Đại án kinh tế OceanBank: Chi lãi ngoài và câu chuyện pháp lý

Tinh Anh 27/09/2017 07:50

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), cả trong phần thẩm vấn cũng như tranh luận, các luật sư đều hướng tâm điểm lời khai của các bị cáo vào việc chứng minh hành vi chi lãi ngoài chỉ là vi phạm cần xử lý hành chính, chứ không phải là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong khi đó, lập luận của Viện KSND Tối cao cũng như đại diện Viện KSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa lại chứng minh hướng ngược lại: Hành vi chi lãi ngoài là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm tại một phiên tòa.

Chiếu theo quy định của pháp luật thì để cấu thành tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, cần điều kiện cần và đủ là có phần thiệt hại tài sản của Nhà nước.

Trong câu chuyện chi lãi ngoài hợp đồng của dàn lãnh đạo OceanBank, VKS đã cố chứng minh rằng, trong tổng số tiền thiệt hại 1.576 tỷ đồng có 20% vốn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), mà PVN là cơ quan do Nhà nước sở hữu, quản lý, tức là tài sản Nhà nước đã bị thiệt hại hơn 315 tỷ đồng.

Theo đó, hành vi chi lãi ngoài của cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm và thuộc cấp đã đủ yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Lập luận của cơ quan công tố cho thấy, khoản tiền 1.576 tỷ đồng mà Hà Văn Thắm và các thuộc hạ chi lãi ngoài không thể thu hồi nên được coi là thiệt hại. Mà khi đã thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, trong đó có một phần vốn nhà nước thì đương nhiên phải có cá nhân, đơn vị chịu trách nhiệm cho sự thất thoát đó.

Song, quan điểm của các bị cáo trong vụ án, cũng như quan điểm của các luật sư (LS) thì khoản tiền 1.576 tỷ đồng đó không thể gọi là thiệt hại hay thất thoát được, họ cho rằng đó là khoản đầu tư để kinh doanh. Đã không là thiệt hại thì sẽ không có câu chuyện truy cứu trách nhiệm hình sự của bất cứ ai có liên quan đến việc chi lãi ngoài. Theo lẽ đó, các LS cho rằng Hà Văn Thắm và các bị cáo đồng phạm không có tội.

Các LS cũng khẳng định việc chứng minh Hà Văn Thắm và các đồng phạm không có tội, không có nghĩa các bị cáo không có lỗi.

Theo quan điểm của các LS thì vi phạm chi lãi vượt trần lãi suất theo quy định của NHNN của các lãnh đạo OceanBank sẽ chỉ đáng xử phạt hành chính theo Thông tư 02 của NHNN Việt Nam.

Không chỉ các LS, mà ngay cả các bị cáo trong phần thẩm vấn cũng như tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 đều đòi công bằng trong việc: Có rất nhiều ngân hàng khác cùng chi lãi ngoài vào thời điểm đó, nhưng không có bất cứ đơn vị nào bị xử lý hình sự, trong khi hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của OceanBank bị truy tố nhiều tội danh về cùng một hành vi trên.

Đương nhiên lập luận của bên nào cũng có cái lý đúng của mình. Song, quan trọng là xử lý ra sao để vừa ổn định hệ thống ngân hàng, đảm bảo an ninh tiền tệ và điều hành vĩ mô của Chính phủ, nhưng cũng đồng thời có tác dụng răn đe, phòng ngừa đối với những hành vi vi phạm tương tự của nhiều ngân hàng TMCP khác.

Kể ra trong khi một số ngân hàng khác chỉ bị xử phạt hành chính mà OceanBank bị truy cứu trách nhiệm hình sự với cùng một hành vi vi phạm thì cũng hơi thiếu sự công bằng.

Song, ngược lại nếu không làm nghiêm theo kiểu trảm một người răn muôn người thì cũng khó lòng khôi phục trật tự kỷ cương trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, song hãy thử hình dung việc OceanBank và hàng loạt ngân hàng vào thời điểm xảy ra vụ án đều có hành vi chi lãi ngoài nhưng chỉ có lãnh đạo OceanBank bị xử lý hình sự cũng giống như việc có rất nhiều người vượt đèn đỏ nhưng chỉ có một vài người bị CSGT bắt và xử phạt.

Trong trường hợp này, người vi phạm giao thông không thể so bì theo kiểu có rất nhiều người vượt đèn đỏ tại sao anh chỉ bắt mỗi mình tôi? Đơn giản chỉ có 2 ý thôi: Nhiều người vượt đèn đỏ nhưng lực lượng CSGT mỏng nên không thể xử lý hết được. Thứ 2 là việc anh vi phạm pháp luật thì hãy chịu trách nhiệm cho hành vi của mình chứ đừng so bì với những người khác. Đương nhiên về mặt lý thuyết, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, song cứ phát hiện đâu xử lý đến đó cũng là một cách làm, chứ không nhất thiết phải “ra quân”, “trảm” hàng loạt.

Chính vì câu chuyện tranh cãi chưa có hồi kết giữa các bị cáo, LS bào chữa cho các bị cáo và cơ quan công tố nên trong phần đối đáp của mình, vị đại diện VKS giữ quyền công tố cho rằng quan điểm khác nhau thì cần phán xử cuối cùng của HĐXX.

Đương nhiên, tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp theo hiến định thì phán quyết của cơ quan này sẽ là kết luận cuối cùng cho câu chuyện tranh cãi pháp lý giữ cơ quan công tố và các LS.

Song, dư luận vẫn hy vọng HĐXX phiên tòa sơ thẩm lần 2 đại án kinh tế xảy ra tại OceanBank đưa ra được phán quyết sáng suốt, hợp tình, hợp lý, công bằng, khiến cho không chỉ riêng các bị cáo, mà cả dư luận xã hội phải tâm phục, khẩu phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại án kinh tế OceanBank: Chi lãi ngoài và câu chuyện pháp lý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO