Bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Bạch Mã

Văn Sơn 20/10/2018 14:00

Thành lập năm 1991, Vườn quốc gia Bạch Mã được đánh giá là trung tâm của dải rừng xanh tự nhiên còn lại duy nhất của Việt Nam. Nơi đây có sự đa dạng sinh học cao, nhiều loài có tên trong Sách đỏ…

Bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Bạch Mã

1. Vườn quốc gia Bạch Mã được thành lập ngày 15/7/1991, đến ngày 2/1/2008, theo Quyết định số 01 Thủ tướng Chính phủ, Vườn được điều chính mở rộng tăng thêm 15.456ha, với tổng diện tích 37.487ha nằm trên địa bàn 2 tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam. Đến nay, Vườn vẫn còn giữ được hầu như nguyên vẹn những thảm thực vật phong phú và những cánh rừng nguyên sinh bát ngát...

Theo các nhà khoa học, thảm thực vật ở Vườn quốc gia Bạch Mã khá phát triển, thuộc kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa cận nhiệt đới (á nhiệt đới) ở địa hình cao trên 1.000m và kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới trên địa hình dưới l.000m. Tuy nhiên, do chất độc hóa học hủy diệt, khai thác gỗ, đất rừng làm rẫy bừa bãi trong thời gian dài mà hiện nay diện tích rừng nguyên sinh còn ít và diện tích rừng tái sinh, rừng phục hồi chiếm tỷ lệ đáng kể. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, địa hình núi cao, lớp phủ thực vật rừng dày nên chế độ nhiệt ẩm Vườn quốc gia Bạch Mã tương đối ổn định: nhiệt độ trung bình năm 16-22 độ C, tháng lạnh nhất 5-8 độ C, tháng nóng nhất không vượt quá 25 độ C, lượng mưa trung bình năm lớn nhất Việt Nam, phổ biến là 3.400-4.000mm/năm, đôi khi lớn hơn, thậm chí đến 9.000mm/năm.

Theo kết quả tổng hợp và điều tra, ở hệ sinh thái Vườn quốc gia Bạch Mã đã xác định được: lớp côn trùng có 894 loài, 580 giống, 125 họ, 17 bộ; lớp cá có 57 loài, 48 giống, 17 họ, 6 bộ; lớp ếch nhái có 21 loài, 7 giống, 5 họ, 1 bộ; lớp bò sát có 31 loài, 24 giống, 10 họ, 2 bộ; lớp chim có 358 loài, 186 giống, 55 họ, 15 bộ; lớp thú có 132 loài, 72 giống, 28 họ, 10 bộ.

2. Theo kết quả của đề tài nghiên cứu “Đa dạng sinh học động thực vật Vườn quốc gia Bạch Mã”, do các nhà khoa học Trường Đại học Tự nhiên Huế thực hiện: Vườn quốc gia này là 1 trong 27 vườn quốc gia nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của cả nước. Giàu tiềm năng về du lịch sinh thái, có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều loài động thực vật quý hiếm và hệ sinh thái chuẩn mực quốc gia cần bảo vệ một cách nghiêm ngặt.

Vườn được quy hoạch thành 3 phân khu, gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (12.064,8 ha); phân khu phục hồi sinh thái (20.234 ha); phân khu dịch vụ hành chính (5.188,2) ha. Hiện Ban quản lý Vườn quốc gia Bạch Mã đã xác định, thống kê được 2.147 loài thực vật (trong đó có 185 loài là đặc hữu của Việt Nam, 54 loài quí hiếm được đưa vào Sách đỏ Việt Nam).

Về động vật có 1.534 loài, trong đó lớp côn trùng có 894 loài; lớp cá xương có 57 loài; lưỡng cư bò sát có 93 loài; lớp chim có 358 loài; lớp thú có 132 loài. Đặc biệt là có các loài động vật đặc hữu và quý hiếm như: Gà lôi lam mào trắng, trĩ sao, voọc ngũ sắc, sao la, mang lớn.. và các loài thực vật quý giá như trầm hương, trắc, gụ, cẩm lai...

Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy, hệ động vật Bạch Mã có 4 loài là đặc hữu hẹp của Bạch Mã, 22 loài là đặc hữu của Việt Nam, 88 loài quí hiếm được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. Chỉ tính riêng về lớp thú thì Bạch Mã đã có tới 46 loài quí hiếm, 17 loài có tên trong Sách đỏ Thế giới…
Tuy nhiên đến nay, Vườn quốc gia Bạch Mã có tới 64 loài nguy cấp ở phạm vi Việt Nam, chiếm 3,88% số loài của Vườn được đưa vào trong Sách đỏ - Phần thực vật. Vườn cũng đã bổ sung 23 loài nguy cấp ở phạm vi toàn cầu, chiếm 1,4% tổng số loài của Vườn có tên trong Danh mục thực vật bị đe dọa của IUCN. Có 23 loài được bảo vệ theo pháp luật của Việt Nam.

Bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Bạch Mã - 1

Một số loài động vật quý hiếm ở Vườn quốc gia Bạch Mã.

3. Nhận thức được vai trò quan trọng của các loài động, thực vật có trong Vườn, Ban quản lý Vườn quốc gia Bạch Mã đã tiến hành nhiều nghiên cứu, đồng thời phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước. Theo đó, việc nghiên cứu bảo tồn nguồn gen là một hướng nghiên cứu quan trọng nhằm đánh giá tiềm năng và đề xuất các giải pháp bảo tồn tại chỗ, bảo tồn chuyển chỗ hoặc bảo tồn trang trại đối với các loài đang có nguy cơ đe doạ của Vườn.

Trong khuôn khổ các đề tài nghiên cứu bảo tồn nguồn gen, các nhà khoa học ở các viện, các trường đại học đã tổ chức và phối hợp nghiên cứu thành công, bảo tồn được một số loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, như các đề tài: Nghiên cứu đặc điểm sinh lý sinh thái và phương pháp nhân giống cây tùng Bạch Mã, cây hồi hoa nhỏ, cây re ương, cây chóc máu. Nghiên cứu sự phân bố các loài thú linh trưởng và đề ra các giải pháp bảo tồn; nghiên cứu sinh thái hổ…

Ngoài ra, Vườn còn phối hợp với các viện, trường đại học nghiên cứu một số đề tài đã có những kết quả đáng kể như: Nghiên cứu bảo tồn cây thuốc trong khuôn khổ dự án “Bảo tồn cây thuốc cổ truyền” của Viện Dược liệu. Đề tài thống kê được 810 loài cây thuốc có ở Bạch Mã và đã phát hành nhiều ấn phẩm công bố kết quả của công trình này. Đề tài Nghiên cứu bảo tồn một số loài cây quí hiếm đã xác định được vùng phân bố, đặc điểm tình hình tái sinh của các loài kim giao lá nhỏ, re, hương, lim xanh, chò đen và chóc máu...

Việc bảo vệ đa dạng sinh học Vườn quốc gia Bạch Mã hiện đang đặt ra nhiều thách thức. Bởi cũng có những mong muốn được khai thác vẻ đẹp, tiềm năng du lịch của Vườn quốc gia Bạch Mã. Tuy nhiên, đây là bài toán khó, gây ra những ý kiến trái chiều, rất cần sự nghiên cứu thấu đáo để bảo tồn sự đa dạng sinh học ở nơi được ví là “trung tâm của dải rừng xanh tự nhiên còn lại duy nhất của Việt Nam”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Bạch Mã

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO