Đại biểu Quốc hội lo ‘hậu giám sát’

M.Loan-H.Vũ 22/07/2021 07:10

Ngày 21/7, Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. Hậu giám sát là vấn đề được nhiều ĐB đề nghị cần quan tâm. Cùng ngày, Quốc hội đã bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, các chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

ĐB Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau.

Giám sát gói hỗ trợ Covid-19

ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) kiến nghị, sau khi giám sát xong thì các báo cáo hậu giám sát rất ít nên không biết giám sát xong thì đơn vị, địa phương thực hiện yêu cầu của đoàn giám sát như thế nào? Do đó cần lưu ý triển khai hậu giám sát.

Ông Ngân cũng đề nghị giám sát chuyên đề về thực hành tiết kiệm chống lãng phí và thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 có từ năm 2020, hiện nay dịch hết sức khốc liệt, có thể tái đi tái lại cho đến 2022. Các nước đã tiêm chủng vẫn tái đi tái lại nên vấn đề đảm bảo an sinh xã hội là rất quan trọng. “Do đó bên cạnh việc thần tốc về vaccine cần giám sát về gói hỗ trợ năm 2020 là 62.000 tỷ và năm 2021 là 26.000 tỷ đồng”-ông Ngân cho hay.

Cùng chung quan điểm, ĐB Lê Hoài Trung (Đoàn Thừa Thiên -Huế) cho rằng, trong giám sát cần phản ánh về những diễn biến lớn do tác động của đại dịch Covid-19 đối với tình hình đất nước. Lý giải cho quan điểm trên, theo ông Trung: Năm 2022 gần như mới bắt đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vì năm 2021 mới khởi đầu thực hiện Nghị quyết đại hội nhưng đang bị tác động rất lớn của dịch.

Do đó năm 2022 cần giám sát để từ đó đưa ra những biện pháp để khắc phục hậu quả và nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế, phòng chống bệnh như thế nào, qua đó phát triển kinh tế xã hội. “Qua giám sát thấy được cái gì còn khó khăn để hỗ trợ các cơ quan của Chính phủ, doanh nghiệp, và người dân”, ông Trung nói.

Làm tốt “hậu giám sát” thì giám sát mới có hiệu quả

Chỉ rõ hậu giám sát còn bất cập. Qua giám sát đưa ra nhiều kiến nghị nhưng việc thực hiện các kiến nghị còn chậm, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị, cần tăng cường hậu giám sát để xem bộ ngành địa phương thực hiện các kiến nghị của đoàn giám sát ra sao trong quá trình tổ chức thực hiện.

Còn ĐB Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) cho rằng, có vấn đề tồn tại mà chưa quan tâm thoả đáng trong chủ trương thực hiện giám sát này từ trước tới nay đó là vấn đề “hậu giám sát”. Do vậy từ lần này, khi lập chương trình cần đặt ra việc “hậu giám sát” để giao cho cơ quan, đơn vị nào thực hiện việc theo dõi, báo cáo Quốc hội.

Trong những kiến nghị đó, các địa phương, các đối tượng được giám sát có những kết quả gì, đã thực hiện ra sao chứ không phải như “lưỡi dao chặt xuống nước” sau khi “lưỡi dao rút lên rồi thì nước lại như cũ”.

Theo ông Kim, chúng ta có chương trình giám sát công phu nhưng sau đó đạt kết quả như thế nào để thực hiện những kiến nghị cần hết sức lưu ý. Kể cả những kiến nghị của các đoàn giám sát với các ngành và Chính phủ.

Các cơ quan, đơn vị này cần báo cáo kết quả đã thực hiện hay trả lời những kiến nghị đó cụ thể. “Khi thực hiện hậu giám sát, tôi rất mong muốn điều đó. Nếu hậu giám sát làm được tốt thì mới hiệu quả”, ông Kim nói.

ĐB Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đề nghị Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong việc bổ nhiệm luân chuyển cán bộ; vì ngay Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia đã phải loại 1 đại biểu được bầu nhưng không đủ tư cách.

Lý do là vi phạm trước đó rất nhiều năm. Điều đó cho thấy, công tác triển khai các quy định về tổ chức nhân sự bởi các văn bản pháp luật có tuỳ tiện, thiếu nhất quán và không chọn đúng người.

“Nếu như chúng ta giám sát chuyên đề có kết quả sẽ là một động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho Quốc hội, Chính phủ sốc lại đội hình, nâng cao chất lượng bộ máy để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chiến lược của năm”, ông Vân đặt vấn đề.

Trình Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp thứ 3

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, dự án Luật Đất đai sửa đổi là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến đưa dự án luật này vào chương trình trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) để thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) theo quy trình tại 3 kỳ họp. Phấn khởi khi Luật Đất đai sửa đổi được đưa vào chương trình, ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần chuẩn bị thật kỹ nội dung luật để đưa ra Quốc hội thảo luận, sớm đưa luật vào cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại biểu Quốc hội lo ‘hậu giám sát’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO