Dân ca ví, giặm thành sản phẩm du lịch

Minh Sơn 19/07/2015 22:28

Tỉnh Nghệ An vừa triển khai kế hoạch hỗ trợ các CLB dân ca bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm; từng bước đưa giá trị di sản dân ca ví, giặm trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, theo kế hoạch dân ca ví, giặm sẽ được chú trọng để trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng cho Nghệ An, Hà Tĩnh.

Dân ca ví, giặm thành sản phẩm du lịch

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được coi là một sản phẩm du lịch đặc trưng

Theo đó, trong quý 3-2015, tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức truyền dạy, dàn dựng các tác phẩm diễn xướng dân ca ví, giặm và biên tập các tác phẩm “Về miền ví, giặm”, “Một lòng đợi bạn”, “Diễn xướng phường vải”, “Diễn xướng phường nón”, “Diễn xướng phường cấy”, “Diễn xướng phường chài”, “Thử lòng chung thủy”, “Bần hát ghẹo”, “Phụ tử tình thâm”, “Khúc hát giao duyên”... thành những kịch bản chương trình mẫu có thời lượng 20 đến 25 phút.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tổ chức truyền dạy cách sử dụng các nhạc cụ như nhị, bầu, sáo, trống, thập lục vận dụng vào trong các tác phẩm ví, giặm được dàn dựng; hỗ trợ câu lạc bộ dân ca ví, giặm các trang phục biểu diễn, đĩa nhạc thu âm toàn bộ phần nhạc các tác phẩm, đạo cụ dùng trong các tác phẩm được tập huấn dàn dựng biểu diễn để CLB duy trì biểu diễn các tiết mục. Ngoài ra, UBND Nghệ An cũng giao Sở VHTT&DL tỉnh lựa chọn một số CLB dân ca để triển khai công tác bảo tồn, trong đó ưu tiên câu lạc bộ tại huyện miền núi.

Tuy nhiên, thực tế công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Tại các địa phương, số nghệ nhân và người dân hát được dân ca ví, giặm không còn nhiều; không gian diễn xướng và các tư liệu cùng các yếu tố liên quan đến dân ca ví, giặm đang bị mai một, thất truyền. Nhiều CLB và các làng, các nhóm dân ca ví, giặm gặp khó khăn về kinh phí và phương thức hoạt động. Đặc biệt, là dân ca ví, giặm vẫn chưa được quảng bá sâu rộng cũng như gắn liền với thế mạnh như du lịch của Nghệ An và Hà Tĩnh. Trước thực trạng này, trong thời gian tới bên cạnh công tác bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm, nhiệm vụ trọng tâm của Nghệ An là sẽ đưa dân ca vào phục vụ khách du lịch không chỉ vào mùa lễ hội mà cả ở các khu du lịch như Cửa Lò, Khu di tích Kim Liên, Khu lưu niệm Nguyễn Du...

Theo bà Lê Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Nghệ An: “Dân ca ví, giặm là nét văn hóa truyền thống của dân tộc, nó đơn giản, mộc mạc, dễ thẩm thấu, thu hút không chỉ người dân xứ Nghệ mà cả du khách thập phương, đồng thời cũng là sản phẩm phục vụ du khách và làm tăng giá trị doanh thu”. Bên cạnh đó, một trong những hoạt động cụ thể của tỉnh Nghệ An trong việc bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm là việc quảng bá, đưa dân ca trở thành sản phẩm du lịch.

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh cũng đã tổ chức rất nhiều hội thảo về du lịch, trong đó có các hội thảo như Liên kết xây dựng sản phẩm du lịch các tỉnh Bắc miền Trung, Liên kết phát triển du lịch Thanh - Nghệ - Tĩnh... Tại các hội thảo ký kết hợp tác phát triển, xây dựng tour, tuyến du lịch thì vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch được đặc biệt quan tâm, đó là làm thế nào để dân ca trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Nghệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dân ca ví, giặm thành sản phẩm du lịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO