Đài đội

Nguyễn Minh Hoa 07/11/2020 11:00

Kính, mũ, thuốc lá, bật lửa, đồng hồ xưa quan trọng là thế mà nay xếp sau cái điện thoại.

Xưa, đúng thật là xưa vì thời gian đã đủ nhuộm bạc tóc cánh trung niên có cuộc đời vắt qua hai thế kỉ này, sực nhớ và hoài niệm nhiều chuyện và so sánh cổ kim. Kính, mũ, thuốc lá, bật lửa, đồng hồ xưa quan trọng là thế mà nay xếp sau cái điện thoại. Thế giới gói gọn trong cái ô vuông đầy hấp dẫn ấy, nếu không có nó rất có thể ta thấy thiếu hụt đến trống rỗng, như người nghiện thiếu thuốc. Cái điện thoại thông minh đưa ta đi xa trong một thế giới phẳng lung linh sắc màu và tràn ngập âm thanh, vũ điệu nhưng đôi khi ta lại tìm thấy trong ấy những thứ tưởng chừng đã xa lắc, đã ngủ yên trong quá khứ. Gần đây người ta kiếm tìm và nhắc lại như một thú chơi. Có người không ngần ngại mà rằng, chênh vênh nên trốn vào đó, để tìm lại mình, để an lành như xưa.

Tôi tìm về một cách thức “truyền thông” xưa ở xã tôi đó là “đài truyền thanh xã” mà người quê tôi quen gọi là “đài đội’’. Quê tôi ven đô, là xã anh hùng, có nghề phụ, lại có quốc lộ chạy qua, có lẽ đấy là dữ kiện “sang’’ để có đài đội, chứ nhiều địa phương hiếm có phương tiện thông tin này. Ngay mấy xã dưới, thuần nông cánh học cấp 3 trường huyện cùng tôi có nhiều người không biết đài đội là gì, và nhiều bạn nhà không có điều kiện nên cũng không có đài đội kéo về nhà.

Trong căn phòng đặc biệt của UBND xã có loa, mic, âm ly, người phụ trách truyền thanh nhận và đọc những thông báo của xã “oang oang’’ trên loa chung ở đầu mỗi ngõ xóm, cũng như âm thanh ấy được truyền vào mỗi loa nhỏ trong từng nhà. “Đường truyền’’ chính là hệ thống dây đồng, chạy ăn theo hệ thống cột của đường điện cao thế. Nhưng khi về mỗi gia đình nó lại đi theo lối riêng về đầu đốc nhà hay cửa buồng, hay ô thoáng... tùy theo cách gia chủ đặt “đài’’ nhà mình.

Có đài đội thật tiện, khi làng xóm còn tù mù đèn dầu, đèn Măng xông, đèn Hoa Kì nhà nào có được coi là tài sản quý, đám hiếu hỉ trong xóm ngoài làng còn mượn suốt, thì đài đội là một luồng gió đem thông tin đến từng ngõ xóm, đến tận cửa buồng, đốc nhà hay ô thoáng trang trí của mỗi nếp nhà, cho dù nó bé nhỏ hay khang trang. Đài đội có nhiệm vụ thông tin những tin quan trọng từ các cấp chỉ đạo đến dân, chủ yếu là từ huyện, đài đội phổ biến kĩ thuật và lịch ngâm thóc, gieo mạ, cấy trồng các mùa vụ để cấy trồng và thu hoạch đạt hiệu quả nhất.

Tôi rất nhớ quê tôi cánh thủy lợi thường đọc lấy thông báo chứ không nhờ anh phụ trách thông tin, bản tin thường rất ngắn gọn:

- Đội thủy lợi đồng phía nam thông báo, hiện nay nước trung thủy nông đã về, nước đã được tháo về phía bờ thửa, đến tận ruộng nhà bà Trung Chon...

Họ nhớ được phần ruộng của từng nhà, mà nhớ thật vì bao năm quen việc, họ chài chãi ngoài đồng và cũng là trong xóm ngoài làng họ mặt biết nhau cả, nên khi đưa tin rất chính xác.

Những khi xã có việc lớn như hội làng, đài đội cũng thông tin liên tục tình hình để đội trống, đội tế, đội tế nữ, đội sênh tiền biết được lịch để tập luyện tốt, để đám rước từ đình ngoài vào đình trong, để tế hội được đảm bảo tốt nhất. Hội làng tôi xưa thường đón văn công về diễn 5-6 đêm. Trong những ngày ấy, cả làng bận bịu, vừa lo dâng lễ, vừa lo tiếp khách xa gần về xem hội, lại vừa muốn cơm nước chu đáo để cả nhà còn đi ra sân vận động vem văn công. Chưa mua được vé nhà ai cũng hóng đài đội, xem vé bán cho dân ở nhà nào, nhà trưởng thôn hay nhà đội trưởng, để mua trước, chứ ra đấy mua chỉ có người thiên hạ, người làng cứ phải vé cầm tay ra chỉ việc trình vé là vào.

Có lần hội làng, thuê văn công về diễn, ban tổ chức rào sân vận động thành 4 cổng, muốn họp cánh soát vé đội này cần thông báo. Ban đầu có đọc “Đội canh cổng sân vận động thông báo, để đảm bảo cho an toàn và soát vé được hiệu quả 8 giờ tối nay, xin mời các vị trong ban soát vé, canh cổng, bảo vệ về họp tại đình Nội. Yêu cầu không được ai vắng mặt.”

Tôi nghe được, buồn cười quá và nhớ mãi, nhớ cùng những đêm hội xuân nát dưới chân mùi cỏ ngái. Mùi hồ hôi, mùi đèn dầu từ những thúng mẹt khiến tôi nhớ vô cùng. Loa đài cũng vẫn oang oang yêu cầu dân đứng xem pháo chú ý, đề phòng tai nạn khi đốt pháo. Quê tôi có nghề pháo, xưa hội làng cũng là ngày trình diễn các loại pháo truyền thống.

Ngày Tết, cửa hàng HTX có phân phối hàng, đài đội cũng thông báo để bà con đi mua hàng phân phối. Có năm dư giả mứt tết, hàng tết đầy quầy, có năm hàng huyện phân về khan, mãi chưa thấy đài đội thông báo, người ta nói ầm ầm cầu ao là “các bố’’ ỉm đi để cán bộ mua với nhau. Sau tết cửa hàng đầy mứt, đầy muối và cả kho lá dong héo, chả thấy mấy người ân hận về chuyện đã nói. Anh đài đội lại phải có lời kêu gọi bà con ra mua mứt về ăn rằm tháng giêng và mua lá dong gói bánh ăn đi cấy...

Nhà tôi có đài đội vì bố tôi lắp để nghe thông tin lĩnh lương hưu, nghe tình hình trong xã. Mấy lần kho cuốn của huyện trên địa bàn xã bị kẻ gian xúc trộm thóc, khi công an và dân quân bắt quả tang, lập biên bản thì ngay sau đó, cùng lắm là sáng sớm hôm sau, thông tin đã được “đài đội’’ thông báo. Đẹp mặt cho cả nhà tên trộm và những nhà hàng xóm cũng phải khóa trong khóa ngoài, đậy điệm không sợ kẻ trộm cắp không từ nhà mình.

Hơn nữa nhà tôi bố mẹ sinh con đàn, chị em học cấp 1, 2 trường làng phải nghe đài đội, để cuối hè còn biết lịch để con em cấp 2 đi lao động rẫy cỏ, kê bàn ghế, quét dọn trường để chuẩn bị khai giảng năm học mới.

Mùa hè năm tôi học hết cấp 2 bố tôi bảo “gỡ đài đội’’ vì nhà tôi không làm nông nghiệp nên cũng không cần thông tin cấy hái gì.

Tôi vào cấp 3, được bố dóng cho cái xe đạp nữ khung võng, màu xanh cổ vịt, booc-pa-ga inox trắng có sợi dây chun mấy màu được cắt ngắn, buộc cố định ở đó để chằng cặp sách đi học. Con đường liên tỉnh vắt qua đồng đến trường huyện hàng xà cừ lâu năm xanh mướt, những khúc đấu, hay mương bên bờ ngày ấy người ta còn gieo điền thanh, rất nhiều chuồn chuồn bay lượn. Đôi bờ mương người ta cấy khoai nước tím ngắt, giữa mương đám cây liễng dại mọc đầy. Đường này có ô tô, xe máy, có đám học sinh chúng tôi đi nghênh ngang không phải đường qua vài làng như đám đi bộ vẫn đi theo toán dăm bẩy đứa. Tất nhiên, bọn đi xe đạp chúng tôi oách hơn, phần vì con nhà thoát ly có điều kiện, những đứa xã xa đi xe cà tàng không chắn xích, không pê – đan nhiều đứa học giỏi, có chí, nên cũng là gương mặt cả, đôi khi thích nhau đi theo, hay trêu nhau chí chóe.

Có hôm xe hỏng, không kịp sửa, tôi phải cuốc bộ theo con đường trong làng. Trưa 12 giờ sau 5 tiết mới tan, lại tiết 4, 5 đều là tiết toán, tôi uể oải xách cặp, rẽ phải cố bước cho cùng bọn “chuyên nghiệp’’ đi bộ. Chúng nó chiều tôi phải nghỉ ở ngã ba giếng làng Sinh. Tiếng hát chèo vang vang trên loa mắc trên tít cành quéo cổ thụ. Lời hát và tình yêu đẹp quá! Bao năm rồi tôi vẫn nhớ, và biết ơn “đài đội’’ đã tặng cho tôi.

Xưa những bài hát dân ca và nhạc cổ truyền không nhiều, phát đi phát lại, nếu để ý sẽ thuộc như tôi. Lần ấy, tôi nghe trong sự thấm mệt, thấy khác mọi hôm vô cùng, khi tôi đã ro ro xe đạp về đến cây đa đầu ngõ mới thường đến chương trình này.

Bị bạn bè giục, tôi cố đi, nhưng đến cây trôi chỗ trạm xá xã tôi vẫn phải nghỉ thêm lần nữa mới tiếp tục đi về đến nhà được. Phải hôm anh truyền thanh mát tính anh ấy có thể ru cả xã bằng “nhạc không lời’’ 13 giờ, nếu không anh sẽ cắt phụt, không một lời thông báo.

Sau này ra trường, đi làm, tôi có được gặp các nhà thơ, các nghệ sỹ mà tôi từng được nghe từ “đài đội’’ tôi rất vui. Tôi đã từng băn khoăn, muốn làm luận văn tốt nghiệp về Huy Cận, nhưng tôi lại chọn Hàn Mặc Tử vì có lần trang văn nghệ được đài đội tiếp sóng, tôi được nghe về thơ “chàng”. Tôi mê “chàng” từ một lần “đài đội’’ quê tôi “đãi’’ về “thơ điên’’ của “chàng”. 16 tuổi, tóc còn cắt ngắn, nhưng cái cảm ban đầu ấy đã theo tôi mãi, cho đến tận giờ, tôi vẫn luôn yêu thơ Hàn.

Năm tháng đi qua, tôi đã là người ngụ cư nơi phố thị, thấy và nghe đài phường. Cũng chẳng tham gia ý kiến vào việc người ta bỏ hay giữ, bởi những ồn ào nơi đây không cần tính giờ, tính ngày tháng.

Mỗi khi lòng chạm vào những xưa cũ, tôi lại nhớ “đài đội” oang oang. Thông tin không chỉ cần mà còn quý, nhất là những thông tin trung thực. Đài đội quê tôi, đài đội thời ấy đã hoàn thành sứ mệnh của mình và để lại những xúc cảm thật đẹp, để tôi nghĩ về ngày xưa hồn hậu như nó đã từng có trong ấu thơ và hoa niên của tôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đài đội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO