Dân Hy Lạp sống khắc khổ trong khủng hoảng nợ công

01/08/2017 08:35

Đã 4 năm kể từ khi đảng Syriza của Thủ tướng Alexis Tsipras tuyên bố rằng thời kỳ đen tối nhất trong khủng hoảng nợ công Hy Lạp đã qua đi, nhưng tình hình thực tế về cuộc sống người dân ở đất nước này lại không hề bớt phần khắc khổ một chút nào.

Người dân xếp hàng dài để nhận bánh mỳ cứu đói tại một nhà thờ Công giáo ở thủ đô Athens, Hy Lạp. (Nguồn: Reuters).

Khủng hoảng đến năm thứ 8

Panaghiota Mourtidou, người quản lý một nhà hàng tên Solidarity Club ở thủ đô Athen, cho hay bà vẫn còn nhớ rõ ngày mà ông Tsipras trở thành một luồng gió chính trị mới của đất nước khi khiến người dân tin rằng ông có thể thực sự kéo đất nước khỏi vực sâu của khủng hoảng nợ công.

Ông Tsipras khi tranh cử đã tuyên bố sẽ loại bỏ chính sách khắc khổ, với nắm đấm cùng luận điệu mạnh mẽ đã giúp cho biết bao người dân an lòng. Vao mùa Hè năm 2013 - 18 tháng trước khi chính thức nắm quyền - ông Tsipras đã trở thành một niềm hy vọng lớn, một hứa hẹn lớn về tương lai tươi đẹp hơn cho Hy Lạp.

Tuy nhiên, khi đã ở vị trí quyền lực, ông Tsipras lại là người thực thi một trong những đợt cắt giảm ngân sách và tăng thuế lớn nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp bắt đầu... điều khiến cho những người dân như bà Mourtidou mất dần hy vọng.

Ngày nay, Solidarity Club của bà Mourtidou không còn là một nhà hàng mà chỉ là một cửa hàng tạp hóa trên phố. Trông khi đó bản thân bà cũng bắt đầu cảm thấy phẫn nộ và sự thất vọng.

"Làm sao mà một người có thể sống sót với mức lương cơ bản 490 Euro trong khi vẫn phải trả tất cả các loại thuế mà chính phủ đã thông qua?" - bà Mourtidou nói - "có khoảng 51 gia đình đang phải sống nhờ vào cửa hàng chúng tôi, hầu hết họ đều cảm thấy tuyệt vọng. Dù rằng Hy Lạp đã thoát khỏi phá sản, nhưng còn những người dân bị phá sản thì sao?".

Sau 8 năm vật lộn với bi kịch về nợ công, các cuộc cải tổ trong nước đầy đau đớn để tránh khỏi việc bị đẩy ra khỏi EU cùng hàng loạt các biện pháp khắc khổ, cuộc sống người dân Hy Lạp đã bị ảnh hưởng hết sức tiêu cực.

Tuy nhiên, những khu vực bị tàn phá nặng nề bởi các chính sách khắc khổ không chỉ có ở địa bàn của Solidarity club, mà còn ở nhiều khu vực khác của thủ đô Athens, như quận Koukaki. Tại đây, bà Chryssa Christodoulaki cùng chồng, Anesti, đã sống hơn 50 năm qua, cho đến khi cuộc khủng hoảng ập tới.

Chính do cuộc khủng hoảng nợ công mà bà Chryssa đã phải đóng cửa hiệu làm tóc của mình. Người phụ nữ này đã đóng tiền bảo hiểm trong gần 45 năm và hy vọng rằng đến lúc về hưu sẽ nhận được một khoản lương hưu kha khá và đều đặn, nhưng các đợt cắt giảm ngân sách đã khiến nó giảm đi rõ rệt.

"Ban đầu tôi được hưởng lương hưu khá tốt, khoảng 1.750 Euro mỗi tháng" - bà Chryssa nhớ lại - "Sau đó nó bị cắt xuống còn 1.430 Euro và giờ chỉ còn 960 Euro. Chồng tôi cũng vậy, ông ấy đã làm việc cả đời cho một công ty tư nhân và giờ lương hưu bị cắt giảm thậm tệ".

Giờ đây, cặp vợ chồng già này còn không rõ liệu họ có còn được xếp vào tầng lớp trung lưu như trước kia hay không. Hy vọng sẽ trang trải được cuộc sống trong những năm cuối đời đã bị hủy hoại, vậy nên họ đang tính đến việc đi làm thuê trở lại.

"Chúng tôi đang bàn về điều đó" - bà Chryssa, 68 tuổi, nói về việc tìm một công việc làm thêm - "Chúng tôi có con cái đã trưởng thành, nhưng chúng không thể kiếm nổi việc làm nên phải dựa vào chúng tôi. Có cả một thế hệ đang sống trong khủng hoảng, họ không thể tìm việc làm, không thể lập gia đình hay có tương lai".

Hy vọng tàn lụi

Athens, cũng giống như nhiều đô thị lớn khác ở Hy Lạp, bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng đã khiến cho giá trị nền kinh tế nước này suy giảm tới 26%.

Một nghiên cứu được hãng DiaNeosis công bố năm 2015 cho thấy 15% dân số Hy Lạp - hay 1.647.703 người - có thu nhập ở dưới mức cực nghèo. Năm 2009, con số đó không vượt quá 2,2%. Trong khi đó, tài sản của các gia đình Hy Lạp cũng giảm tới 40% trong cùng thời điểm, theo Ngân hàng trung ương Hy Lạp. Tình trạng thất nghiệp đã tăng tới 22% - tính đến nay là mức cao nhất trong khối EU.

Vấn đề gây quan ngại nhất hiện nay chính là các điều chỉnh về tài chính ở Hy Lạp. Ít người tin rằng Hy Lạp có thể không phải cần tới gói cứu trợ thứ tư, dù cho họ đã lấy lại được quyền tiếp cận thị trường nhờ chương trình bảo trợ của EU-IMF, dự kiến sẽ chấm dứt vào tháng 8 năm tới.

"Khó có thể hy vọng về khả năng đất nước này thoát khỏi sự cứu trợ từ quốc tế và tự tạo nên nguồn tiền của chính họ để trả nợ" - Kyriakos Pierrakakis, Giám đốc nghiên cứu thuộc DiaNeosis, nhận định - "Họ sẽ cần có một nguồn tài chính khác, một gói cứu trợ khác, và đương nhiên sẽ kèm theo các điều kiện".

Đó là chưa kể, sau gói cứu trợ trị giá 8,5 tỷ Euro mà Hy Lạp nhận được từ các chủ nợ quốc tế hồi đầu tháng này, họ sẽ phải đưa ra các kế hoạch cải cách mới để có thể giúp cho khoản tiền này được giải ngân.

Những người sống dựa vào bếp ăn từ thiện

Ngoài Athens, thành phố Kaisariani cũng là một trong những nơi thấy rõ được sự hủy diệt của cuộc khủng hoảng này. Chính quyền thành phố Kaisariani đang cấp tập chuẩn bị các kế hoạch để sống sót qua mùa Đông năm nay. Họ liên tục tổ chức các sự kiện gây quỹ, bao gồm các buổi hòa nhạc và ca kịch để có tiền mua thực phẩm cho người dân trong vùng, khi các cửa hàng cũng cạn kiện.

"Nhu cầu lương thực ngày càng tăng cao đến mức khó tin" - bà Marilena Christodoulou, thuộc chính quyền thành phố Kaisariani, cho hay - "Cuộc khủng hoảng đã kéo dài quá lâu, đến nỗi nhiều người trước đây từng tham gia quyên góp, giờ cũng trở thành diện cần hỗ trợ".

Trong thành phố, các nhà thờ Công giáo như Kerameikos cũng tham gia các hoạt động quyên góp, cứu trợ cho người dân. Họ cũng là nhà quản lý bếp ăn Galini, một chiến dịch cung cấp chỗ ở cho người vô gia cư, cung cấp thực phẩn và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo và trẻ em.

Những người được nhà thờ Kerameikois hỗ trợ phần lớn là những người vẫn có nhà cửa đàng hoàng nhưng mức lương quá thấp cùng tình trạng thất nghiệp khiến họ không thể có tiền trang trải cuộc sống thường nhật.

Từ lúc cuộc khủng hoảng bắt đầu, đội ngũ tình nguyện viên của nhà thờ Kerameikos đã nấu 350 suất ăn mỗi ngày để phục vụ miễn phí cho người dân trong vùng, nhưng nhu cầu ngày càng tăng cao khiến họ buộc phải nhờ tới khoản quyên góp từ tổ chức viện trợ lương thực có tên Boroume.

Boroume đến nay đã cứu trợ và quyên góp trên 14 triệu suất ăn kể từ khi khủng hoảng nợ công Hy Lạp bắt đầu năm 2011.

Về phần mình, đối với những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng nợ công này, chính phủ của đảng cầm quyền Syriza đều phân phát cho các phiếu ăn miễn phí, hỗ trợ thuê mướn phương tiện, các bữa ăn miễn phí tại trường học và cung cấp dịch vụ y tế cho khoảng 2,5 triệu người không có bảo hiểm.

"Đối với những người nghèo nhất ở đất nước này, thì đảng Syriza đã làm rất tốt" - bà Mourtidou nói - "Nhưng họ đã không làm được điều mà phần lớn người dân từng hy vọng".

Trong lúc mà người dân Hy Lạp ngày càng thất vọng hơn trước việc chính quyền Thủ tướng Tsipras không thể thực hiện các cam kết mà ông từng đưa ra, tình trạng bất ổn lại càng có nguy cơ xảy ra. Giới chuyên gia cũng từng cảnh báo rằng bầu không khí ở Hy Lạp hiện nay có thể làm dấy lên các vụ bạo lực, tình trạng bất ổn và sự hờ hững của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dân Hy Lạp sống khắc khổ trong khủng hoảng nợ công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO