Đà Nẵng: 13 Văn phòng đại diện báo chí đối diện với yêu cầu dừng hoạt động

Thanh Tùng 19/04/2022 14:52

TP Đà Nẵng chỉ 56 xã, phường nhưng đang có 107 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác đặt Văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú, tổng số nhân sự của các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn Đà Nẵng tính đến ngày 17/2/2022 là gần 800 người.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Nguyễn Thu Phương cung cấp thông tin cho báo chí tại buổi họp báo thường kỳ chiều 18/4. Ảnh Thanh Tùng.

Liên quan đến bàiĐà Nẵng: Đề xuất không công nhận đủ điều kiện hoạt động 20 văn phòng đại diện báo chí” (đăng trên Đại Đoàn Kết Online ngày 13/4), trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2022 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức chiều 18/4, bà Nguyễn Thu Phương, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết:

Gần 6 tháng qua, Sở này đã nhiều lần thông báo đến các cơ quan báo chí về việc cung cấp hồ sơ đặt Văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú trên địa bàn theo đúng Luật Báo chí. Tuy nhiên đến sáng 18/4 mới chỉ có thêm 7 cơ quan báo chí trong số 22 cơ quan báo chí được thông báo còn thiếu điều kiện hoạt động, bổ sung hồ sơ (trước đó đã có 2 cơ quan báo chí cung cấp hồ sơ). 13 văn phòng còn lại vẫn chưa gửi hồ sơ đến Sở TT&TT.

Bà Nguyễn Thu Phương khẳng định: Theo điều 22 Luật Báo chí, UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có thẩm quyền kiểm tra điều kiện hoạt động của các văn phòng đại diện. Nếu không đủ điều kiện thì có quyền yêu cầu Văn phòng đại diện đó chấm dứt hoạt động (tức là chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện và xử lý theo quy định của pháp luật).

Điều 25 Luật Báo chí cũng nói rất rõ: Nhà báo là những người hoạt động báo chí được cấp thẻ. Như vậy đối với trường hợp Văn phòng đại diện không đủ điều kiện, phải dừng hoạt động thì phóng viên có thẻ nhà báo vẫn được tác nghiệp báo chí.

Phóng viên các cơ quan báo chí luôn bám sát những sự kiện lớn của Đà Nẵng. Ảnh Thanh Tùng.

Phóng viên không có thẻ nhà báo, muốn hoạt động báo chí phải có giấy giới thiệu đúng quy định của cơ quan báo chí. Bà Nguyễn Thu Phương chia sẻ thêm, qua rà soát, Sở TT&TT Đà Nẵng phát hiện một số trường hợp sử dụng giấy giới thiệu không đúng quy định, không ghi cụ thể về nơi đến liên hệ, thời gian công tác.

Như đã phản ánh, tại Hội nghị giao ban công tác báo chí Quý I, triển khai nhiệm vụ Quý II do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức ngày 13/4, Sở TT&TT Đà Nẵng đã cung cấp thông tin về các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú không đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn. Theo đó, Sở TT&TT đã đề nghị các cơ quan báo chí gồm:

Báo Giáo dục và Thời đại; Tạp chí kinh doanh; Báo Nhân đạo và Đời sống; Báo Người Công giáo; Báo Sinh viên Việt Nam; Tạp chí Cộng sản; Tạp chí Kiểm sát; Tạp chí Văn Hiến; Tạp chí Giao thông Vận tải; Tạp chí Vận tải ô tô Việt Nam - Báo điện tử Dailo.vn tại Đà Nẵng; Tạp chí Vietnam Logistics Review; Tạp chí Kinh tế và Đồ uống - khu vực miền Trung, Tây Nguyên; Tạp chí Kinh tế Nông thôn; Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống; Truyền hình Công an nhân dân khu vực miền Trung và Tây nguyên tại Đà Nẵng; Chuyên đề Công an Đà Nẵng; Tạp chí Ánh sáng và Cuộc sống; phóng viên thường trú (PVTT) Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam; PVTT Báo Tri thức trực tuyến - Zing.vn; PVTT Thời báo Kinh tế Sài Gòn; PVTT Chuyên đề Công an TP Hồ Chí Minh, phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến việc thực hiện hồ sơ cấp thẻ nhà báo cho Trưởng Văn phòng đại diện, PVTT trên địa bàn.

Tuy nhiên chỉ có 2 cơ quan báo chí cung cấp hồ sơ liên quan.

Phóng viên tác nghiệp tại điểm nóng Covid-19. Ảnh Thanh Tùng.

Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, ngoài 4 cơ quan báo chí địa phương (báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử), TP Đà Nẵng hiện có 107 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác đặt Văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú. Tổng số nhân sự của các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn Đà Nẵng tính đến ngày 17/2/2022 là gần 800 người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đà Nẵng: 13 Văn phòng đại diện báo chí đối diện với yêu cầu dừng hoạt động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO