Dân chủ lựa chọn đại biểu của dân

Hoàng Mai 10/06/2016 09:00

Chiều 9/6, Hội đồng Bầu cử quốc gia họp báo công bố kết quả bầu cử ĐBQH khóa XIV với  496 ĐBQH được nhân dân, cử tri cả nước chọn lựa trong số 870 ứng viên. Như vậy là cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã đi đến những bước cuối cùng, sau khi công bố kết quả chỉ còn chờ việc Quốc hội khóa mới phê chuẩn tại kỳ họp đầu tiên. Những ấn tượng ban đầu về kỳ bầu cử năm nay là dân chủ, cẩn trọng, trách nhiệm. Từ khâu lập danh sách sơ bộ, qua ba vòng hiệp thươn

Hội đồng Bầu cử quốc gia kể từ khi được thành lập và đến khi được kiện toàn (vào tháng 3 năm nay) đã họp 6 phiên và ủy ban bầu cử các cấp cũng đã làm việc hết sức mình cho một kỳ bầu cử thành công.

Trong phiên họp thứ 6 Hội đồng Bầu cử quốc gia, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký QH, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia đã cho biết một số những con số ấn tượng với tổng số ĐBQH trúng cử ngày 22-5 và bầu thêm tại Cần Thơ vào ngày 29-5, tức là sau một tuần ở trong số lượng mà Luật Tổ chức Quốc hội quy định là “không quá 500”. Trong đó, nổi lên là về cơ cấu kết hợp, dân tộc thiểu số thiếu 4 (17,30%) người so với dự kiến; phụ nữ thiếu 17 (26,80%) người so với dự kiến; ngoài Đảng có 21 người trúng cử, tỉ lệ 4,20%, giảm 4,2 % so với khóa XIII (42 người). Dưới 40 tuổi có 71 vị trúng cử, cao hơn 21 người so với dự kiến và tăng 1,9% so với khóa XIII. Trình độ trên đại học 310 người (62,50%), đại học 180 người, dưới đại học 6 người; tái cử bằng số dự kiến, nhưng giảm 1,1 so với khóa XIII; tự ứng cử giảm 0,4% so với khóa XIII. Như vậy có 317 đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu. Đại biểu tự ứng cử trúng cử 2 người, giảm 2 người so với khóa trước. Cà Mau trở thành địa phương có nhiều đại biểu tái cử nhất tại kỳ bầu cử này. “Đặc biệt, lần này phải hủy bỏ kết quả bầu cử ĐBQH khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ở khu vực bỏ phiếu số 2, xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang vì có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Và đơn vị bầu cử này đã tiến hành bầu lại vào ngày 5-6”-ông Phúc cho hay.

Cũng trên cơ sở các kết quả này, Hội đồng Bầu cử quốc gia đánh giá, cuộc bầu cử đã phát huy được tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong từng bước triển khai. Từ dự kiến cơ cấu thành phần, số lượng, việc đóng góp ý kiến, hiệp thương, lấy ý kiến cử tri, lựa chọn, giới thiệu được những người đủ tiêu chuẩn, chất lượng, tổ chức vận động bầu cử đến việc bỏ phiếu, kiểm phiếu. Và quả thực, nhờ sự chủ động của Hội đồng Bầu cử quốc gia trong việc làm tốt công tác chuẩn bị tổ chức bầu cử và công tác thông tin tuyên truyền được triển khai với nhiều hình thức phong phú đa dạng tạo không khí phấn khởi cho cử tri cả nước tích cực tham gia cuộc bầu cử. Sau khi có kết quả, cũng đã có một khoảng thời gian thích hợp là 20 ngày là để có điều kiện xem xét các khiếu nại tố cáo và đến ngày 9-6 kết quả bầu cử mới được chính thức công bố. Tất cả các công việc đều được thực hiện theo luật, hoàn toàn chủ động, không có bất cứ sự lúng túng nào.

Đối với MTTQ Việt Nam, ngay từ khi Hội đồng Bầu cử quốc gia được thành lập, Mặt trận đã ngay lập tức vào cuộc giám sát chặt chẽ các bước trong bầu cử; nhiều đoàn giám sát do các lãnh đạo Mặt trận làm trưởng đoàn đã đi các địa phương, xuống tận điểm bỏ phiếu để kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử, từ chuyện địa điểm đặt hòm phiếu đến công tác thông tin tuyên truyền như việc niêm yết danh sách cử tri, niêm yết danh sách người ứng cử cùng trích ngang. Đặc biệt, trong hiệp thương đã có những cuộc tranh luận công khai, sôi nổi về cơ cấu, thành phần hay về ứng viên cụ thể.

Tuy thế, nhìn từ góc độ của Hội đồng Bầu cử quốc gia, ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng thẳng thắn đưa ra những hạn chế như không bầu được đủ số lượng ĐBQH theo dự kiến, cơ cấu đại biểu chưa đạt được như định hướng dự kiến ban đầu, nhất là tỷ lệ nữ, tỷ lệ người ngoài Đảng, có nơi phải tiến hành bầu cử thêm. “Vẫn có trường hợp để xảy ra sai sót trong in ấn phiếu dẫn đến việc phải hủy bỏ kết quả bầu cử và phải tiến hành bầu cử lại, sơ xuất trong việc kiểm soát số lượng phiếu phát ra, số phiếu thu vào, việc đóng dấu đã bỏ phiếu. Nhiều nơi bầu chưa đủ số lượng đại biểu HĐND nhất là đại biểu HĐND cấp xã. Tình trạng bầu hộ, bầu thay vẫn chưa được khắc phục”-ông Phúc nói. Đặc biệt, về kết quả bầu cử đại biểu HĐND - các cấp theo ông Phúc - báo cáo của 63 tỉnh, thành phố gửi về cho thấy, cấp tỉnh có 3.908 người trúng cử, thiếu 8 đại biểu; cấp huyện có 25.179 người, thiếu 120 đại biểu; cấp xã có 291.273 người, thiếu 6.626 đại biểu. Trong đó, đặc biệt là cấp xã số lượng ĐB HĐND xã thiếu khá nhiều dẫn đến việc phải bầu bổ sung tại nhiều địa phương khắp cả Bắc, Trung, Nam.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, đây là chuyện bình thường trong bầu cử. Ông Pha nêu quan điểm: “Theo tôi, điều này cho thấy rõ cuộc bầu cử diễn ra rất dân chủ. Người dân càng ngày càng quan tâm hơn đến công việc của đất nước; trong đó có việc lựa chọn đội ngũ lãnh đạo đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo tại HĐND cấp xã, cấp huyện- cấp gần dân nhất, liên quan trực tiếp đến các quyết sách của địa phương”.

Có lẽ chính sự cẩn trọng trong chọn lựa hay là sự hiểu biết thấu đáo về những người ứng cử nên người dân tỏ ra khá tự tin, chủ động quyết định trong lá phiếu của mình. Nó cũng cho thấy, rõ ràng trình độ và sự hiểu biết của cử tri là rất đáng nể. Đây không nên xem là điều đáng buồn hay hạn chế mà nên xem nó như sự mở rộng dân chủ trong bầu cử và là hướng đi không đáng chê trách. Điều có chăng chỉ là các cấp địa phương cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nữa trong việc lên danh sách người ứng cử và tổ chức cho người ứng cử vận động tranh cử để nói lên chương trình hành động của mình như một hình thức tự tuyên truyền. Như thế sẽ tránh được việc bầu thiếu và sẽ tránh phải bầu cử thêm, tránh tốn kém.

Nếu bỏ qua mấy điểm “hạn chế” như nói trên thì rõ ràng, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và bầu cử HĐND các cấp lần này đã thành công ngoài dự kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dân chủ lựa chọn đại biểu của dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO