Bệnh thủy đậu có xu hướng tăng

Ngọc Hải 05/02/2018 15:21

Xuất hiện quanh năm nhưng bệnh thủy đậu thường rộ lên trước Tết Nguyên Đán 1 tháng và kéo dài sau Tết vài tháng. Đáng lưu ý, bắt đầu từ tháng 1-2018, số bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu bắt đầu có xu hướng tăng, các chuyên gia y tế dự báo bệnh sẽ đạt đỉnh vào tháng 3 với số ca mắc bệnh khoảng 8.000 ca/tháng. Vậy làm gì để phòng bệnh?

Bệnh thủy đậu có xu hướng tăng

Tiêm vắcxin là cách tốt nhất để phòng bệnh thủy đậu.

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, năm 2017, số ca mắc bệnh thủy đậu tăng khoảng 46% so với năm 2016 với khoảng 39.000 ca mắc bệnh và xảy ra ở quy mô gần như khắp cả nước. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, số bệnh nhân thủy đậu cũng tăng 46%. Trong năm 2017, đỉnh dịch rơi vào tháng 3 với 8.000 ca mắc bệnh, các tháng còn lại thường dưới 3.000 ca. Theo ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, trong năm 2018, nếu không có biện pháp phòng ngừa thì nguy cơ dịch bùng phát trên cả nước hoàn toàn có thể xảy ra.

Cũng theo ông Trần Đắc Phu, bệnh thủy đậu có tốc độ lây nhanh, trong điều kiện thời tiết đông – xuân, độ ẩm cao sẽ thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, số ca mắc bệnh truyền nhiễm như thủy đậu sẽ gia tăng mạnh.

Bệnh thủy đậu do siêu vi Varicella zoster gây ra. Biểu hiện chính của bệnh là các tổn thương dạng bóng nước trên da và niêm mạc. Sau khi siêu vi xâm nhập cơ thể, phải qua thời gian khoảng 10-20 ngày (gọi là thời kỳ ủ bệnh) người bệnh mới xuất hiện các triệu chứng của một người nhiễm siêu vi (sốt, đau đầu, uể oải, chán ăn...). Lúc này, trên da người bệnh có thể xuất hiện những hồng ban có đường kính vài milimet và sau 1-2 ngày mới xuất hiện nốt đậu. Đáng lưu ý là khi nốt đậu nổi nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh có thể diễn tiến nặng.

Thủy đậu là bệnh lành tính, lây truyền qua đường hô hấp trong lúc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Bệnh cũng có thể lây lan gián tiếp cho người khác thông qua dịch tiết còn sót lại trên các đồ vật sử dụng hàng ngày. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó, trẻ em từ 2-8 tuổi có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất. Đối với người lớn, tỉ lệ này ít hơn nhưng vẫn có nhiều ca mắc bệnh do không được tiêm phòng đầy đủ.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, đa số trường hợp mắc bệnh thủy đậu đều tự khỏi nhưng vẫn có một số trường hợp gây ra biến chứng, thậm chí tử vong. Đặc biệt, người lớn mắc bệnh thủy đậu lại dễ bị biến chứng và có tỉ lệ tử vong cao hơn trẻ em. Biến chứng thường gặp nhất là bị nhiễm trùng tại các nốt đậu. Những người bị biến chứng này nếu không chữa trị kịp thời, tổn thương sẽ ăn sâu, lan rộng nên cho dù được chữa khỏi vẫn có thể để lại nốt sẹo rỗ gây mất thẩm mỹ, nặng hơn còn dẫn đến viêm mô tế bào, nhiễm trùng máu. Ngoài ra, người mắc bệnh thủy đậu còn có thể bị biến chứng viêm phổi, viêm não...

Trường hợp phụ nữ có thai bị thủy đậu sẽ tiềm ẩn khả năng biến chứng cao, bệnh nặng hơn nhiều lần so với trẻ em. Nguy hiểm hơn, người mẹ có thể bị sảy thai, hoặc lây bệnh cho thai nhi thông qua nhau thai, sinh con bị dị tật bẩm sinh sau này.

Theo các bác sĩ, quan trọng nhất trong chăm sóc và điều trị thủy đậu là làm sạch da và vệ sinh thân thể: tắm rửa bằng các dung dịch sát khuẩn, thay quần áo nhiều lần trong ngày, cắt ngắn và vệ sinh móng tay, tránh cọ xát làm các bóng nước bị vỡ. Dùng kháng sinh theo chỉ định của các bác sĩ. Cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, uống nhiều nước như nước lọc, nước canh và ăn thêm hoa quả bổ sung vitamin như cam, chuối,…

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo đối với thủy đậu, tiêm văcxin là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất cho bản thân, cho cộng đồng. Phụ nữ nên tiêm văcxin phòng bệnh trước khi có thai; không được tiêm khi đã mang thai. Trẻ từ một đến 12 tuổi, chỉ cần một liều văcxin là đủ giúp ngăn ngừa bệnh thủy đậu. Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm hai liều cách nhau ít nhất sáu tuần. Không tiêm vắcxin thủy đậu khi đang sốt hoặc bị bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, người mẫn cảm với các thành phần của vắcxin, người bị thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải.

Có một điều cần lưu ý là vắcxin phòng bệnh thủy đậu hiện nay chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, mới có vắcxin dịch vụ, độ phủ vắcxin không cao nên miễn dịch cộng đồng không nhiều. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đi tiêm phòng bệnh tại các điểm tiêm có vắcxin này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh thủy đậu có xu hướng tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO