Đằm thắm 'Dáng xuân'

Vương Tâm 15/02/2021 09:00

Tôi quen với biên đạo múa NSND Ngọc Bích cách đây chừng hơn 30 năm. Khi ấy chị còn là một nghệ sĩ múa trẻ. Vào thời gian đó chị là một trong ba vũ công gây ấn tượng với người xem qua vóc dáng xinh đẹp và duyên dáng trong giai điệu “Pho tượng cổ” mơ màng. Tiếng kèn Saranai da diết trong từng động tác đầy huyền ảo làm mê hoặc lòng người.

NSND Ngọc Bích và con gái.

Những khúc tráng ca

NSND Ngọc Bích sinh năm 1961 (Tân Sửu) tại Thái Bình. Từ nhỏ chị đã say mê sân khấu và âm nhạc. Ngọc Bích có năng khiếu bẩm sinh nên sớm trúng tuyển vào trường múa khi mới 14 tuổi. Chị tốt nghiệp xuất sắc và được về Đoàn Ca múa nhạc Trung ương năm 1979. Sau đó là những năm Ngọc Bích lăn lộn với sàn diễn và là một trong những nghệ sĩ múa chính của đoàn. Chị đã cùng nhà hát đi biểu diễn khắp đất nước và quốc tế. Ngọc Bích từng được huy chương bạc cá nhân và nhiều huy chương vàng cùng với các tiết mục tập thể của Đoàn (Nhà hát Ca Múa Nhạc dân tộc Việt Nam sau này). Điều bất ngờ đối với Ngọc Bích khi chị bén duyên làm biên đạo từ năm 1997. Chị đã theo học 5 năm và tốt nghiệp xuất sắc với vũ điệu “Một thoáng Chăm”. Từ đó nghệ sĩ Ngọc Bích như được chắp cánh bay xa. Tuy nhiên trong nhiều kịch mục chị vừa làm biên đạo vừa biểu diễn rất say mê. Nghệ sĩ Ngọc Bích được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2007.

Khi trở thành một biên đạo Ngọc Bích luôn trăn trở với những sáng tạo về hình thể và vũ điệu mới lạ. Chị đã bước sang một cung bậc suy tưởng mới và niềm đam mê bất tận. Ngọc Bích đã dành nhiều công sức và tâm huyết cho những đề tài các chiến sĩ và người mẹ Việt Nam anh hùng. Đây là những chương trình lớn của nhà hát biểu diễn ca múa nhạc. Hàng chục vở diễn cùng những tác phẩm múa của Ngọc Bích có sức thuyết phục lớn và gây xúc động lòng người. Khán giả không thể quên những màn múa đẫm chất sử thi của chị như “Ngày trở về”, “Hồi ức chiến tranh”, “Đội quân ngầm” hay “Mắt biển”, “Áo mùa đông”, “Người mẹ Quảng Nam”, hoặc “Chào mừng giải phóng miền nam”, “Trở về đất mẹ”…Dường như lịch sử cách mạng phần nào đã được thể hiện trong hình tượng nghệ thuật của các vũ điệu mà Ngọc Bích sáng tạo. Chị đã tâm sự: “Người lính hiện lên trong tôi tình đồng chí, đồng đội, sự hy sinh cao cả, sự dũng cảm xả thân vì đất nước…”

Điều khác biệt ở Ngọc Bích dù dàn dựng hàng trăm tiết mục về chiến sĩ và bà mẹ Việt Nam luôn được khai thác hình tượng ở những góc độ khác nhau. Nhiều lần chị múa trực tiếp thể hiện những hình tượng bà mẹ Việt Nam anh hùng trong tác phẩm của mình. Đặc biệt vai bà mẹ Thứ anh hùng trong tiết mục “Người mẹ Quảng Nam” (2014). Với dáng vóc thân gày người mẹ Quảng Nam xuất hiện trên sân khấu làm mọi người xúc động. Bà đang đi tìm những đứa con của mình. Mẹ Thứ có tới 9 người con và cháu hy sinh trên mặt trận miền nam. Hình tượng mẹ được Ngọc Bích dựng trên sân khấu đã tạo hiệu ứng nghệ thuật khó lường. Khi giai điệu bài hát dâng lên cũng là lúc khán giả trào nước mắt. Người mẹ kiên gan chứ không bi lụy dù cho biết bao nỗi đau khôn nguôi. Chín người con và cháu đã ra đi. Bà luôn luôn mong muốn sẽ trở về. Giai điệu trầm lắng như một lời ru: “À…a… ơi… Bao nhiêu lá rụng trên rừng. Bao nhiêu dào dạt sóng lừng biển khơi. Bao nhiêu xao xác trên trời. Bao nhiêu tình mẹ. Bao nhiêu tình mẹ. Một đời má thương con”. Nhưng rồi người mẹ đã giơ tay và cùng hành quân với các chiến sĩ. Những bước chân mẹ vững vàng tiến lên phía trước trong lời ca rạo rực lòng người: “Nén nỗi đau. Nén nỗi đau. Trút muôn vàn nỗi đau. Tóc tang thương đau đến từng ngõ từng nhà. Bộ đôi hàng dài như vô tận. Lũy tre làng chở che những nghĩa trang” (âm nhạc Doãn Nho).

Nghệ sĩ Ngọc Bích gọi đó là những nỗi đau không thể gọi thành tên. Hình tượng người mẹ chiến sĩ cùng những người con đã chiếm lĩnh phần lớn những tác phẩm múa của Ngọc Bích. Chị muốn gọi tên cho những nỗi đau đó bằng ngôn ngữ múa đậm chất dân gian và mang dấu ấn thời đại sâu sắc. Đến năm 2015, Ngọc Bích được nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) và Huân chương Lao động hạng Ba (2016).

Vai mẹ Thứ do Ngọc Bích thể hiện.

Kỷ lục khó quên

Bốn mươi năm gắn bó với công tác biên đạo và biểu diễn NSND Ngọc Bích đã để lại hàng trăm tác phẩm múa trên các quy mô hoạt động nghệ thuật. Từ sân khấu đến quảng trường rộng lớn những động tác múa đầy nữ tính và thấm đẫm chất dân gian hiện đại đã đem lại hiệu ứng nghệ thuật mới lạ. Số lượng tiết mục đến những giải thưởng của chị đã đánh dấu những kỷ lục đáng nể trọng. Đầu xuân 2021 có dịp gặp mặt NSND Ngọc Bích, tôi hỏi chị có tính được số lượng tác phẩm của mình không. Chị lắc đầu rồi cười. Nhưng bất chợt chị cho biết riêng có bốn chương trình thì chị nhớ và có thể coi đó là những kỷ lục. Đầu tiên là tác phẩm “Sóng lụa ven đô” (đề tài về lụa Vạn Phúc - Hà Đông) đoạt huy chương vàng năm 2009 tại Nha Trang. Tác phẩm đã được nhiều đoàn và nhà hát trên toàn quốc biểu diễn nhiều nhất.

Cho đến nay tác phẩm “Sóng lụa ven đô” vẫn được nhà hát biểu diễn. Ít có tiết mục múa nào có tuổi thọ lâu đến vậy. Mười hai năm với “Sóng lụa ven đô” được coi là tác phẩm sống theo năm tháng. Một kỷ lục khó dừng lại. Kỷ lục thứ hai là dự án múa kỷ niệm 100 năm các đồng chí Tổng bí thư ở nước ta. Đây là một công trình nghệ thuật múa dài hơi bắt đầu từ năm 2012. Đến nay dự án đã thực hiện được 10 chương trình. Khi tôi được xem video múa kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng bí thư Lê Hồng Phong mới hay NSND Ngọc Bích dàn dựng rất công phu. Như vậy mỗi kịch múa là câu chuyện kể về cuộc đời của một người. Hàng ngàn động tác múa nghĩ ra vừa mang tính tạo hình vừa diễn đạt sự kiện đã xảy ra trong dòng lịch sử đầy biến động. Quả là không dễ dàng chút nào. Kỷ lục này còn sẽ tiếp nối.

Sau đó NSND Ngọc Bích nói tiếp đến kỷ lục múa thứ ba. Đây là những tác phẩm nghệ thuật về đề tài thủ đô Hà Nội. Cũng chưa có ai sáng tác được tới hàng chục tác phẩm về Hà Nội như chị. Nổi bật có những tiết mục đoạt huy chương vàng bạc như: “Hương cốm”. “Dáng xuân”, “Sóng lụa ven đô”, “Hồn đất”… Gần đây nhất chị mới dựng tiết mục hàng trăm người múa tại Festival Di sản văn hóa tại Hà Nội (2020). Đặc biệt trước đó chị đã có những tiết mục múa trong Lễ hội kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội với chính tác phẩm “Sóng lụa ven đô”. Đến kỷ lục thứ tư thì “khủng” hơn theo chị nói. Đó là chương trình múa “Đại xòe” của các dân tộc miền Tây Bắc với 5.000 người biểu diễn (NSND Ngọc Bích là tổng đạo diễn). Lễ hội diễn ra tại Nghĩa Lộ, Yên Bái (20/9/2019).

Công sức của chị còn nằm ở những ý tưởng tạo hình tượng mang dấu ấn địa phương đặc sắc. Hàng ngàn người vừa múa vừa chuyển động tạo nên hình ảnh chiếc khăn piêu hay những cọn nước hoặc những ruộng bậc thang… Khi nhìn chồng bản thảo hội họa, thiết kế những màn múa của chị tôi hết sức ngạc nhiên. Bởi đó là những đêm chị đã thức trắng để lên kế hoạch tổ chức sự chuyển động của hàng ngàn người tạo nên biểu tượng mình mong muốn.

Khúc mơ

NSND Ngọc Bích là người gắn bó với Hà Nội đã hơn 45 năm. Khi đề cập tới những tiết mục về Hà Nội chị vẫn còn băn khoăn vì còn bao việc muốn làm. Đặc biệt sau tiết mục “Dáng xuân” (nhạc Hồ Hoài Anh) nghệ sĩ muốn thể hiện vẻ đẹp của Hà Nội nhiều hơn nữa. Sau màn múa của 400 người ở Hoàng thành Thăng Long trong đêm tôn vinh di sản Việt Nam, Ngọc Bích có mộng ước muốn phát triển dài lâu. Dáng xuân Hà Nội không chỉ là những tà áo dài; không chỉ là sự óng ả bay bổng của những tấm lụa Hà Đông mà còn là những điệu múa cổ Hà Nôi ngàn năm. Chị mơ sẽ được múa và biên đạo những vũ điệu vào những đêm đi bộ quanh Hồ Gươm. Mỗi đêm sẽ là một chương trình nghệ thuật dân gian của một dân tộc trên đất nước ta. Một sân khấu rực rỡ cùng những cô gái xinh đẹp như những nàng tiên từ trong những bức tranh bước ra. Đó là những tố nữ diễm kiều nhất của thù đô ngàn năm văn hiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đằm thắm 'Dáng xuân'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO