Đảm bảo quyền lợi cho người lao động trước dịch bệnh

Lê Bảo 13/03/2020 08:00

Hiện nay dù chưa có thống kê cụ thể số người lao động (NLĐ) bị thất nghiệp do dịch Covid-19, nhưng có thể thấy dịch đã làm ảnh hưởng đến hàng nghìn NLĐ.

Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, với các doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) phải xử lý ngay chính sách bảo hiểm thất nghiệp để người lao động có lương trong thời gian nghỉ việc.

Đảm bảo quyền lợi cho người lao động trước dịch bệnh

Cần thực hiện tốt chính sách BHTN để hỗ trợ NLĐ vượt khó trước diễn biến dịch Covid-19.

Gia tăng số người xin hưởng thất nghiệp

Trước đó giữa tháng 2, Bộ LĐTB&XH đã công bố báo cáo nhanh về tình hình thị trường lao động. Kết quả cho thấy đã có gần 9.000 NLĐ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Cụ thể theo báo cáo của 22 tỉnh, TP, có 8.773 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trong đó ngành nông, lâm và thủy sản bị ảnh hưởng nhiều nhất với 3.227 người; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có 2.252 người; vận tải, kho bãi 1.121 người; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và động cơ khác 665 người.

Hiện nay dù chưa có những thống kê cụ thể về số người thất nghiệp do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng phản ánh tại các địa phương cho biết, nhu cầu thị trường lao động ngày càng có xu hướng giảm, còn số người xin đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ngày càng có xu hướng gia tăng. Đơn cử như tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động, việc làm ở Hà Nội.

Cũng theo ông Thành, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã làm thống kê, phân tích tình hình thị trường lao động trong những tháng đầu năm. Số liệu cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, trung tâm mới tiếp nhận thông tin của gần 700 doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động với 7.150 vị trí tuyển dụng, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm trước. Đối tượng tuyển dụng tập trung chủ yếu ở các ngành, nghề như kinh doanh, cơ khí, điện, điện tử, kế toán, văn phòng, nhân viên kỹ thuật…Trong khi đó, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng tăng lên. Riêng tháng 2/2020, toàn thành phố có hơn 4.000 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 5,35% so với tháng 2/2019.

Hỗ trợ gắn với đào tạo lại nguồn lao động

Để có những giải pháp hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng do dịch, ông Vũ Quang Thành cho biết, hiện Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu về những vị trí việc làm còn trống cũng như thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp; đồng thời khai thác nhu cầu tìm việc của những người đến làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và đối tượng lao động tự do.

“Dựa trên thông tin thu thập được, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động đồng bộ trên hệ thống sàn giao dịch việc làm. Hình thức kết nối cung - cầu lao động được các sàn giao dịch việc làm thực hiện trực tuyến, diễn ra hằng ngày. Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH cũng cho biết, Sở đã làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội bàn hướng khắc phục khó khăn cho thị trường lao động, việc làm” – ông Vũ Quang Thành cho biết.

Không riêng Hà Nội hiện các địa phương trên cả nước cũng đang triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm hỗ trợ và đảm bảo quyền lợi cho NLĐ trước dịch Covid-19. Chia sẻ về giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, đối với các doanh nghiệp có tham gia BHXH, BHTN thì phải có biện pháp để xử lý ngay thất nghiệp cho người lao động bằng cách cho họ được hưởng chính sách BHTN để có lương, để đảm bảo cuộc sống. Với những doanh nghiệp có điều kiện thì cho phép để đào tạo lại lao động đó, hoặc lao động đó không nhận tiền thất nghiệp mà nhận tiền để được đào tạo lại thì dùng tiền đó để đào tạo nghề cho người lao động tìm việc làm mới để khắc phục tồn tại.

Còn với những lao động làm trong ngành dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp cần có biện pháp để giải quyết thất nghiệp và cố gắng đào tạo lại. Đào tạo lại nguồn lao động này thì mới có nguồn nhân lực để phát triển kinh tế xã hội, tránh tình trạng người lao động rơi vào tình cảnh không có việc làm và khó khăn, giải quyết cả vấn đề kinh tế và giải quyết cả vấn đề xã hội. Cùng với chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, doanh nghiệp phải có chiến lược lâu dài, phải nghĩ đến những biến động xã hội, biến động về chuyển dịch cơ cấu, biến động về thị trường và biến động về dịch.

Để đảm bảo thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hỗ trợ người lao động về trông giữ, quản lý con trong thời gian học sinh nghỉ học, đảm bảo việc làm thường xuyên và liên tục, xem xét, đề xuất giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chế độ nghỉ phép năm, trợ cấp ốm đau, hỗ trợ khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảm bảo quyền lợi cho người lao động trước dịch bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO