Đặc sắc xòe Thái

Bùi Việt 22/06/2016 10:25

Sau khi nghệ thuật xòe Thái của các dân tộc vùng Tây Bắc trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, đầu tháng 6-2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn số 2125/BVHTTDL-DSVH gửi UBND các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Thanh Hóa về việc triển khai xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật xòe Thái đệ trình UNESCO.

Đặc sắc xòe Thái

Vòng xòe kỷ lục Việt Nam.

1. Như vậy, có thể nói, đang có một sự nỗ lực đáng ghi nhận để nghệ thuật xòe Thái sớm được công nhận là di sản phi vật thể của thế giới. Điều đó, giúp cho những điệu xòe mê đắm lòng người được vươn xa, được biết tới ở nhiều nơi hơn nữa. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc, 5 tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Thanh Hóa - nơi đang giữ “báu vật” cần quyết tâm hơn nữa để sớm hoàn thành những công việc quan trọng nhằm có được một bộ hồ sơ chung, đệ trình lên UNESCO.

Chúng ta đã biết, trước đây, việc xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hoặc Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã họp triển khai việc lập hồ sơ với 5 tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Thanh Hóa.

Nghệ thuật xòe Thái là kết quả sáng tạo nghệ thuật xuất phát từ lao động của cộng đồng người Thái nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa trước hết của chính họ. Sau những ngày lao động mệt nhọc, hòa mình với nghệ thuật xòe không chỉ giúp mỗi người tìm lại cảm giác thư thái và hứng khởi mà còn làm cho mối quan hệ làng bản, quan hệ xã hội thêm gắn bó hơn, dễ gần nhau hơn. Từ đó, nghệ thuật xòe trở thành phương tiện giao tiếp, kết nối cộng đồng, trở thành biểu trưng cho tình đoàn kết, sự kết tinh kinh nghiệm sống và lối tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người Thái; là cầu nối giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc sống con người Tây Bắc và góp phần làm giàu đẹp cho nghệ thuật múa dân gian Việt Nam...

2. Từ bao đời nay, điệu xòe Thái trở thành nét văn hóa đặc trưng, là “tài sản” chung của nhiều dân tộc sống trên rẻo cao Tây Bắc. Trong những lễ hội, trong ngày vui của bản làng, điệu xòe diễn ra như lời chào, lời mời gọi du khách gần xa. Đó là tiếng lòng của bà con gửi gắm trong điệu múa quyến rũ giữa non ngàn Tây Bắc.

Một số nghiên cứu đã công bố chỉ ra rằng, trước Cách mạng tháng Tám (1945), khi tỉnh Lai Châu (cũ) nói riêng và khu Tây Bắc nói chung còn chìm khuất trong mây mù với sự thiếu thốn và lạc hậu thì vùng Mường So của huyện Phong Thổ và châu Mường Lay (nay là thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên) đã nổi tiếng là xứ sở của những vũ điệu xòe mê hoặc.

Cũng theo các chuyên gia, xòe có nhiều loại. Có lẽ sớm nhất là xòe vòng (xoé voóng). Điệu xòe mang tính tập thể, có tính giao lưu cộng đồng cao, nên số người tham gia không hạn chế. Ban đầu có thể vòng xòe chỉ 5-6 người, sau đó cứ bổ sung dần, không phân biệt già hay trẻ, gái hay trai, người trong làng trong bản hay người bản khác, thậm chí du khách cũng có thể tham dự vòng xòe. Vì đặc điểm này, múa xòe thường diễn ra ở những nơi rộng rãi, để ai cũng có thể tham gia xòe, càng đông người vòng xòe càng rộng. Tại những chỗ không thể mở rộng vòng xòe được hơn nữa, người ta thường chủ động tách vòng xòe ra làm 2, 3 vòng tròn đồng tâm. Mỗi vòng xòe thường được xác định “tâm xòe” bởi một hũ rượu cần hoặc một đống lửa. Khi ấy, vòng xòe này vận động theo chiều kim đồng hồ, thì vòng xòe kia vận động theo hướng ngược lại…

Đến nay, vòng xòe lớn nhất được nhiều người biết đến và được ghi nhận kỷ lục là màn biểu diễn Đại xòe đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Xòe Thái - Mường Lò, Nghĩa Lộ” năm 2013 với sự tham gia của 2033 người, trong đó có 2013 người tập luyện 6 điệu xòe cổ và 20 người tham gia dàn nhạc cụ dân tộc.

Hiện, ở bản Căng Nà, phường Trung Tâm (Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) nghệ nhân dân gian Lò Văn Biến là người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và truyền dạy những điệu xòe cổ độc đáo của người Thái xứ Mường Lò cho bà còn quanh vùng. Ông chính là người có công khôi phục 6 điệu xòe cổ mang hồn cốt của đất Mường Lò gồm: Khắm khen (tức Nắm tay nhau), Ðổn hôn (tức Bước tiến lùi), Phá xí (tức Bố bốn), Nhôm khăn (tức Tung khăn), Khắm khăn mơi lảu (tức Nâng khăn mời rượu); Ỏm lọm tốp mư (tức Vỗ tay đi vòng tròn).

Đặc sắc xòe Thái - 1

Nghệ nhân Lò Văn Biến đang truyền dạy các điệu xòe cổ cho thế hệ trẻ.

3. Theo các chuyên gia, bên cạnh những yếu tố khác thì âm nhạc trong múa xòe góp phần làm nên hội xòe và cũng để phân biệt xòe với các hình thức múa dân gian khác. Có thể nói, âm nhạc là phần tất yếu của múa xòe, giúp xòe có những dấu hiệu khu biệt trong sự phong phú của đời sống ca múa Thái. Thông thường dàn nhạc gồm 1 trống cái, 1 cồng và 1 chiêng, trong đó chiếc chiêng đóng vai trò giữ nhịp. Những lúc cao trào, chính các nhạc công cũng nhún nhảy với những động tác tinh nghịch, dí dỏm và tuỳ hứng.

Với loại vòng xòe trình diễn, có lúc đang rất sôi động bỗng nhịp nhảy chậm dần, chậm dần, rồi một giọng lĩnh xướng cất lên, mọi người đồng thanh ca theo. Trong trường hợp này, múa xòe kết hợp với hát gọi (khắp chiêu) và hát thơ (khắp xư). Với những cuộc vui kéo dài và mang đậm yếu tố trữ tình, dàn nhạc xòe thường có sự góp mặt của cây tính tẩu.

Với sự đặc sắc, uyển chuyển, sinh động của nghệ thuật xòe Thái, các biên đạo múa, nhạc sĩ chuyên nghiệp đã đưa xòe Thái lên nhiều sân khấu biểu diễn. Các nghiên cứu cũng ghi nhận: sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, dưới bàn tay của các biên đạo múa, xòe được chỉnh lý và dần hoàn thiện, nâng lên thành nghệ thuật biểu diễn. Bên cạnh đó, các nhạc sĩ cũng nhanh chóng vào cuộc, góp phần đưa vòng xòe vượt ra ngoài sân chơi làng bản để đến với nhiều sân khấu hiện đại.

Năm 1952, trong chương trình Liên hoan Thanh niên thế giới tổ chức tại Berlin (Cộng hòa Dân chủ Đức), nghệ sĩ múa Phương Thảo của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam là người đầu tiên giới thiệu điệu xòe nón Mường Lay với bạn bè quốc tế. Một trong những người có công cải biên cho điệu múa này là Nghệ sĩ Nhân dân, đại tá Đỗ Minh Tiến - một nhạc sĩ quân đội có nhiều tâm huyết với nghệ thuật múa dân gian các dân tộc Tây Bắc…

Để việc lập hồ sơ đảm bảo theo quy định của UNESCO, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu, Ủy ban nhân dân các tỉnh cần có ý kiến bằng văn bản về chủ trương triển khai lập hồ sơ “Nghệ thuật xòe Thái”, đồng thời cần đề xuất đăng ký nhận nhiệm vụ chủ trì, đăng cai lập hồ sơ. Đó là những bước đi cần thiết, bởi nghệ thuật xòe Thái không phải là di sản văn hóa riêng của một tỉnh, mà là của chung. Vì thế, cần có sự hợp sức, chung tay xây dựng một cách khoa học, bài bản. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ khi có sự đoàn kết, vào cuộc nhịp nhàng đúng như tinh thần của xòe Thái, thì công việc mới trôi chảy, thuận lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đặc sắc xòe Thái

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO