'Đậm' và 'nhạt' chị em nàng Kiều

Hoài Nam 17/02/2020 16:21

Trong số đặc biệt Xuân Canh Tý 2020, Tinh hoa Việt đã giới thiệu 2 nhân vật “đậm - nhạt” trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du- hai người đàn ông là Từ Hải và Kim Trọng. Số báo này, xin lại được hầu chuyện “đậm - nhạt” về hai nhân vật nữ - hai chị em nàng Kiều.

'Đậm' và 'nhạt' chị em nàng Kiều

Chị em Thúy Kiều. (Tranh của họa sĩ Đặng Tiến).

1. Trong Truyện Kiều, Thúy Kiều đương nhiên là đệ nhất “đậm” nhân vật. Nét đậm của nàng thực ra không phải nằm ở Tài và Sắc (Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai) mà là ở Tính và Tình. Có thể nói, ở phương diện này bao giờ Kiều cũng bộc lộ ra như một con người của những sự tới hạn, đôi khi rất trái ngược nhau, và không khi nào nàng chịu ổn định trong một trạng thái, một cảm xúc trung bình cộng nửa vời. Chỉ vừa mới nghe câu chuyện về cuộc đời của kỹ nữ Đạm Tiên, nàng đã “đầm đầm châu sa”:

Đau đớn thay phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
Phũ phàng chi bấy hoá công!
Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha
Sống làm vợ khắp người ta
Khéo thay thác xuống làm ma không chồng!
Nào người phượng chạ loan chung
Nào người tiếc lục tham hồng là ai?

Không phải là sự sẻ chia theo lối “đàn bà với nhau” thông thườmg nữa rồi. Cũng không phải là biểu hiện “thương vay khóc mướn” của một tâm hồn nhạy cảm. Đọc kỹ, ta sẽ thấy những lời than trách trên chính là những lời tự thán. Bằng một tiên cảm kỳ lạ, Kiều đã nhìn thấy tương lai của mình qua số phận của Đạm Tiên. Và nếu ta nhớ rằng cho đến lúc này Kiều mới chỉ là một cô nương “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê/ Êm đềm trướng rủ màn che/ Tường đông ong bướm đi về mặc ai” – tức là chưa có mấy chút trải nghiệm trường đời – thì mới thấy sự tiên cảm kia đã hé lộ một cái gì đó vượt ngưỡng. Thế nhưng, cũng chính người con gái này khi đã yêu thì vô cùng táo bạo, quyết liệt, bùng nổ như một thùng thuốc súng. Sau hai lần gặp Kim Trọng, đến lần thứ ba thì Kiều đã “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để được gần người mình yêu. Và rồi, ngay ở lần gặp thứ ba này nàng đã cùng chàng Kim:

Tiên thề cùng thảo một chương
Tóc mây một món, dao vàng chia đôi
Vừng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương

Đặt trong bối cảnh xã hội “Gia Tĩnh triều Minh” thì không ai có thể hình dung được một tiểu thư khuê các như Kiều lại liều lĩnh đến thế. Hình như mọi điều răn mà những cô thiếu nữ con nhà khuê các đều thuộc nằm lòng đã bị nàng quên sạch để chạy theo tiếng gọi của tình yêu đầu đời, không e lệ, không “bắc bậc làm cao” một chút cho “phải phép”. Trao trọn con tim cho người tình chỉ sau ba lần gặp gỡ, tôi đoan chắc rằng cái tốc độ và cường độ tình yêu của Kiều không hề thua sút nếu đem so với tình yêu của nam nữ thời internet toàn cầu.
Trong Truyện Kiều đối chiếu, tác giả Phạm Đan Quế đã từng làm một thống kê về những cảnh ngộ lặp lại trong đời Kiều: hai lần vào lầu xanh, hai lần đi ở, hai lần đi trốn, ba lần định tự tử, ba lần đi tu, ba lần chia tay với người tình, bốn lần bị đòn, năm lần đánh đàn, bảy lần nhớ nhà, bảy lần lấy chồng... Quả là một cuộc đời trầm luân, buồn nhiều vui ít. Mà cái buồn của Kiều thì hiếm khi không đạt tới đỉnh điểm của cảm xúc. Hãy thử ví dụ bằng việc Kiều đánh đàn. Trong năm lần đánh đàn thì lần Kiều đánh đàn cho vợ chồng Hoạn Thư -Thúc Sinh, và lần Kiều đánh đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe là oái oăm nhất. Lần một là hoạt cảnh vợ cả bắt vợ hai phải hầu đàn cho ông chồng trong tư cách một nô tỳ, và không ai dám lên tiếng cải chính, thì:

Bốn dây như khóc như than
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng
Cùng trong một tiếng tơ đồng
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm

Lần thứ hai là lần Kiều phải mua vui cho kẻ vừa mới đây thôi đã bức tử trượng phu của mình, thì:

Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay

Tóm lại, nếu có thể hình dung về Kiều theo con mắt của người làm nghệ thuật tạo hình, thì đây là nhân vật được tạo nên bằng những đường nét gọn, sắc, dứt khoát, những màu sắc nóng, chứa nhiều năng lượng gây nổ.

2. Còn Thúy Vân thì đó là một nhân cách đối lập hoàn toàn. Một đệ nhất “nhạt” nhân vật trong Truyện Kiều. Vũ Hạnh, ở tập Đọc lại Truyện Kiều, có nói đến việc Thúy Vân “không có mắt”. Đúng thế thật:

Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.

Quả thực là không có một chữ nào nói đến mắt Thúy Vân. Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Không có mắt tức là tâm hồn rỗng tuếch. Một đời sống tinh thần nghèo nàn, ba phải, được chăng hay chớ, dễ thích ứng với hoàn cảnh bởi cái thói vô tâm vô tính, không hình thành nổi một bản ngã cho tử tế. Chả thế mà khi gia đình gặp cơn tai biến, chị gái phải bán mình chuộc cha, thì Thúy Vân vẫn điềm nhiên... ngon giấc:

Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân,
Bên đèn ghé đến ân cần hỏi han:
Cơ trời dâu bể đa đoan
Một nhà riêng để chị oan một mình
Cớ chi ngồi nhẫn tàn canh
Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây?

Người ta sẽ không thể tìm được một câu hỏi nào vô duyên hơn câu hỏi này của Thúy Vân. Chỉ còn đêm nay thôi Kiều được ở dưới mái nhà của cha mẹ, đến ngày mai nàng đã phải rời khỏi để đi theo kẻ bỏ tiền mua mình. Một tương lai bất định, mờ mịt họa phúc đang mở ra trước mắt người con gái. Chỉ cần có thế thôi cũng đủ biến đêm nay thành một đêm trắng. Ai cũng có thể hiểu được như vậy, nhưng riêng Vân thì không. Nói một câu an ủi nhạt nhẽo, nàng coi như đã hoàn thành nghĩa vụ với chị mình. Có lẽ vì thế mà khi nhờ cậy Vân thay mình gá nghĩa với Kim Trọng, con người đầy nhạy cảm như Kiều đã ý thức được rằng đây là việc “cực chẳng đã”, rằng Vân hoàn toàn không xứng đáng với bậc danh sĩ phong lưu nọ. Không ngẫu nhiên mà ở đoạn trao duyên, Kiều nói chuyện với Vân mà cứ tựa như độc thoại, và càng lúc đối tượng lời nói mà nàng hướng tới càng không phải là cô em gái đang ở trước mặt.

Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng
Ôi Kim lang, hỡi Kim lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!

Hiển nhiên, trong diễn ngôn nhằm vào Thúy Vân thì ba câu lục bát trên đã bị lạc hướng. Đó là tiếng kêu đứt ruột mà Kiều gửi tới chàng Kim, và ở khoảnh khắc tột cùng đau thương đó, Vân đã biến mất trước mắt nàng. Đơn giản, vì Vân không phải người nàng có thể chia sẻ được.

Suốt mười lăm năm Kiều luân lạc tận khổ, Nguyễn Du đã không để cho Vân xuất hiện lấy một lần, than một tiếng hoặc nhỏ một giọt nước mắt cho chị (cũng như trước đó ông đã không để cho nàng có một chút phản ứng nào trong cảnh gia biến, cứ như thể Vân không phải người nhà họ Vương vậy). Nói cách khác, Vân điềm nhiên vui hưởng hạnh phúc bên chàng Kim “phong tư tài mạo tót vời” mà không cần biết tới ai đã phải trả giá cho hạnh phúc của nàng. Thế nhưng, cũng chính nàng Vân ấy, trong cảnh gia đình đoàn tụ, lại có một ứng xử khá bất ngờ:

Tàng tàng chén cúc dở say
Đứng lên Vân mới giải bày một hai
Rằng: trong tác hợp cơ trời
Hai bên gặp gỡ, một lời kết giao.
Gặp cơn bình địa ba đào,
Vậy đem duyên chị buộc vào duyên em.
Cũng là phận cải duyên kim
Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao?
Những là rày ước mai ao,
Mười lăm năm ấy, biết bao là tình!
Bây giờ gương vỡ lại lành
Khuôn thiêng lừa lọc đã dành có nơi.
Còn duyên may lại còn người,
Còn vừng trăng bạc, còn lời nguyền xưa.
Quả mai ba bảy đương vừa,
Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì.

Câu nói của Vân có thể đơn giản hoá như sau: Khi trước hai anh chị đã có lời nguyền ước, chẳng may vì sóng gió nổi lên, nên em mới phải thay chị kết duyên cùng anh. Nay chị đã trở về, hai anh chị hãy mau mau cưới nhau đi. Một cách nghĩ, một cách nói cũng có vẻ rất biết trước sau. Nhưng nếu ta thử đặt nó cạnh lời “chạy tội” của Hoạn Thư: “Lòng riêng, riêng những kính yêu/ Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai” - hầu hết chị em phụ nữ đều tâm đắc với câu này - thì mới thấy rằng với Vân, mười lăm năm vợ chồng cùng Kim Trọng hình như cũng không thâm trọng gì cho lắm. Và vì thế, tôi tin rằng khi hạ bút về nhân vật này: “Thừa gia chẳng hết nàng Vân/ Một cây cù mộc, một sân quế hòe”, hẳn cụ Tố Như không giấu nổi một nụ cười tinh quái...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Đậm' và 'nhạt' chị em nàng Kiều

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO