khác biệt, độc quyền, tin cậy, gây tác động lớn đến dư luận xã hội, và đi kèm là chuyển đổi mạnh mẽ công nghệ được xem là giải pháp mang tính nguyên tắc bất biến ở bất kỳ giai đoạn nào.

Ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập báo Giao thông cũng cho rằng, gốc rễ mọi chuyện là vấn đề chất lượng nội dung, từ đây mới nói đến nguồn thu.

Đã từng có quan điểm đưa thuế về 0% với báo chí vì báo chí đóng góp vào tổng thu nhập quốc dan không đáng kể. Nên cần có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các cơ quan báo chí sau khi phân biệt rạch ròi đâu là tờ báo bao được bao cấp toàn bộ, tờ nào được bao cấp một phần, và tờ nào tự chủ hoàn toàn để có chính sách cho phù hợp.

Nhưng ông Kiên nói, báo Giao thông cũng như nhiều báo khác, đã tự lo thu, lo chi, và không hề muốn quay lại thời kỳ bao cấp.

Phải bảo vệ bản quyền báo chí

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TTTT, nói không thể bán cái thứ mà cả làng có, kiếm đâu cũng được. Nạn cóp thông tin báo chí diễn ra tràn lan, và bản quyền báo chí gần như không có.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam nêu quan điểm cần một cuộc đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các cơ quan báo chí trong việc bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí. Ông cũng xác nhận hiện nay, báo chí Việt Nam không bảo vệ bản quyền của mình.

ảnh: Diễn đàn thu hút hàng trăm đại biểu đến từ 150 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương
Diễn đàn thu hút hàng trăm đại biểu đến từ 150 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

"Hội Nhà báo sẵn sàng đứng ra làm trung tấm kết nối bảo vệ bản quyền, xây dựng thỏa thuận chung". Ông Lợi nói và có khá nhiều cánh tay tại Diễn đàn giơ lên ủng hộ.

Tổng biên tập báo Giao thông, dẫn việc từ cơ quan mình, nói đã thu gần 1 tỷ đồng trong mùa Covid khi các cơ quan báo chí khác dẫn nguồn, lấy nguồn của báo Giao thông.

Và ông Kiên cho rằng luật pháp Việt Nam đủ để các cơ quan báo chí bảo vệ được bản quyền. Đó cũng là nguồn thu.

Truyền thông chuyên nghiệp, quảng cáo chuyên nghiệp

Quảng cáo trực tuyến của các tờ báo đã mất đi quá nửa thị phần trong những năm gần đây do sự lấn át của Facebook, Google… Nhiều tờ báo đã có cách thức phát triển nguồn thu khác từ các hoạt động ngoài mặt báo như tổ chức sự kiện, sản xuất nội dung cho Google, Facebook...

Đại diện đến từ nhà tài trợ cho dự án phát triển báo chí Việt Nam giao đoạn 2020-2025, Vinamilk, đưa ra những đề xuất phối hợp với các cơ quan báo chí để làm quảng cáo và truyền thông: đa phương tiện, đa nền tảng, đa hình thức. Đây là vấn đề được nhiều cơ quan báo chí rất quan tâm để nâng nguồn thu. Hợp tác truyền thông cần được xem là mũi nhọn tìm kiếm nguồn lực nuôi tờ báo sống khỏe.

Rõ ràng các tờ báo cần nhanh chóng xây dựng bộ phận và đội ngũ những người làm truyền thông, quảng cáo chuyên nghiệp, tránh chuyện đi xin xỏ làm quảng cáo, như thế kinh tế báo chí mới ổn định và bền vững. Quảng cáo trên báo chí điện tử cần phải được bán trực tiếp cho các nhà quảng cáo, tránh bị phụ thuộc vào Google, YouTube hay Facebook. Đó là chưa kể những ông lớn này còn dung túng quảng cáo “bẩn”, vi phạm pháp luật, gây xấu hình ảnh tờ báo liên quan.

Đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, tạo thương hiệu để từ đó tăng nguồn thu. Nhiều đại biểu đưa ra những ý kiến mới, nhưng cơ bản đồng thuận với giải pháp chung: thu phí người đọc với nền tảng thanh toán nhà mạng và tăng cường chất lượng nội dung.

Được biết, Bộ TT&TT cũng đang xây dựng cơ chế về đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí; cơ chế, chính sách bồi dưỡng, đào tạo lại; tiêu chuẩn bổ nhiệm, xét hạng phóng viên, biên tập viên, xây dựng đội ngũ báo chí vững về chính trị, mạnh về nghiệp vụ; chính sách về liên kết trong hoạt động báo chí để tận dụng các nguồn lực sẵn có trong xã hội tham gia vào hoạt động sản xuất nội dung giải trí trong hoạt động truyền thông; hỗ trợ đường truyền, lưu trữ; kết nối báo chí trong hệ sinh thái số để có nguồn thu; ban hành chính sách về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, tiêu chuẩn…

Diễn đàn là hoạt động khởi động cho những sáng kiến mới trong khuôn khổ Dự án “Phát triển báo chí việt Nam giai đoạn 2020-2024”.

Dự án “Phát triển báo chí việt Nam giai đoạn 2020-2024” là chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.

Đối tượng tham gia hưởng lợi từ dự án là tất cả các loại hình báo chí đang hoạt động ở Việt Nam. Các chương trình hoạt động sẽ bao gồm tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các nhà báo; đào tạo kỹ năng quản lý báo chí, các hội thảo tư vấn và các hoạt động hỗ trợ khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đã lóe lên 'ánh sáng cuối đường hầm' cho kinh tế báo chí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO