Đại học trong 'cơn bão' tăng học phí: Làm thế nào giảm áp lực cho sinh viên?

Nguyễn Hoài 23/08/2022 14:38

Việc điều chỉnh học phí đại học được các trường thực hiện theo lộ trình, song nhiều ý kiến băn khoăn về chất lượng đào tạo liệu có tăng tương ứng?

Từ năm 2022, hàng loạt các trường đại học dự kiến tăng mạnh học phí. Đây rõ ràng là một gánh nặng với người học.

Học phí tăng kịch trần

Việc điều chỉnh tăng học phí được các trường thực hiện theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về thu chi học phí.

Theo Nghị định 81, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 – 2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên được quy định theo từng khối ngành với mức từ 1,2 đến 3,5 triệu đồng/sinh viên/tháng.

Thí sinh được trường đại học tư vấn tuyển sinh.

Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí nêu trên tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.

Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí nêu trên tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.

So với năm học 2021 – 2022, mức học phí năm học 2022 – 2023 được các trường điều chỉnh tăng vọt. Đặc biệt, khối ngành Y dược tăng 71,3%. Các khối ngành còn lại hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%.

Nghị định 81 cũng quy định, cơ sở giáo dục đại học trước khi tuyển sinh hoặc xét tuyển phải công bố công khai mức thu học phí, chi phí đào tạo cho từng năm học, lộ trình tăng học phí và dự kiến cho cả khóa học.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện cả nước có 23 trường đại học thực hiện tự chủ hoàn toàn. Đến thời điểm này nhiều trường đã có thông báo về việc điều chỉnh học phí, trong đó có trường tăng học phí kịch trần. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc học của sinh viên.

Đầu tháng 8, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thông tin về học phí năm học 2022-2023 và lộ trình đến năm học 2025-2026, với mức học phí các ngành đều tăng mạnh. Ví dụ như hệ chất lượng cao ngành quản trị luật - kinh doanh, học phí năm 2022-2023 lên đến hơn 74 triệu đồng/năm, đến năm học 2025-2026 lên đến hơn 106 triệu đồng/năm; cao nhất là Hệ chất lượng cao ngành luật - giảng dạy bằng tiếng Anh, có học phí 165 triệu đồng/năm; năm học 2025-2026 lên đến 219,7 triệu/năm... Theo ông Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng phụ trách đào tạo của trường, học phí được tính đúng, tính đủ theo mức trần của Nghị định 81, vì trường thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn, không còn được hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước.

Tại phía Bắc, theo thông báo của Trường đại học Luật Hà Nội, từ năm học 2022-2023, học phí hệ đại trà là 572.000 đồng/tín chỉ trong khi năm học trước là 280.000 đồng/tín chỉ. Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng dự kiến tăng học phí đối với khóa tuyển sinh năm 2022 là 42 triệu đồng/năm, so với mức 35 triệu đồng/năm/sinh viên của năm học trước.

So với năm học trước, nhiều ngành tại Trường Đại học Y Hà Nội có mức học phí tăng mạnh, lên khoảng 71,3%. Đây là mức học phí trần của Nghị định 81.

Tương tự, một số trường như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng,... cũng thông báo tăng học phí.

Học bổng song hành cùng học phí

Việc điều chỉnh học phí được các trường đại học thực hiện theo lộ trình. Theo các trường, việc tăng học phí giúp các trường tự cân đối thu bù chi và cân đối đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất để người học được tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại, đáp ứng đòi hỏi nguồn nhân lực cho tương lai. Bên cạnh đó, tăng học phí cũng phải đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nhìn nhận: “Hiện nay chúng ta đang trên lộ trình điều chỉnh mức học phí ở mức đúng và đủ, nhưng không có nghĩa là để học phí tăng đột biến. Điều quan trọng là cần nâng cao chất lượng đào tạo, kết hợp với trách nhiệm của nhà trường và trách nhiệm của người học để đào tạo ra một kỹ sư, cử nhân tương lai có năng lực, có khả năng kiếm tiền để bù đắp vào mức học phí đã đóng”.

Trước băn khoăn của dư luận xã hội về vấn đề học phí, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, kinh phí đào tạo chủ yếu từ hai nguồn, một là từ ngân sách Nhà nước, hai là từ đóng góp phần còn lại, có thể là do doanh nghiệp hỗ trợ, tài trợ, tuy nhiên tỷ lệ còn thấp.

Như vậy chúng ta phải tính tới bài toán, một là bắt buộc tăng kinh phí chi giáo dục đại học, nếu không tăng thì không có khả năng cạnh tranh với quốc tế. Thực tế các chương trình đào tạo của các trường đại học trên thế giới với mức học phí cao gấp hàng chục lần so với các trường đại học tại Việt Nam.

“Các trường đại học muốn có chính sách hỗ trợ cho những sinh viên nghèo thì cần phải có kinh phí hỗ trợ, và việc tăng học phí mới giúp có điều kiện hỗ trợ cho những sinh viên khó khăn. Nếu chúng ta giữ học phí thấp sẽ làm giảm chất lượng đào tạo và các trường sẽ không có điều kiện để hỗ trợ các em sinh viên nghèo. Đấy là một quan niệm chúng ta cần thay đổi”, PGS.TS Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Nhằm hỗ trợ cho sinh viên, theo tìm hiểu của phóng viên, năm học này, nhiều trường đại học đưa ra các gói học bổng cho sinh viên. Đây được xem là chính sách hỗ trợ và thu hút thí sinh trước “cơn bão” tăng học phí. Tuy nhiên, các gói học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên nhập học sớm hay ưu đãi theo ngành học thực chất có phải nhằm khuyến khích hỗ trợ sinh viên hay đơn giản chỉ là… chiêu sinh là vấn đề đặt ra, đòi hỏi sinh viên cần tỉnh táo lựa chọn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại học trong 'cơn bão' tăng học phí: Làm thế nào giảm áp lực cho sinh viên?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO