Dân chấm điểm

Việt Thắng 31/08/2017 07:50

Ngày 29/8, tại hội thảo về xây dựng Nghị định cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đưa ra một thông tin đáng mừng: Đó là Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông được xây dựng theo hướng trao quyền “chấm điểm” cho người dân. Quan điểm xây dựng văn bản này là “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, vừa qua nhiều nơi triển khai cơ chế một cửa nhưng thời gian chờ đợi, trả kết quả hồ sơ còn kéo dài, việc chọn người cho bộ phận này chưa tương xứng. Vì vậy, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ở địa phương còn thấp, khiến người dân phải đi lại nhiều lần, “thậm chí có tình trạng nay cán bộ nói bổ sung cái này, hôm sau lại yêu cầu cái khác”.

“Thủ tướng đã chỉ đạo mở kênh trực tuyến kết nối Chính phủ với doanh nghiệp và người dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, do người đứng đầu Văn phòng Chính phủ chủ trì. Trong đó, kênh “Chính phủ với người dân” có công cụ để người truy cập đánh giá, cho điểm kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan công quyền; hiện kênh “Chính phủ với doanh nghiệp” đang được yêu cầu viết lại phần mềm theo hướng này.

Nếu giải quyết các kiến nghị không tốt, người dân sẽ cho điểm kém với cơ quan quản lý nhà nước. Đó là động lực thúc đẩy chất lượng giải quyết công việc.

Như Thủ tướng nhiều lần đã nói, không thể ngứa ở đầu mà gãi chân. Nếu ngứa đầu mà gãi chân thì dân sẽ đánh giá điểm rất xấu.

Với tinh thần “dân chấm điểm, dự thảo Nghị định đã tạo phương thức thực hiện thủ tục hành chính đa dạng cho người dân, minh bạch quá trình giải quyết để người dân giám sát, và đặc biệt là đảm bảo sự tham gia của cá nhân, tổ chức trong việc đánh giá chất lượng cơ quan hành chính nhà nước”- ông Dũng nói.

Một Nhà nước pháp quyền do dân làm chủ phải được đánh giá dựa trên sự làm chủ của dân thông qua sự hài lòng của mình. Thế nhưng thủ tục hành chính vẫn đang được xem là “yết hầu” khi dù nhiều lần cải cách nhưng kết quả nhận được vẫn là một sự than phiền, một sự không hài lòng của người dân.

Mà mới đây “ông Hiếu phường Văn Miếu” chậm trễ trong việc cấp giấy chứng tử cho người dân chỉ là 1 trường hợp điển hình trong….1001 kiểu nhũng nhiễu dân vẫn “chưa bị lộ”.

Đó cũng là bởi sự tham gia của người dân vào đánh giá, giám sát dịch vụ hành chính công chưa nhiều. Các cơ quan công quyền chưa thu thập được ý kiến phản hồi của người dân để cải cách dịch vụ, hoặc việc ghi nhận ý kiến người dân còn mang tính hình thức. Hay nói cách khác sự góp ý của dân chưa được tiếp thu một cách đầy đủ.

Đã nói đến phục vụ thì phải có sự đánh giá. Tại các nước, cán bộ sợ dân vì họ quyết định vị trí của người lãnh đạo bằng những lá phiếu định mệnh. Còn ở ta cán bộ lại cửa quyền, hách dịch trong ứng xử với dân mà quên đi mình đang chịu sự giám sát của nhân dân.

Quyền lực được trao cho mà thiếu sự kiểm soát, đánh giá sẽ sinh hư dẫn đến lạm quyền, lộng quyền mà từ đó dẫn đến tha hóa, nảy sinh tham ô, tham nhũng, trục lợi những đồng thuế của dân từ “chiếc ghế danh vọng” quyền lực đem lại.

Thực tế “có vào mà có ra”, “có lên mà không có xuống” cần phải được cải thiện. Khó có thể cắt nghĩa hai chữ tinh giản khi bản đánh giá cuối năm cán bộ luôn hoàn thành nhiệm vụ. Cũng là bởi cơ chế đánh giá chưa thực chất, vẫn còn chủ quan duy ý chí của người cán bộ khi nhận xét đánh giá.

Đôi khi vì nể nang, né tránh, sợ hãi mà đánh giá có sự sai lệch. Một bộ máy luôn được đánh giá là “ngon lành” trong thăm dò ý kiến nhưng lại nhận được phản ứng trái chiều từ người dân- những người trực tiếp tiếp xúc với cán bộ? Làm sao có thể ngon lành khi tình trạng “trên trải thảm dưới trải đinh” vẫn diễn ra?

Ngon lành khi người dân vẫn bị hành là chính khi làm các thủ tục hành chính? Còn doanh nghiệp thì ngậm ngùi trong những khoản chi phí không chính thức.

Đó chính là do thiếu sự “chấm điểm” hay nói cách khác là đánh giá của người dân về thái độ, sự phục vụ của người cán bộ khi đang sống bằng những đồng tiền thuế dân nuôi.

Nhìn từ sâu xa, “dân chấm điểm” là then chốt để nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công. Cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm trong cải cách hành chính là tư duy hiện đại, phù hợp với vai trò và chức năng của một Chính phủ kiến tạo, phục vụ mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng đề ra. Không soi gương sao biết mình có nhọ?

Dân chấm điểm chính là “cái gương” để cán bộ tự soi lại mình về cách phục vụ đối với dân để mà uốn nắn, sửa chữa. Vì thế, xây dựng các cơ chế độc lập để người dân giám sát và phản hồi về chất lượng dịch vụ hành chính công sẽ là động lực mạnh mẽ tạo ra thay đổi trong suy nghĩ và ứng xử của cán bộ hành chính công theo hướng phải “làm hài lòng người dân” thay vì áp đặt quyền lực một cách phi lý.

Chuyển từ nền hành chính mang nặng tư duy quản lý sang tư duy phục vụ sẽ loại bỏ đi những chi phí không chính thức đang đặt lên bàn doanh nghiệp và người dân.

Nhưng để Nghị định đi vào cuộc sống, rất cần các cơ chế khách quan, độc lập với các phương pháp và tiêu chí để người dân và doanh nghiệp tham gia giám sát dịch vụ hành chính công, mà trong đó chính là sự giám sát phản hồi của người dân là điều kiện tiên quyết, với với việc xây dựng một hệ thống điện tử kết nối liên thông.

Bởi chỉ một cái ấn nút “hài lòng”, hay “không hài lòng” của người dân sẽ quyết định vị trí của người cán bộ. Nó phản ánh sự chính xác từ thực tế thay vì những bản báo cáo nhận xét hoàn thành nhiệm vụ vào cuối năm để xếp loại cán bộ. Bởi người dân luôn công tâm và khách quan trong việc “chấm điểm”.

Và cũng là bởi đã đến lúc cán bộ cần soi lại mình trong “chiếc gương” cung cách phục vụ nhân dân. Có điều, cần tạo ra một cơ chế để người dân phát huy quyền của mình bằng việc xóa đi cơ chế “ngứa đầu chỉ cho gãi chân”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dân chấm điểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO