Đại lộ khoa học

Từ Khôi 29/07/2017 08:05

Một con đường nhỏ, nhưng lại được gọi là đại lộ. Hơn thế, cái tên của con đường lại không phải tên của một danh nhân như thường thấy, mà chỉ một lĩnh vực rộng lớn, hiện đại, đó là khoa học. “Đại lộ khoa học” (Science Avenue).

Lễ khai trương Đại lộ khoa học.

Đại lộ khoa học là tên con đường nhỏ, thuộc địa phận phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Đại lộ Khoa học chạy từ Quốc lộ 1D vào khu đô thị khoa học gồm Trung tâm ICISE, Tổ hợp không gian khoa học và các viện nghiên cứu rộng 192ha. Đó là một con đường lượn quanh dãy núi và hướng ra biển, một không gian nên thơ giàu cảm xúc cho các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Buổi lễ đặt tên đường đã được UBND tỉnh Bình Định phối hơp với Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tổ chức sáng 27/7. Tham dự lễ đặt tên đường có rất nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Đại lộ khoa học được xây dựng năm 2013 phục vụ cho khu vực mà UBND tỉnh Bình Định đã thuê kiến trúc sư người Pháp Jean Franois Milou quy hoạch khoảng 200ha để xây dựng thành khu đô thị khoa học đầu tiên ở Việt Nam và khu vực. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 11 giáo sư đoạt giải Nobel, hơn 2.500 nhà khoa học trên thế giới, bước trên con đường này.

Nói về con đường nhỏ nhưng được đặt cái tên mang ý nghĩa lớn, GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch hội “Gặp gỡ Việt Nam” cho báo chí biết: “Trong con đường nhỏ ấy có một tinh thần rất lớn để phát triển khoa học. Cũng như mỗi con người chúng ta tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng ý tưởng khổng lồ, khám phá những điều khổng lồ. Để con đường này mãi phát triển, chúng ta cần xây dựng một lộ trình khoa học, một đô thị khoa học phát triển mạnh trong tương lai”.

Từ cái tên một con đường “Đại lộ khoa học”, chúng ta nghĩ về câu tục ngữ “cuộc đi ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân”. Con đường nhỏ, dự án quy mô nhỏ nhưng ý nghĩa và hiệu quả lớn. Phải chăng Bình Định muốn thu hút nhân tài khoa học đến đây và phát triển danh tiếng, du lịch chứ không phải những nhà máy công nghiệp lạc hậu, chi phí lớn, lợi nhuận thấp và hậu quả môi trường lớn?

“Đại lộ khoa học” cũng có thể khơi gợi nhà kiến trúc, quy hoạch hay nhà quản lý về câu chuyện về tên đường phố mới trong công tác quy hoạch đô thị. Khi những tên danh nhân tiêu biểu của dân tộc đã được đặt trên hầu khắp các đô thị thì tại sao chúng ta không sáng tạo ra những tên phố mới mang ý nghĩa.

Ví như ở Hà Nội chẳng hạn. Sau khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội thì hàng chục tên phố ở quận Hà Đông trùng với các quận khác. Điều này gây ít nhiều khó khăn khi ai đó ghi địa chỉ thiếu tên quận. Và mặt khác, phá vỡ quy hoạch tên đường phố trước đây của nội thành Hà Nội đã quy hoạch các vùng tên danh nhân thời Ngô, Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, Lê từ năm 1945.

Những vùng quy hoạch mới của Hà Nội về phía Tây, theo cách nhìn rộng mở về lịch sử đã đặt thêm nhiều khu vực triều đại nhà Mạc, nhà Nguyễn. Tuy nhiên, ở nhiều khu vực quy hoạch mới vẫn bị xen kẽ lẫn lộn những tên phố mang tên những nhà cách mạng thời hiện đại, những tên xóm làng cũ và những tên danh nhân xa xưa của lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại lộ khoa học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO